Trung Quốc cách ly ca nhiễm Omicron đầu tiên thế nào trong chiến lược Zero COVID-19?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:37, 14/12/2021

Trung Quốc đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, đặt ra một thách thức mới cho chiến lược Zero COVID-19 của nước này trước thềm Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Các cơ quan y tế ở thành phố cảng Thiên Tân (phía bắc Trung Quốc) đã cách ly người nhiễm Omicron đầu tiên, du khách đến từ nước ngoài vào ngày 9.12, trước khi biến thể xâm nhập vào cộng đồng.

Du khách này được xác định dương tính với COVID-19 không có triệu chứng. Theo truyền thông nhà nước, việc giải trình tự bộ gen được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc xác nhận đây là biến thể Omicron.

Truyền thông địa phương cho biết người này đang được cách ly và điều trị trong bệnh viện mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Biến thể Omicron lan truyền nhanh chóng, làm dấy lên báo động trên toàn thế giới và khiến các chính phủ buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại. Omicron xuất hiện ở hơn 63 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi cuối tháng trước.

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về Omicron, biến thể mang một số lượng lớn đột biến bất thường, mà các nhà khoa học lo ngại giúp nó lây truyền nhanh hơn và tránh được các loại vắc xin hiện tại.

Các chuyên gia y tế cộng đồng và truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đây bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng đối phó với biến thể Omicron, viện dẫn các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của nước này, nhanh chóng xác định và cách ly F0 cũng như những người tiếp xúc gần gũi với họ.

Tại Trung Quốc, tất cả những người đến nước ngoài phải xét nghiệm COVID-19 trước khi rời sân bay, sau đó trải qua ít nhất hai tuần cách ly tập trung. Tiếp theo sau là một thời gian dài bị cách ly trong nhà.

Theo truyền thông nhà nước, du khách nhiễm Omicron nằm trong diện "quản lý khép kín" với những người đến từ nước ngoài khi nhập cảnh vào Trung Quốc, có nghĩa là không tiếp xúc trực tiếp với người dân địa phương để có thể làm lây nhiễm biến thể này.

Tuy nhiên, chiến lược không khoan nhượng với vi rút SARS-CoV-2 đầy tham vọng của Trung Quốc, bao gồm xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa nhanh và cách ly trên diện rộng - cũng đi kèm chi phí kinh tế lớn, cũng như gây gián đoạn với cuộc sống hàng ngày.

trung-quoc-cach-ly-ca-nhiem-omicron-dau-tien-the-nao-voi-chien-luoc-zero-covid-19.jpg
Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở Trung Quốc bị quản lý nghiêm ngặt

Khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh đến gần, các nhà chức trách đang sử dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn bao giờ hết để hạn chế các đợt bùng phát dịch tại địa phương, vốn xuất hiện với tần suất ngày càng tăng. Trong 8 tuần qua, Trung Quốc đều báo cáo ca mắc COVID-19 trong cộng đồng hàng ngày.

Hôm 14.12, tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc, nơi có các trung tâm sản xuất và xuất khẩu chủ chốt của nước này, đã báo cáo 44 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số F0 trong tuần qua lên 217. Trước khi dịch bùng phát như hiện tại, Chiết Giang chỉ báo cáo 1 ca COVID-19 cộng đồng trong năm nay.

Các nhà chức trách ở các khu vực có ca mắc COVID-19 đã nhanh chóng cách ly hàng chục ngàn dân, tạm ngừng kinh doanh, sự kiện và nhóm du lịch, đồng thời hủy các chuyến bay, phà và dịch vụ xe buýt.

Các hạn chế đi lại trong các khu vực có nguy cơ trung bình và cao với COVID-19 sẽ được áp dụng cho đến ngày 15.3.2022, ngay sau khi Thế vận hội mùa đông kết thúc và vào khoảng thời gian các cuộc họp lập pháp hàng năm của Trung Quốc được hoàn thành tại Bắc Kinh.

Việc ngăn chặn lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cách xa thủ đô Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của chính phủ, khi Bắc Kinh chuẩn bị cho Thế vận hội vào tháng 2.2022 (diễn ra từ 4 - 20.2.2022).

Tất cả các chuyến bay từ thành phố Ninh Ba, trung tâm công nghiệp lớn, đến Bắc Kinh đã bị hủy bỏ. Trong khi chỉ có một chuyến bay hàng ngày từ Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, đến Bắc Kinh được phép.

Ở các vùng khác của Trung Quốc, các ca mắc COVID-19 cũng đang được ghi nhận. Tại phía bắc, khu tự trị Nội Mông báo cáo 5 ca mắc COVID-19 có triệu chứng và 4 trường hợp không triệu chứng. Trong khi tỉnh Hắc Long Giang và Thiểm Tây đều ghi nhận một ca COVID-19, theo Ủy ban Y tế Quốc gia.

Tại tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc, hai người ở trung tâm sản xuất Đông Quan xét nghiệm dương tính với COVID-19 hôm 13.12, khiến địa phương phải phong tỏa.

