Sân khấu không sáng đèn: Cơ hội của kịch truyền hình?
Văn hóa - Ngày đăng : 13:19, 10/12/2021
Nan giải bài toán doanh thu và an toàn
NSƯT Thành Lộc chia sẻ trên trang facebook của mình đại ý như sau : “Nếu được phép diễn nhưng phải tuân thủ giãn cách, mỗi khán giả ngồi cách nhau 2m. Tức là nếu ngày xưa bán vé đầy rạp thì bây giờ chỉ còn nửa rạp. Nếu trước dịch bán vé được nữa rạp thì bây giờ chỉ còn ¼ rạp. Như thế thì thu không đủ bù chi. Hơn nữa, vị trí sân khấu ở vùng xanh nhưng khán giả thì ở khắp nơi bao gồm vùng cam, vàng, đỏ. Làm sao có thể bảo đảm được an toàn sức khỏe”.
Điều này cho thấy ngay cả nghệ sĩ, những người rất thèm được diễn cũng gặp chướng ngại về hoàn cảnh thực tế. Sân khấu bình thường vốn đã èo uột, ông bà bầu phải liệu cơm gắp mắm, lấy doanh thu từ chổ khác bù lỗ. Bây giờ toàn xã hội gặp khó khăn, các ngành nghề bị ảnh hưởng, bản thân “những người điên của sân khấu’ – các ông bà bầu - mất rất nhiều thu nhập. Vậy nên nếu móc hầu bao “chơi tới bến” với nghệ thuật là bất khả thi, vì “không có thực sao vực được đạo”. Ngay cả hệ thống rạp phim, nơi có nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ các tập đoàn mà còn đang “sống dở chết dở” vì vắng khách.
Phim chiếu rạp vốn có sức hút rất lớn với khán giả thành thị, nhưng việc công chúng không dám đến rạp xem phim cho thấy sự an toàn về sức khỏe được đặt lên hàng đầu. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng nhiều khả năng hệ thống rạp chiếu tự động đóng cửa, cho dù, nhiều chủ rạp vẫn hy vọng sự phục hồi diễn ra vào cuối tháng 12.2021.
Ông bầu Trần Đại của sân khấu Thế Giới Trẻ rạch ròi với quan niệm kịch nghệ là món ăn tinh thần nhưng nó cần tiền để duy trì và phát triển. Nếu mở cửa mà không có khán giả, Thế Giới Trẻ sẽ tiếp tục đóng cửa chờ thời điểm phù hợp. Anh còn cho rằng nếu chẳng may có sự lây lan tại sân khấu, hậu quả lớn hơn nhiều kết quả đạt được. Ý kiến này tương đồng với nhiều nhận định tình hình của các ông bà bầu khác.
Đắt show kịch Tết truyền hình
Nghệ sĩ thoại kịch không có đất diễn, may mắn, họ còn có nhiều vùng đất khác để dụng võ. Nghệ sĩ Bạch Long, suốt thời kỳ giãn cách xã hội, bó gối trong căn phòng trọ. Lúc đó, anh sống nhờ vào cứu trợ của anh em đồng nghiệp nghệ sĩ. Khi có lệnh mở cửa, anh được mời vào ghế giám khảo cuộc thi Tinh hoa hội tụ. Thu hình được vài số, phải tạm ngưng vì có thành viên trong chương trình bị FO. Sau đó, anh được mời vào chương trình diễn kịch lồng trong ca nhạc mừng Tết của đài SCTV14. Chương trình này tận dụng tối đa kỹ năng diễn kịch của nghệ sĩ và thu hình nhiều tập nên Bạch Long tất bật suốt tháng 11 và 12.
Đạo diễn Trần Vũ Huân đang mướt mồ hôi trên sàn tập với vở kịch truyền hình Xuân về bên nhau với sự tham gia của các diễn viên Tấn Thi, Hoàng Trinh, Hiếu Hiền, Lê Giang, Tuyền Mập, Mai Sơn Lâm. Câu chuyện kịch bắt đầu từ ngày 23 kéo dài đến đêm 30 Tết với sự xung đột gay gắt giữa các thành viên gia đình. Để rồi khi không khí giao hòa giữa năm cũ và năm mới đến, các thành viên tự giác xóa bỏ những giận hờn để trở về với tình thân gia đình, yêu thương và chan hòa bên nồi bánh tét, bên cội mai vàng ấm áp. Đây là vở diễn có thời lượng 90 phút.
