Người cao tuổi làm gì để “miễn dịch” được với COVID-19?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 21:06, 10/12/2021
Ngày 10.12, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã đưa ra 10 lời khuyên dành cho người cao tuổi trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại cộng đồng.
Theo đó, người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) hãy ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài; đeo khẩu trang đúng cách; giữ khoảng cách an toàn; rửa tay và vệ sinh cá nhân; duy trì chế độ luyện tập đều đặn mỗi ngày tại nhà; dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý; kiểm soát tốt các bệnh mạn tính; cung cấp thông tin sức khỏe bản thân; cập nhập thông tin tình hình dịch COVID-19; chuẩn bị một số việc cần làm nếu không may bị ốm hoặc bị cách ly.
Những người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính như: tim mạch, bệnh phổi, đái tháo đường… nên ở nhà. Vì đây là nhóm đối tượng nếu không may bị mắc COVID-19 thì dễ diễn biến nặng và nguy cơ tử vong cao. Với những trường hợp bắt buộc cần phải đi ra ngoài thì đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m với người có biểu hiện ho, hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh; tránh đến những nơi đông người như: chợ, lễ hội, đám cưới; tránh đi bằng máy bay, tàu thủy; tránh tham gia phương tiện giao thông công cộng…
Đối với việc duy trì chế độ tập luyện đều đặn tại nhà mỗi ngày, người cao tuổi nên dành 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần đối với tập sức bền (đạp xe, đi bộ); tập các bài tập thăng bằng, tập khỏe cơ 3 buổi/tuần, mỗi buổi 30 phút và có thể chia ngắn các buổi tập từ 10 đến 15 phút/buổi đối với người cao tuổi yếu hơn.
Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi cần ăn chín, uống sôi. Những người cao tuổi nếu mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hay suy thận, suy tim thì thực hiện chế độ ăn điều trị các bệnh này như bác sĩ đã hướng dẫn; uống nước khoảng 1200 đến 1800ml; cần uống nước sạch, ấm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát để giữ ấm cổ họng. Không uống nhiều nước trước khi đi ngủ, không uống nước ngọt thay nước lọc. Không hút thuốc lá, không hút thuốc lào, không uống rượu, bia.
Theo dõi sức khỏe bản thân hàng ngày như: nhiệt độ, huyết áp, đường máu 9 nếu có thể. Bất cứ có sự thay đổi dù nhỏ hay thoáng qua về sức khỏe phải báo cáo ngay cho người thân và nhân viên y tế.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian gần đây, số mắc COVID-19 và tử vong tăng cao ở những người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Điều này cho thấy, những nhóm người cần phải được bảo vệ, nếu không sẽ khiến số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại TP gia tăng.
Ngày 7.12 vừa qua, TP đã mở chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ gồm: người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền. Theo đó, các địa phương và ngành y tế TP phải triển khai thực hiện 6 hoạt động để bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhằm hạn chế số ca mắc và tử vong vì COVID-19.