Khi "chị" đến với "em"

Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:27, 11/12/2021

Các bệnh viện “em” rất hài lòng và cảm kích khi trực tiếp làm việc với bệnh viện “chị”, không chỉ được tận tình hướng dẫn, giúp đỡ mà còn cứu sống kịp thời những bệnh nhân COVID-19 nguy kịch ở đây.

Trong các mô hình chống dịch COVID-19 thành công tại TP.HCM, có một mô hình mang tên rất… gia đình, đó là mô hình bệnh viện “chị - em”. Bệnh viện “chị” được hiểu là bệnh viện tuyến trên, còn bệnh viện “em” được hiểu là bệnh viện tuyến dưới. Ở đó, các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 được phân công địa bàn phụ trách một số bệnh viện ở tầng 2 tạo nên một hệ thống bệnh viện “chị - em”, thường xuyên hội chẩn các ca bệnh nặng, kịp thời phát hiện các trường hợp chuyển nặng ở tuyến dưới đưa lên tuyến trên góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

“Em” rất hài lòng với “chị”

Cách đây mấy ngày, khi nhận tin báo Bệnh viện quận 12 và Bệnh viện quận Tân Phú quá tải và tỉ lệ tử vong cao do bệnh nhân tự đến nhiều, tình trạng lúc nhập viện đã nặng. Ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định phụ trách Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 đã cử ngay y bác sĩ xuống tận 2 bệnh viện trên để hội chẩn, chuyển ngay các bệnh nhân vừa và nặng về bệnh viện. Cuối cùng, nhiều bệnh nhân ở đây được cứu sống, đồng thời giảm tải các bệnh nhân chuyển nặng tại 2 bệnh viện trên.

khi-chi-den-voi-em-hinh-anh(1).png
Các chuyên gia hồi sức Bệnh viện Nhân dân Gia Định đến Bệnh viện quận 12 tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nặng  đưa về Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 - Ảnh: BVCC

Không giấu được niềm vui, các bác sĩ ở 2 bệnh viện trên đã rất hài lòng và cảm kích khi trực tiếp làm việc với các đoàn bác sĩ của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. “Cách làm này thật sự mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhiều trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch đã được điều trị tích cực, và hồi phục một cách ngoạn mục”, một bác sĩ ở Bệnh viện quận 12 chia sẻ.

Theo Sở Y tế TP.HCM, điều đáng ghi nhận ở Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định phụ trách chính là công tác hỗ trợ tuyến trong cụm được phân công theo mô hình “bệnh viện chị - em”. Ngay từ lúc mới thành lập, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 đã tổ chức các đoàn đến làm việc tại các quận 7, 8 và huyện Cần Giờ để hỗ trợ chỉ đạo tuyến. Buổi làm việc luôn bao gồm bệnh viện quận, trung tâm y tế quận và các bệnh viện dã chiến thu dung của quận, huyện để thống nhất chiến lược chăm sóc và quản lý F0 tại địa phương.

Các bệnh viện và cơ sở y tế trong cụm đã thống nhất một số điểm quan trọng khi có F0 tại nhà trở nặng thì bác sĩ của trạm y tế và trạm y tế lưu động báo về bệnh viện dã chiến của quận, huyện để thu dung, can thiệp ổn định bệnh nhân sau đó sẽ hội chẩn và chuyển tầng (nếu cần); giữa các bệnh viện trong cụm có thể chuyển bệnh ngang tầng với nhau khi có nơi quá tải; chuyển bệnh hai chiều từ dưới lên trên và trên xuống dưới giữa các tầng.

Điểm nổi bật khác chính là các bác sĩ hồi sức tầng 3 của bệnh viện luôn sẵn sàng công tác hỗ trợ tuyến cho các bệnh viện tầng 2 ngoài cụm phụ trách. Khi các bệnh viện ở ngoài cụm có tình trạng quá tải, việc chuyển bệnh trong cùng cụm gặp khó khăn, hoặc khi có nhiều trường hợp tử vong, nhận được yêu cầu từ Tổ điều phối chuyển viện - Sở Y tế thì Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 lập tức tổ chức nhóm chuyên gia đi xuống tận nơi để hội chẩn và quyết định những trường hợp cần ưu tiên chuyển về khoa Hồi sức thuộc Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 6 điều trị.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đã được cứu sống

Sở Y tế TP.HCM đánh giá cách làm này thật sự đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhiều trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch đã được điều trị tích cực và hồi phục một cách ngoạn mục.

khi-chi-den-voi-em-hinh-anh-1.png
Hoạt động tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định phụ trách - Ảnh: PV

Đây là cách làm mới vừa mang tính chủ động hơn trong việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, vừa thể hiện trách nhiệm của một bệnh viện “chị” hỗ trợ cho bệnh viện “em” được rất nhiều đồng nghiệp trong ngành y tế TP đánh giá cao.

“Tính đến hôm nay, đã có nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch đã được cứu sống một cách ngoạn mục và được xuất viện ra về tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng này”, điện diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết.

Trước đó, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai bàn giao lại khi đã hoàn thành thời gian chi viện. Bệnh viện này đã xây dựng mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng”, lãnh đạo bệnh viện đã khẩn trương bổ sung nhân sự, vật tư trang thiết bị, dược phẩm để đáp ứng nhu cầu tiếp tục điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở cả 3 tầng, không phải chuyển người bệnh đi đâu.

Bệnh viện được tổ chức thành 3 tầng, trong đó, tầng 3 là tầng chuyên hồi sức bệnh nặng và nguy kịch, tầng này bao gồm hai khoa ICU 1 và 2. Các khoa ICU (hồi sức tích cực) đều thực hiện được tất cả kỹ thuật hồi sức chuyên sâu từ thở HFNC, thở máy không xâm lấn đến thở máy xâm lấn, lọc máu, chạy CRRT, chạy ECMO. Tầng 1 và tầng 2 là các khoa bệnh nhẹ và trung bình, chủ yếu điều trị người mắc COVID-19 có bệnh nền, lớn tuổi còn tự chăm sóc được và có nhu cầu thở oxy tối thiểu qua canula.

Tại bệnh viện dã chiến này, luôn có sự chuyển đổi liên tục bệnh nhân giữa các tầng trong bệnh viện để tối ưu hóa nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng điều trị, phấn đấu theo hướng “không để người bệnh xuất viện ở tầng 3, và không để người bệnh chết ở tầng 2”, thay vào đó, bệnh nhân ở tầng 3 khi ổn định sẽ được chuyển xuống tầng 2 (luôn sẵn sàng giường trống để nhận bệnh nhân nặng), bệnh nhân ở tầng 2 khi trở nặng thì được chuyển lên tầng 3.

Tuy là dã chiến nhưng bệnh viện cũng tổ chức được các bộ phận hỗ trợ như vật lý trị liệu hô hấp cho bệnh nhân thở máy, dược lâm sàng cho bệnh nhân nặng và nguy kịch, khoa dinh dưỡng lâm sàng để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân đang điều trị tại các khoa Hồi sức tích cực. Ngoài ra, bệnh nhân có bệnh nền hoặc bệnh nặng nguy kịch luôn được hội chẩn dinh dưỡng can thiệp.

Hồ Quang