Đạo diễn Hoàng Duẩn đã thu hình xong 2 vở Vui tết đừng căng và Lì xì online. Thành phần diễn viên bao gồm thế hệ nghệ sĩ lão luyện như Tuấn Anh, Bảo Trí, Mai Dũng và thế hệ trẻ mới vào nghề như Mai Hoàng Phương Khanh. Đây là hai vở hài kịch mang thông điệp giáo dục nhưng có nhiều tình huống hài nhẹ nhàng phù hợp cho ngày đầu xuân. Ba vở kịch kể trên sẽ được phát trên đài truyền hình HTV vào các ngày tết âm lịch 2020.
Đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ: “Trong suốt thời gian dịch bệnh, hầu hết anh chị em chuyên mảng thoại kịch thất nghiệp. Thành phố mở cửa trở lại, một số anh chị nghệ sĩ kịch đã từng đóng phim truyền hình có cơ hội đi làm lại, những người chưa từng đóng phim tiếp tục thất nghiệp vì sân khấu chưa mở cửa. Vì vậy, mảng kịch truyền hình được phép thu hình là cơ hội để anh chị em có nơi để làm nghề. Ai cũng vui mừng. Chúng tôi ý thức được rằng mùa Tết này, các sân khấu có thể sẽ không thể mở cửa phục vụ khán giả, nên chúng tôi đầu tư rất chu đáo cho các vở kịch truyền hình để khán giả nhận thấy kịch truyền hình cũng hay và hấp dẫn”.
Trong quan niệm người Việt, Tết là khoảng thời gian cần có cảm xúc đoàn viên ấm áp, với ngầm ý tạo nên cảm xúc tích cực đầy hy vọng cho ngày đầu năm. Các vở kịch truyền hình vừa nêu trên cũng đi theo tinh thần ấy. Đó là những câu chuyện gia đình với những buồn vui xen lẫn nhưng điều cuối cùng đọng lại là tình yêu thương. Các đạo diễn, thông qua nội dung và thiết kế sân khấu, cũng cố ý gợi lại cái không gian tết đúng với truyền thống, để các bạn trẻ hiểu hơn về ý nghĩa văn hóa lâu đời, những tập tục mà bao thế hệ người Việt Nam trước đó đã trải qua. Hơn nữa, năm 2021 và rất có thể năm 2022, người Việt Nam không thể đón Tết như trước đây vì dịch bệnh. Cái không khí tết trên truyền hình cũng có thể truyền cho khán giả một sắc thái tết mà mọi người rất mong muốn, một cảm giác bình yên và hy vọng.
Tuy nhiên, theo nhiều người am hiểu, kịch truyền hình phía Nam hiện nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức, nên từ lâu nó đã mất đi sức hấp dẫn khán thính giả như vốn có so với 20, 30 năm trước. Lúc ấy, điều kiện giải trí còn đơn điệu, kịch truyền hình được phát sóng cuối tuần như "Trong nhà ngoài phố" là chương trình được trông ngóng. Từ khi sân khấu xã hội hóa phát triển với nhiều nhà hát kịch xuất hiện, kịch truyền hình đã suy yếu. Được biết năm nay đài truyền hình TP.HCM đẩy mạnh kịch tết vì cả năm COVID-19, nhà đài không thể thu hình các vở diễn mới. Vì vậy, khi lệnh bình thường mới mở ra, nhà đài lập tức huy động anh chị em nghệ sĩ triển khai gần 10 vở kịch truyền hình và dồn lịch phát sóng cho dịp Tết.
Đạo diễn Bùi Quốc Bảo là người đắt show cho cả kịch sân khấu lẫn truyền hình, chia sẻ: “Kịch tại sân khấu đa dạng và phong phú về đề tài, và đạo diễn có quyền sử dụng tất cả mảng miếng miễn sao khán giả bỏ tiền mua vé vào xem thích là được. Còn kịch truyền hình rất nghiêm khắc trong tư tưởng tác phẩm. Nó cần sự nghiêm túc hơn hẳn vì khán giả truyền hình thuộc nhiều độ tuổi và nhiều đối tượng khác nhau. Dù vậy, có nhiều vở kịch rất hay về nội dung, đẹp trong mỹ cảm, yếu tố giáo dục được chú trọng nhưng có cả tiếng cười thú vị, nhưng do giờ phát sóng không thuận tiện cho người xem (buổi trưa, hoặc khuya) nên rất ít khán giả có thể tiếp cận. Kịch truyền hình lại không được chia sẻ trên youtube và mạng xã hội nên tính quảng bá rất yếu. Mong rằng trong tương lai, vấn đề này sẽ được các nhà đài quan tâm và phát triển đúng mức”.