Văn học nghệ thuật: Chưa có tác phẩm 'để đời'

Văn hóa - Ngày đăng : 17:04, 12/12/2021

Mặc dù có chất liệu phong phú, có không gian cho văn học nghệ thuật sáng tạo song chưa có tác phẩm nào "để đời", đi sâu vào lòng người - theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Sáng 12.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về một số đề án, chương trình phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới, hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập nước (1945-2035) và 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2030).

Tại buổi làm việc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết, trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn học nghệ thuật nước nhà có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới. Thực tiễn đòi hỏi nền văn học nghệ thuật nước nhà phải tự đổi mới bản thân mình để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại mà không bị lạc đường, chệch hướng.

“Đảng và Nhà nước ta đã dành cho sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học – nghệ thuật nói riêng sự quan tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói riêng cũng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện, với những bước thăng trầm đáng ghi nhớ và những bài học bổ ích đáng suy ngẫm. Tuy nhiên, những thành tựu văn học – nghệ thuật đã đạt được trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước”, ông Quân nêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm tự hào với thành tựu nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thăng trầm, song luôn luôn xuất hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc, góp phần khắc họa giá trị con người Việt Nam, xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam, khơi dậy sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc…

van-hoc.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp

Theo Thủ tướng, thành tựu có được đó là do văn học, nghệ thuật nước nhà đã bám sát đường lối của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng, bằng tâm huyết, trách nhiệm, lao động nghệ thuật không mệt mỏi của các văn nghệ sĩ; xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong toàn lực lượng để phát huy những giá trị cốt lõi của mình và khắc phục, vượt qua những hạn chế; đặc biệt là nhờ có sự ủng hộ, quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhất là của nhân dân đối với giới văn học, nghệ thật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra, mặc dù có chất liệu phong phú, có không gian cho văn học nghệ thuật sáng tạo, phát triển, song chưa có những tác phẩm văn học nghệ thuật “để đời”, đi sâu vào lòng người, xứng tầm với sự nỗ lực, cố gắng, thành quả đạt được của đất nước ta, nhân dân ta…

Đơn cử, trong thời gian vừa qua khi cả nước chung tay phòng chống dịch COVID-19, chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc khắc họa được sự khốc liệt của dịch bệnh, cũng như sự kiên cường, hy sinh, đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc…

Thủ tướng cũng chia sẻ với các văn nghệ sĩ những khó khăn, thách thức trong dịch bệnh như hạn chế các buổi biểu diễn tập trung đông người, đồng thời biểu dương những cách làm sáng tạo như tổ chức hòa nhạc trực tuyến…

Thủ tướng đặt vấn đề, khi dân tộc có những khó khăn, thách thức, như trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, văn học, nghệ thuật hết sức phát triển, đạt được nhiều thành tựu, góp phần nhân lên gấp bội sức mạnh của dân tộc, phải chăng do khó khăn, thách thức cũng tạo chất liệu, không gian tốt để giới văn học, nghệ thuật sáng tạo? Quan điểm của Đảng xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa.

“Phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng phải ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển. Văn học, nghệ thuật góp phần hướng con người đến “chân, thiện, mỹ” và đây cũng là giá trị cốt lõi của dân tộc ta”, Thủ tướng nêu.

Theo đó, Liên hiệp Hội cần hoàn thiện các kế hoạch, chương trình, hành động để thực hiện các nhiệm vụ của mình, khắc phục các hạn chế, yếu kém, hoàn thành sứ mệnh đối với đất nước, nhân dân, đồng thời đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá văn học nghệ thuật, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Theo Thủ tướng, văn học, nghệ thuật cần phục vụ 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra; tiếp tục xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; tăng cường hội nhập với phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan”; góp phần phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá hình ảnh, thể hiện tầm vóc đất nước trên trường quốc tế; đấu tranh trước các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch…

Trước mắt, ông đề nghị Liên hiệp hội văn học, nghệ thuật và các hội viên cần có nhiều sáng tác mang “hơi thở cuộc sống”, góp phần vào công tác phòng chống COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, ứng phó với cách thách thức như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên; phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch…

Lam Thanh