Nhiều công ty ở tỉnh Chiết Giang ngừng hoạt động do bùng phát COVID-19

Sự bùng phát COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động ở các khu vực của Chiết Giang, một tỉnh với ngành công nghiệp lớn, nơi có nhiều hàng hóa được sản xuất để xuất khẩu.

Ít nhất 20 công ty niêm yết đã ngừng hoạt động tại Chiết Giang vì hàng chục ngàn công dân được đưa vào diện cách ly, một số chuyến bay nội địa bị đình chỉ và các sự kiện thể thao bị hủy bỏ.

Cơ quan y tế cho biết đợt bùng phát dịch với tốc độ tương đối nhanh diễn ra ở ba thành phố của Chiết Giang là Ninh Ba, Thiệu Hưng và Hàng Châu.

Các công ty báo cáo việc sản xuất bị đình chỉ hôm 14.12 gồm Zhejiang Mustang Battery (sản xuất pin), Guobang Pharma (dược phẩm) và Zhejiang Runtu (sản xuất thuốc nhuộm dệt).

Có trụ sở tại thành phố Ninh Ba, Mustang Battery hy vọng sự bùng phát dịch sẽ sớm được kiểm soát và việc đình chỉ sản xuất là biện pháp tạm thời sẽ không có tác động tiêu cực lâu dài đến sự tăng trưởng của công ty.

Zhejiang Runtu nói tất cả các đơn vị của họ trong Khu phát triển kinh tế Chiết Giang Thượng Ngu, chiếm 95% doanh thu, đã tạm dừng hoạt động kể từ ngày 9.12 và dự kiến ​​sẽ có tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý 4/2021.

Trước đó, Ningbo Homelink Eco-Itech, Zhejiang Zhongxin Fluoride Materials, Zhejiang Jingsheng Mechanical & Electrical và Zhejiang Fenglong Electric cũng phải tạm ngừng hoạt động vì dịch COVID-19.

Các công ty này cho biết tạm dừng hoạt động sau khi chính quyền địa phương ở một huyện thuộc Ninh Ba và một huyện khác thuộc thành phố Thiệu Hưng cắt giảm tất cả hoạt động sản xuất thiết yếu. Các lệnh này áp dụng với tất cả công ty trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng chỉ các công ty niêm yết mới được đề nghị tiết lộ tác động đến hoạt động kinh doanh của họ.

Hơn 50.000 người bị cách ly tại các cơ sở tập trung trên toàn tỉnh Chiết Giang với 64,4 triệu dân, trong khi gần nửa triệu người khác đang được theo dõi.

Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia cuối cùng cố gắng duy trì Zero COVID-19 (đưa số ca COVID-19 về 0, quét sạch dịch bệnh trong cộng đồng), khi phần còn lại của thế giới học cách sống chung với vi rút.

Sự xuất hiện biến thể Omicron khiến các nước đua nhau áp đặt các hạn chế đi lại và điều này chỉ củng cố ý định của Trung Quốc trong việc giữ chặt biên giới.

Theo nghiên cứu gần đây của các nhà toán học tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc có thể phải đối mặt với từ hơn 275.000 đến hơn 637.000 ca mỗi ngày nếu từ bỏ Zero COVID-19, điều này gần như chắc chắn sẽ gây ra gánh nặng không thể chi trả cho hệ thống y tế.

Trong báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc công bố trên trang China CDC Weekly, các nhà toán học cho biết nước này không dỡ bỏ các hạn chế đi lại nếu không có vắc xin hoặc phương pháp điều trị cụ thể hiệu quả hơn, tốt nhất là kết hợp cả hai.

Sử dụng dữ liệu tháng 8.2021 từ Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Israel, các nhà toán học đánh giá hậu quả tiềm tàng nếu Trung Quốc áp dụng chiến thuật kiểm soát đại dịch tương tự như các nước này.

Nghiên cứu cho biết số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày ở Trung Quốc có thể lên ít nhất 637.155 nếu nước này áp dụng chiến lược chống đại dịch của Mỹ. Các ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Trung Quốc có thể lên ít nhất 275.793 hàng ngày nếu Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận tương tự Anh và ít nhất 454.198 nếu bắt chước Pháp, theo nghiên cứu.

Báo cáo cho biết: “Các ước tính cho thấy khả năng thực sự của một đợt bùng phát dịch khổng lồ, gần như chắc chắn sẽ gây ra gánh nặng không thể chi trả cho hệ thống y tếPhát hiện của chúng tôi đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng rằng, vào thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa sẵn sàng áp dụng các chiến lược mở cửa chỉ dựa vào giả thuyết về khả năng miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc xin mà một số nước phương Tây ủng hộ".

Các nhà toán học Đại học Bắc Kinh nói rằng ước tính của họ dựa trên các phép tính số học cơ bản và cần có các mô hình phức tạp hơn để nghiên cứu sự phát triển của đại dịch nếu các hạn chế đi lại được dỡ bỏ.

Nghiên cứu kết luận rằng Trung Quốc không nên từ bỏ Zero COVID-19 vào thời điểm hiện tại.

Sơn Vân