Tiềm năng, lợi thế để Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững
Sự kiện - Ngày đăng : 18:11, 12/12/2021
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển TP Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.
Dự thảo Nghị quyết quy định, về mức dư nợ vay, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Về tỷ lệ bổ sung có mục tiêu, hằng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia và một số khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% so với dự toán, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.
Bên cạnh đó, Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt và được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là đối tượng được áp dụng chế độ ưu tiên thủ tục hải quan, thời hạn nộp thuế theo quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra, vào.
Về việc cho phép TP Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này nhằm góp phần tạo dư địa để TP Cần Thơ huy động tối đa nguồn lực, đột phá trong phát
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc Chính phủ đã hết sức khẩn trương chỉ đạo, rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù liên quan trực tiếp đến Cần Thơ và cả vùng ÐBSCL. Dự thảo Nghị quyết cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - sông Hậu, đây là vấn đề hoàn toàn mới, quy định khác biệt so với các cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số địa phương. Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển đường thủy trên sông Hậu được triển khai thực hiện hiệu quả và hằng năm vùng ÐBSCL sẽ bớt được chi phí khoảng 70-100 triệu USD/năm.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định cho phép HĐND TP.Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy định tại khoản này do Thủ tướng Chính phủ quy định. Đây là cái khó mà Cần Thơ vướng mắc nhiều năm qua.
Về chính sách Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại Cần Thơ, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ: Vùng ÐBSCL đóng góp 50% sản lượng gạo, 65% thủy, hải sản và 70% rau quả cả nước, kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm đạt 18 tỉ USD. Do vậy, trung tâm liên kết hình thành là cần thiết để tạo hệ thống logistics liên hoàn, tận dụng được ưu thế hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, đường hàng không và giải quyết các vấn đề bất cập đã nêu.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Ðức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết của việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, thống nhất hồ sơ Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp không thường kỳ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến vào một số nội dung dự thảo Nghị quyết tại đợt 2 của phiên họp thứ 6 trước khi trình Quốc hội.
Hiện nay, TP Cần Thơ còn vướng mắc nhiều vấn đề lớn làm cho nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Đầu tháng 12.2021, tại ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Phạm Văn Hiểu - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho hay, đề án khai thác quỹ đất năm 2016 của thành phố đến nay "chưa thực hiện được mét vuông đất nào. Năm 2021 thông qua 92 dự án nhưng chỉ thực hiện được 12/92 dự án. Trong đó có 10 dự án vốn ngân sách và 2 dự án vốn ngoài ngân sách với diện tích 24,01ha, đạt tỷ lệ 9,42%. “Có những quận, huyện đến giờ thu hồi là 0%”.
Chỉ một khía cạnh vướng mắc về cơ chế, chính sách, việc cấp chủ trương đầu tư, đền bù, giải tỏa... nên việc thu hồi đất rất khó khăn và chậm, làm nãn lòng nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đến Cần Thơ rất hồ hỡi nhưng ra đi trong im lặng vì chuyện thu hồi đất, vướng mắc chính sách đền bù, giải tỏa.
Xem thế, nếu được Quốc hội thông qua thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, đây sẽ là cơ hội lớn thu hút đầu tư và phát triển trong thời gian tới.