Chặng đường gian nan
Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:54, 10/12/2021
Mơ hồ như ngồi trên mây, tôi lái xe chở em đi cai nghiện mà người gai gai như lên cơn sốt. Mới hôm qua tôi còn nghĩ sau này việc gì cũng nên hỏi ý kiến em, vì em đã làm được cái việc vô cùng khó là khỏi bệnh nghiện, vậy mà…
Vừa lái xe vừa rối bời với hàng loạt suy nghĩ không đầu không cuối, cậu em tôi hỏi rất khẽ khàng “Anh hai mang đủ tiền không?” Tôi ức muốn khóc “Thôi em đừng chơi cái ân huệ nữa, vào cai dứt điểm đi, cho anh thấy cái quyết tâm của em đi”.
- Không anh, em hỏi vậy là xin anh hai đóng luôn 6 tháng tiền, để em phấn đấu được ra hàng làm bảo vệ hay công việc gì phù hợp với mình ấy, người ta thấy hợp sức và tuỳ vào trình độ sẽ bố trí việc làm tại chỗ luôn. Cứng cáp một thời gian rồi mới về xã hội sau vậy.
Tôi ngẩn người, nhìn em: “Em cứ nói tiếp”. Cậu em như được cởi tấm lòng “Dạ, chỗ cai nghiện ấy người ta có chương trình 12 bước hỗ trợ mấy bạn nghiện về tâm lý nghiện và đưa các bạn ấy leo dần lên 12 nấc thang để trở nên hoàn toàn tự do không còn phụ thuộc vào chứng nghiện". Tôi thấy hơi khó tin buột miệng “Em có biết là em mắc nghiện bao nhiêu năm rồi không, nếu cai nghiện dễ như vậy thì ai cũng cai được, những năm trước anh bạc cả tóc vì chứng nghiện của em đấy không thấy à?”…
Kiểm tra nhanh trong trí nhớ thấy chỉ còn không đủ 30 triệu, tôi thở dài nói “Anh chỉ đủ tiền cho gần 3 tháng”. Cậu em sáng mắt nói “Không sao anh, đóng từng tháng được anh à. Lần này em quyết tâm điều trị lâu lâu chút, ra làm tại trung tâm để giữ mình một thời gian, cứng cáp hẳn rồi về làm tiếp công việc của mình. Gia đình giúp em lần nữa vậy, gia đình không biết chứ chính những người nghiện là những người muốn quay về cuộc sống bình thường nhất, chứ chẳng phải chỉ gia đình họ mới mong họ cai được chứng nghiện đâu”.
Xót đến trào nước mắt, nhưng vì quá nhiều kinh nghiệm cho những lần trật vuột trước, tôi phải tiếp tục khai thác lòng tin của chính mình với cậu em họ già đầu:
- Tại sao em biết chắc chắn sau 6 tháng em sẽ được tuyển dụng vào vị trí phù hợp tại trung tâm cai nghiện ấy, nói như em, ai cũng muốn được tuyển dụng, ai cũng muốn được ở lại làm, chỗ nào chứa người cho nổi hả em?…
- Dạ đúng rồi anh, các bạn sau khi trải qua 3 tháng thử thách, được bố trí vào bộ phận bảo vệ cũng có, bảo trì cũng có, bếp cũng có… không quan trọng là công việc gì, nhưng có chỗ để bắt đầu dọ dẫm từng bước một để đứng lên, tiếp xúc lại một cách từ từ với xã hội. Cứ lớp này tiếp nối lớp kia, sau khi về hẳn vẫn giữ mối quan hệ nguyên vẹn với nhau để chia sẻ những tâm sự không thể chia sẻ cùng ai khác, để cùng giúp nhau vượt qua các cú sốc tâm lý trong cuộc sống đời thường, khi mà dễ bị rơi vào trạng thái tuột cảm xúc bất chợt và những thời điểm ấy là những thời điểm dễ tái nghiện nhất. Tụi em gọi đó là nhóm ngoài, là nơi để mọi người như tụi em cùng san sẻ kinh nghiệm và cùng giúp đỡ nhau thật sự.
- Em đã suy nghĩ được như vậy, tại sao lần này còn tái nghiện?
- Chẳng biết nữa anh ơi, nếu biết được thì em đã không tái nghiện. Chắc thời gian qua em đã bỏ qua nhóm ngoài, nghĩ là mình đã đủ cứng cáp để đứng vững. Mà em cũng vững thiệt mà, gần 3 năm trời…
- Em có biết rằng chỉ có trước khi chết mà mình vẫn không tái sử dụng ma tuý thì mới gọi là cái chết sạch của một người mắc chứng nghiện và cũng đến, lúc đó mới gọi là đã cai nghiện thành công không?
