Chuyển đổi số giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển

Kinh tế số - Ngày đăng : 14:09, 30/11/2021

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, cuộc cách mạng 4.0 phát triển như vũ bão khiến các ngành kinh tế, trong đó có du lịch không đứng ngoài xu hướng này.

Trao đổi với PV Một Thế Giới, ông Hoàng Minh Quân, CEO Cloudify Việt Nam cho biết kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rõ rệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực nhờ sự đầu tư, chương trình khuyến khích của Nhà nước.

Trong báo cáo kinh tế số châu Á 2021 của Google, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có sự phát triển nhanh nhất khu vực. Cụ thể, đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ mở rộng hơn hiện tại gấp 11 lần. Sự tăng trưởng này sẽ diễn ra đồng đều ở tất cả các ngành như thương mại điện tử, logistic thông minh, du lịch... Đặc biệt, từ 2020-2021, thương mại điện tử đã tăng trưởng 30%.

Trong đó, ông Quân khẳng định khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế số.

cong-nghe-so.png
Diễn đàn Quốc gia Doanh nghiệp Công nghệ số

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, cuộc cách mạng 4.0 phát triển như vũ bão với các công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo... Các ngành kinh tế cũng không đứng ngoài xu hướng này. Với ngành du lịch, hoạt động dịch chuyển của du khách, từ bước đặt phòng, vé tàu xe đến đánh giá dịch cụ đều thực hiện trên ứng dụng di động…

Theo ông Phúc, trong bối cảnh COVID-19, du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề vì liên quan đến việc di chuyển, gặp rào cản khi áp dụng các chính sách giãn cách xã hội; lượng khách du lịch thế giởi giảm 73%, tổng thiệt hại đến 2,4 nghìn tỉ USD; các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng phải tái cơ cấu, giảm quy mô…

Trước tình hình đó, ông Phúc cho biết du lịch Việt Nam cũng có nhiều chính sách triển khai đề án chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn.

“Ngành đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu như hệ thống khách sạn 4-5 sao, hướng dẫn viên du lịch nội địa, quốc tế, dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành; xây dựng được nền tảng kết nối liên thông các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp, cơ quan nhà nước nhận thông tin, báo cáo thông qua các đơn vị cơ sở; bước đầu ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, ứng dụng công nghệ thực tế ảo thí điểm ở Hà Giang và Thanh Hóa. Thời gian tới sẽ triển khai ở 20 tỉnh”, ông Phúc nhấn mạnh.

Dù ngân sách còn thiếu nhưng các địa phương cũng rất chủ động ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch. Ví dụ như Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism; Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành bằng công nghệ thực tế ảo... Tuy nhiên, phần liên kết giữa những ứng dụng này còn đang rất thiếu.

Ông Phúc cho biết chuyển đối số trong ngành du lịch cũng gặp một số khó khăn như chưa nhận thức, tư duy đồng bộ; chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan, đặc biệt là khách hàng và doanh nghiệp; thiếu nguồn lực, hệ sinh thái du lịch thông minh; hạn chế về kiến thức, trình độ, kỹ năng; các quy định pháp lý chưa theo kịp thực tế; đại dịch gây ra đứt gãy đối với ngành du lịch...

Tuy nhiên, ngành cũng có một số thuận lợi như được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện phát triển, ban hành các nghị quyết chuyển đổi số; ngành du lịch có khả năng phát triển nhanh; các địa phương phát triển ứng dụng quảng bá du lịch; tốc độ tăng trưởng internet nhanh chóng; phong trào đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh...

cong-nghe-so-2.png
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu

Theo ông Phúc, để phát triển chuyển đổi số ngành du lịch, vấn đề liên kết hợp tác rất quan trọng. Theo đó, cần liên kết giữa khách du lịch và các đơn vị cung ứng, giữa các địa phương với nhau… hình thành các hành lang du lịch xanh, du lịch bền vững, bong bóng du lịch…

Ông Phúc cho rằng cần bổ sung các quy định pháp lý liên quan; hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, xây dựng trục viễn thông kết nối theo thời gian thực, kết nối toàn bộ cơ quan quản lý nhà nước tham gia quản lý khách du lịch từ khi nhập cảnh cho đến khi ra nước ngoài. Đồng thời cần có sàn thương mại điện tử về du lịch có sự bảo trợ của cơ quan quản lý nhà nước, tích hợp được việc thanh toán; phát huy mạnh mẽ công tác công tư để phát huy chuyển đổi số du lịch…

Cũng nói về tương lai của nền kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Thành Trung - CEO và Founder Sky Mavis cho biết: "Trong 2 năm qua dưới tác động của COVID-19, có sự chuyển dịch lớn về vốn, các loại ngành nghề, tập trung vào các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng như công nghệ. Trong những xu hướng công nghệ mới nổi lên, bên cạnh AI là Blockchain đang tăng trưởng mạnh. Việt Nam nổi lên như một hiện tượng mới của thế giới Blockchain công nghệ”.

"Người Việt nhanh nhạy nhẹn trong việc xử lý thông tin, nắm bắt thời điểm, số người sở hữu ví điện tử ở Việt Nam thuộc hàng lớn nhất thế giới", ông Nguyễn Thành Trung nói.

Về khung pháp lý cho tài sản số, ông Trung nhấn mạnh việc chuyển dịch từ tài sản hiện hữu sang tài sản số, điện tử khiến trao đổi dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao có thể quản lý các loại hình kinh tế mới?

Trả lời câu hỏi này, ông Trung đề xuất: Có chính sách rõ ràng với lĩnh vực công nghệ mới, hình thành các tổ chức có vai trò hỗ trợ, phát triển; đào tạo kiến thức công nghệ vào các chương trình đào tạo nhân lực, tuyên truyền đúng đắn về tài sản số. Ngoài ra, ông đề xuất cần có cái nhìn mới về game trong bối cảnh Việt Nam có nhiều công ty làm game, đang hoạt động mạnh mẽ.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Lam Thanh