Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho việc dạy học trực tiếp

Sự kiện - Ngày đăng : 22:04, 10/12/2021

“Trẻ em cần phải được đến trường trở lại, cần phải có nơi chăm sóc an toàn để cha mẹ có thể yên tâm đi làm”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh và yêu cầu đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho việc dạy học trực tiếp.

Chiều 10.12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 họp giao ban trực tuyến với các sở, ngành, quận huyện, TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân nắm kỹ về công tác phòng chống dịch COVID-19 gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chủ tịch UBND TP, trọng tâm tuyên truyền giúp người dân thực hiện 5K, trong đó có vắc xin và đặc biệt là nâng cao ý thức cảnh giác của mỗi người. Qua đó, hình thành ý thức và thói quen mới để bảo vệ mình, bảo vệ người thân và cộng đồng. Cần tránh hai thái cực chủ quan lơ là và hoang mang sợ hãi, không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch và cũng không hoang mang trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron.

Cùng với tuyên truyền, ông Mãi cũng yêu cầu các sở, ngành, TP Thủ Đức, quận huyện và phường xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm an toàn phòng chống dịch, chấn chỉnh các hoạt động ở các cơ sở. Quan điểm là TP.HCM tạo điều kiện để các dịch vụ như dịch vụ ăn uống tại chỗ mở cửa trở lại, nhưng phải đảm bảo an toàn, phải kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh và nếu vẫn vi phạm thì phải xử lý theo quy định.

mai-mai-mai.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp

Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo phải thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý, tổ chức chăm sóc F0; đảm bảo đưa thuốc điều trị COVID-19 đến F0 một cách sớm nhất có thể và tuyên truyền, hướng dẫn F0 sử dụng, tránh tình trạng có thuốc không dùng lại bán ra bên ngoài.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng lưu ý rút ngắn thời gian điều trị đối với F0. Nếu F0 đã tiêm 2 mũi, đã xét nghiệm 2 lần âm tính, thì có thể sau 5-7 ngày là thực hiện thủ tục kết thúc theo dõi điều trị. Đồng thời, cần tập trung triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ một cách đồng bộ, kỹ lưỡng ở các địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở TT-TT TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM cần phối hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng dữ liệu những người có nguy cơ để phục vụ phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân. Cần tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin, có thể tiêm mũi nhắc lại đối với trường hợp có nguy cơ trong thời gian từ 4-5 tháng chứ không đợi đến 6 tháng, tiêm mũi bổ sung sau 28 ngày.

Sở Y tế cần nắm chắc nhu cầu về vắc xin để xây dựng kế hoạch tiêm chủng và đề nghị Bộ Y tế cấp đủ vắc xin.

Ông Phan Văn Mãi đề nghị Thành Đoàn TP.HCM sẵn sàng có lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia trong quá trình rà soát người có nguy cơ tại cơ sở, quá trình nhập liệu cơ sở dữ liệu và thực hiện một số công việc như chăm sóc, tư vấn, phục vụ người có nhu cầu tiêm vắc xin.

Đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Mãi lưu ý, tiếp tục mở cửa theo bộ tiêu chí an toàn, có chuẩn bị kỹ và thúc đẩy hơn các hoạt động trong những tháng cuối năm, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Đặc biệt, cần chuẩn bị sớm mở lại các chợ truyền thống phục vụ nhu cầu của người dân vào dịp cuối năm.

Cùng với đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu TP Thủ Đức, các quận huyện nhanh chóng chuẩn bị và triển khai kế hoạch chăm lo tết cho người dân; tiếp tục củng cố và phát huy vai trò Trung tâm An sinh TP.HCM; giúp người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận thuốc điều trị COVID-19 một cách thuận lợi nếu mắc bệnh.

“Đề nghị Sở TT-TT TP.HCM khẩn trương xây dựng nền tảng, ứng dụng và thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu phục vụ phòng chống dịch và công tác quản lý”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.

Đối với dạy và học trực tiếp, TP.HCM sẽ thí điểm cho lớp 9 và lớp 12 trở lại trường học từ đầu tuần tới. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức, quận huyện chỉ đạo ban giám hiệu các trường phải rà soát lại kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp, rà soát lại công tác chuẩn bị thật cụ thể, chi tiết và đảm bảo thực hiện sao cho an toàn nhất có thể.

“TP Thủ Đức và các quận huyện cần tập trung chuẩn bị để mở lại các lớp nhà trẻ, mầm non, vì đây là nhu cầu rất lớn của người dân. Trẻ em cần phải được đến trường trở lại, cần phải có nơi chăm sóc an toàn để cha mẹ có thể yên tâm đi làm”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Ông Mãi khẳng định, TP.HCM sẽ bố trí một khoản kinh phí để xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho ngành y tế và ngành giáo dục, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng chống dịch COVID-19.

Tú Viên