Bác sĩ Sài Gòn ra miền Trung cứu người đàn ông đứt lìa ngón tay thoát khỏi tàn phế
Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:31, 14/12/2021
Ngày 14.12, BS.CK2 Võ Hòa Khánh - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho hay, đoàn chuyên gia của bệnh viện này vừa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thực hiện nhiều ca phẫu thuật khó về chấn thương chỉnh hình, cứu bệnh nhân thoát khỏi tàn phế.
Đặc biệt, các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã cứu một người đàn ông bị mất ngón tay cái thoát khỏi tàn phế. Người đàn ông này trong lúc làm việc đã bị máy cưa cắt đứt lìa ngang đốt xa ngón cái. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Sau khi hội chẩn với đoàn bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ để thực hiện khâu nối lại ngón cái đứt lìa.
Ê kíp mổ gồm BS.CK2 Võ Hòa Khánh – Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP và bác sĩ Trần Ngọc Khanh – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật siêu vi phẫu. “Sau 3 giờ phẫu thuật đã hoàn thành khâu nối ngón tay cho bệnh nhân. Đến hôm nay thì ngón tay cái đã từng bước có lại sự sống, và sống tốt”, bác sĩ Khánh cho hay.
Theo bác sĩ Khánh, phẫu thuật siêu vi phẫu là một phẫu thuật khó, đòi hỏi sự kinh nghiệm của các chuyên gia vi phẫu, sự tinh tế của phẫu thuật viên.
“Chúng tôi đã thực hiện chuyển giao thành công kỹ thuật này cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa mà người làm đầu mối chuyển giao công nghệ chính là bác sĩ Trần Ngọc Khanh. Với việc tiếp nhận kỹ thuật này của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bệnh nhân ở đây sẽ có điều kiện tiếp cận với những kỹ thuật cao mà không cần phải vào TP.HCM”, bác sĩ Khánh chia sẻ.
Theo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, trong chuyến đi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa lần này, đoàn bác sĩ của bệnh viện có 4 người, ngoài thực hiện chuyển giao kỹ thuật còn khám, hội chẩn và phẫu thuật các trường hợp khó về chấn thương chỉnh hình như: liệt đám rối thần kinh cánh tay, dị tật bẩm sinh ở trẻ em… Tại đây, các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã mổ cho 24 bệnh nhân với tổng cộng 26 phẫu thuật. Các loại phẫu thuật được thực hiện bao gồm các dị tật ở trẻ em: trật khớp háng bẩm sinh, bàn chân khoèo, chân vòng kiềng, dị tật vẹo trục cẳng tay – bàn tay, dị tật dính ngón tay; các loại phẫu thuật của người lớn bao gồm: thay khớp háng, phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo, kết hợp xương trong các gãy xương phức tạp, xoay vạt da, ghép da che phủ khuyết hổng.