Cơ hội nào cho doanh nghiệp du lịch ĐBSCL?
Sự kiện - Ngày đăng : 14:44, 12/12/2021
Hiện nay, toàn vùng ĐBSCL đang là tâm dịch của cả nước. Các biện pháp chống dịch quyết liệt đã được các địa phương lần lượt áp dụng. Hệ quả gần 1 năm qua, các doanh nghiệp du lịch trong vùng gặp rất nhiều khó khăn. Cơ hội mở cửa kinh doanh trong dịp Tết 2022 của họ cũng rất mong manh.
Ngày 12.12, ông Lê Hải Phúc, Giám đốc Làng du lịch Ông Đề - Mỹ Khánh, Phong Điền tâm sự: “Sau gần 1 tháng chỉnh trang, tu sửa, đầu tư nâng cấp, tôi dự định 23.12 này mở cửa Làng du lịch Ông Đề đón lễ Giáng sinh và mừng năm mới 2022. Thế nhưng, với công văn 6339 của UBND TP Cần Thơ về cập nhật, đánh giá cấp độ dịch và thực hiện một số biện pháp quyết liệt, tăng cường phòng chống dịch COVID-19 thì doanh nghiệp bên tôi xem ra rất khó mở cửa”.
Cũng theo ông Lê Hải Phúc, một người muốn mở của hàng bán hủ tiếu, phải chuẩn bị từ 3 đến 5 ngày, từ địa điểm đến vật liệu, nhân sự. Một điểm kinh doanh du lịch muốn mở cửa hoạt động phải chuẩn bị cả tháng. Vậy mà công trình gần cả tháng nay, với hơn 20 nhân công làm việc, vài trăm triệu đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất có thể sẽ phải "ngậm ngùi" xếp xó. Ông cũng hy vọng, một thời gian ngắn tình hình được cải thiện, Cần Thơ sẽ trở lại cuộc sống bình thường và khu du lịch được mở của đón Tết.
Trao đổi với phóng viên, bà Tôn Nữ Thanh Hoa, Giám đốc khách sạn TTC Hotel, cho biết: “ Chúng tôi đã biết 13.12 tới đây, UBND TP Cần Thơ sẽ có các biện pháp chống dịch theo cấp độ 4. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đó chỉ là biện pháp tạm thời lúc dịch bệnh lên cao thôi. Tình hình kinh doanh của khách sạn chắc chắn sẽ khó khăn hơn, do số lượng khách đến sẽ bị hạn chế. Theo tôi, do tỉnh tiêm vắc xin muộn hơn TP.HCM và độ phủ 2 mũi vẫn chưa xong, tác dụng của vắc xin chưa phát huy nên dịch bệnh còn phát triển, tình hình rồi sẽ ổn định, sẽ tốt lên trong thời gian tới”
Trở lại với tỉnh Bạc Liêu, nơi có nhiều khu du lịch dịch sinh thái và điểm vui chơi giải trí ở ĐBSCL, tình hình kinh doanh du lịch vẫn còn rất u ám. Dịch bệnh trên địa bàn tỉnh này ở cấp độ nguy cơ cao. Ông Trịnh Công Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Bạc Liêu cho biết: "Bạc Liêu cũng như các tỉnh khác trong vùng, suốt cả năm nay chật vật đối phó với dịch bệnh. Doanh nghiệp du lịch Bạc Liêu hiện nay khó khăn vô cùng. Mở cửa du lịch hay không còn phụ thuộc vào quyết định của tỉnh. Cả vùng ĐBSCL, ngành du lịch coi như "chết ngắt". Các địa phương phải có quyết sách lâu dài, chứ nay cho hoạt động, mai phải đóng cửa doanh nghiệp... bó tay. Tình hình khó khăn chung phải chịu nhưng doanh nghiệp du lịch gánh chịu nặng nề lắm”.
Đồng Tháp, là một trong những tỉnh có ngành du lịch mạnh trong vùng cũng cùng chung số phận. Ông Trần Minh Đạo, chủ vườn du lịch Sa Nhiên - Sa Đéc cho biết: “Đồng Tháp năm nay dịch bệnh nặng, ngành du lịch khó khăn, nhiều doanh nghiệp muốn chết rồi. Chủ nhân các khu du lịch đang nâng cấp, chuẩn bị mở cửa đón Tết. Vườn du lịch Sa Nhiên của chúng tôi cũng chuẩn bị mọi mặt nhưng chưa dám mở cửa. Theo kế hoạch, ngày 23.12 này chúng tôi mở của đón khách và sau đó, Tết Nguyên đán cũng mở để phục vụ khách du lịch, nhưng mở được hay không còn phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh”.
Nhiều chủ doanh nghiệp có ý kiến, khi “chấp nhận sống chung với lũ”, thiết nghĩ các tỉnh ĐBSCL cần có biện pháp thích nghi mới. Các tỉnh quản lý dịch bệnh chặt chẽ nhưng mở cửa kinh tế cần thiết thực và thoáng hơn.
Vì hiện nay cả ĐBSCL, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 đã đạt gần 100%, mũi 2 cũng đã gần 80%.
Ông Trần Minh Đạo, chủ vườn du lịch Sa Nhiên ở - Sa Đéc, cho biết: “Ban ngành của tỉnh Đồng Tháp hỏi tôi, hiện nay phải giải quyết thế nào về mở cửa kinh doanh du lịch? Tôi trả lời: Chấp nhận sống chung với dịch bệnh COVID-19, chắc tỉnh phải điều chỉnh cho thích hợp với tình hình mới. Quản lý dịch bệnh tốt nhưng cũng để cho doanh nghiệp có không khí để thở”.
Trao đổi với ông Trần Việt Phường, chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL về vấn đề khó khăn của doanh nghiệp du lịch, ông cho rằng: “Những bức xúc của doanh nghiệp du lịch ĐBSCL chúng tôi rất hiểu và cảm thông. Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh ở ĐBSCL vẫn chưa có đấu hiệu dừng lại và diễn biến phức tạp, nên các doanh nghiệp cần phải kiên nhẫn chờ đợi. Độ phủ mũi 2 của vắc xin cũng gần 80% và dịch bệnh hy vọng sẽ giảm dần. Bức xúc của doanh nghiệp là chính đáng, nhưng sức khỏe và tính mạng nhân dân quan trọng hơn rất nhiều. Tôi hy vọng vào đầu năm 2022, tình hình sẽ chuyển biến tích cực, để doanh nghiệp du lịch có cơ hội kinh doanh và người dân sẽ vui chơi giải trí nhiều hơn”.