- Dạ em biết, thực ra đối với gia đình, chỉ cần em biết suy nghĩ thì chẳng ai không cố gắng để đưa em về cuộc sống bình thường cả, nếu thật sự vậy thì… Cậu em cắt ngang, cười buồn: Bản thân mình là chính anh ơi, đến 70% cơ, còn gia đình thì 20% và xã hội chỉ 10%. Bọn em được thống kê như vậy. Cũng kỳ cục, bệnh nghiện khi tái lại toàn là do ở ngoài xã hội, mà chỉ được xem là 10%.
- Riêng việc này thì anh công nhận là đúng, vì nếu các em được trang bị đầy đủ kiến thức như một hành trang hữu hiệu để trở về cuộc sống bình thường thì những yếu tố xã hội cũng chỉ đến chừng đấy phần trăm thôi em ạ. Bản thân mình mới là mối lo đáng quan tâm nhất để tránh xa cái căn bệnh làm đau đầu xã hội này.
- Dạ vậy nên em mới xin được cai nghiện ở đó, ở cũng thoải mái, không lo đại bàng đại bác. Câu nói muôn thuở là “Ở đây chỉ có anh em chứ không có mấy anh đại ca hay mấy cha đầu gấu”, không lo bị ăn chặn cái này cái nọ. Anh biết không, có những nơi cai nghiện 10 năm thì 10 năm vẫn là học viên, còn ở đây, khi được đứng trong hàng ngũ của những người cùng chung tay chống lại căn bệnh nghiện, và cụ thể nhất là khi được cầm chùm chìa khoá và bóp ổ khoá cửa các học viên khác, tư tưởng mình khác ghê lắm, mà tự hào lắm, thấy mình xứng đáng lắm cho quá trình học tập ở đây. Lúc ấy tự nhiên nghĩ chơi bời làm gì nữa, ráng để không bao giờ phải vô hàng lại, nghĩa là phải đi cai lại, cắt cơn lại và phải phấn đấu lại.
Tôi im lặng lái xe, trong đầu vẫn chưa hoàn toàn tin vào những điều mình đang nghe từ chính người em họ, trong đầu cứ loang loáng cái câu cũng muôn thuở: “Không nghe * nói chuyện, không nghe nghiện trình bày”… Khung cảnh thành phố lướt qua, nhường chỗ cho khu du lịch sinh thái Bình Quới dần hiện ra, có những khu câu tôm giải trí, những hồ cá lớn, những địa điểm sinh hoạt văn hoá đồng quê dần hiện ra, như xoa dịu dần những nỗi đau của riêng tôi. Dừng lại tại số 310 Bình Quới, tâm trạng tôi vẫn không khỏi hoài nghi về những giá trị thực sự của những điều cậu em vừa nói, mà có khi chính cậu ấy cũng không biết. Nếu những điều ấy là hiện thực, thì đây chính là cứu cánh, là tia sáng cuối đường hầm cho rất nhiều gia đình đang rơi vào tình trạng khốn khổ vì có con em mắc chứng nghiện.
Tiễn em vào khu vực cắt cơn xong, tôi có một cuộc nói chuyện đáng đồng tiền bát gạo với tổ tư vấn của trung tâm cai nghiện ma túy Làng Bình Minh. Quả là trung tâm có hướng phát triển cho các học viên cai nghiện hoàn toàn dựa trên chương trình 12 bước của Đan Mạch được xây dựng bởi hội những người nghiện ẩn danh. Chương trình xây dựng quá trình hoàn thiện một người nghiện từ bước căn bản nhất là phải chấp nhận bản thân là một người nghiện, đến bước cuối cùng là kỹ năng truyền thụ lại, nâng đỡ, dìu dắt lại lớp người nghiện sau muốn vươn lên, bằng chính kinh nghiệm bản thân đã trải qua có khi bằng cả những giọt nước mắt cay đắng và ân hận của mình.
Câu nói còn đọng lại trong tôi là câu nói đầy ý nghĩa của cậu em họ trước khi vào cai “Em không dám nói trước điều gì cả, nhưng hy vọng sau này em sẽ không cần phải làm phiền lòng anh với gia đình nữa. Hy vọng sau chuyến này em khỏi được nghiện luôn”. Đóng cửa xe, xoay chìa khoá tôi thấy chiều nay trời đẹp hơn hẳn, gió mát hơn hẳn tất cả những buổi chiều khác cộng lại…