WHO: Căn bệnh bí ẩn giết chết ít nhất 89 người, vắc xin COVID-19 không bị lãng phí ở châu Phi
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:56, 14/12/2021
Những cái chết bí ẩn đã xảy ra tại một khu vực bị lũ lụt gần đây. Các quan chức y tế địa phương đã loại trừ bệnh tả là nguyên nhân.
“Chúng tôi quyết định cử một đội phản ứng nhanh đi đánh giá và điều tra rủi ro. Đó là lúc họ có thể thu thập các mẫu bệnh phẩm từ những người bệnh, nhưng tạm thời con số mà chúng tôi nhận được là 89 trường hợp tử vong”, bà Sheila Baya, quan chức của WHO, nói với BBC.
Bà Sheila Baya nói thêm, một chiếc trực thăng sẽ chở nhóm của WHO từ thủ đô Juba (Nam Sudan) đến khu vực bị ảnh hưởng vào ngày 14.12.
Hồi tháng 10.2021, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết trận lũ lụt xảy ra ở Nam Sudan đầu năm nay là trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 4 bang bị ảnh hưởng kể từ năm 1962.
UNHCR cho hay: “Những trận lũ lụt hiện nay đã xảy ra vào thời điểm mà mọi người đang phải đối mặt với mối đe dọa gấp ba của xung đột, COVID-19 và nạn đói”.
Sự việc này xảy ra trong bối cảnh lo ngại toàn cầu ngày càng tăng về biến thể Omicron. Omicron lan rộng khiến một số quốc gia phương Tây áp đặt thêm các hạn chế đi lại với một số quốc gia ở phía nam châu Phi, nơi biến thể này được phát hiện lần đầu tiên.
Không nằm trong danh sách bị hạn chế nhưng Nam Sudan có nhiều vấn đề khác bắt nguồn từ bạo lực liên tục, hệ thống y tế thiếu thốn và thảm họa thiên nhiên…
WHO: Vắc xin COVID-19 không bị lãng phí ở châu Phi
Quan chức WHO cho biết cần phải xóa tan quan điểm cho rằng vắc xin COVID-19 đang bị lãng phí ở châu Phi, giải thích rằng chưa đến 0,25% liều lượng cung cấp cho lục địa này hết hạn.
“Cần phải xóa tan ấn tượng xấu rằng, ngay cả khi chúng tôi đang bày tỏ lo ngại về khả năng tiếp cận nguồn cung cấp vắc xin, có hàng triệu liều đang bị lãng phí và hết hạn sử dụng ở châu Phi”, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, nói với các nhà báo trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 14.12.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti tiếp tục phân tích số lượng vắc xin COVID-19 đã nhận, tiêm và những liều hết hạn sử dụng ở châu Phi.
Bà nói: “Chúng tôi nhận khoảng 434 triệu liều vắc xin với khoảng 264 triệu liều đã được tiêm ở châu Phi - chiếm khoảng 61% số vắc xin nhận và 910.000 liều hết hạn sử dụng ở 20 quốc gia. Con số đó chiếm ít hơn 0,25% số liều vắc xin đã nhận được ở châu Phi”.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti giải thích rằng thách thức chính ở châu Phi tiếp tục là khả năng tiếp cận nguồn cung vắc xin, nhưng thừa nhận rằng hoạt động lập kế hoạch phân phối vắc xin ở lục địa đen (vốn chủ yếu phụ thuộc vào việc tài trợ nhiều loại vắc xin) cũng là một yếu tố.
Bà nói: “Lập kế hoạch cho hoạt động phân phối vắc xin là một thách thức cực kỳ lớn với các nước châu Phi. Hiện nay có rất nhiều mối quan tâm về việc đảm bảo rằng các loại vắc xin ở các nước châu Phi có thời hạn sử dụng thích hợp, để cho phép hoạt động phân phối được thực hiện theo cách mà chúng tôi giảm thiểu việc hết hạn và những gì có thể coi là lãng phí vắc xin".
Hôm 9.12, Giám đốc bộ phận vắc xin của WHO - Kate O'Brien nói các nước giàu có thể bắt đầu tích trữ vắc xin COVID-19 trở lại, đe dọa nguồn cung toàn cầu khi họ tìm cách dự trữ để chống lại biến thể Omicron.
Cảnh báo từ bà Kate O'Brien được đưa ra khi nguồn cung cho COVAX (chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu) do WHO và GAVI (Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng) điều hành đã tăng lên trong vài tháng qua nhờ đóng góp của các nước giàu có và sau khi Ấn Độ nới lỏng các giới hạn về xuất khẩu vắc xin.
Động thái của Ấn Độ có nghĩa là Viện Huyết thanh đã nối lại các lô hàng vắc xin AstraZeneca mà họ sản xuất, chủ yếu cho COVAX.
"Chúng tôi phải đảm bảo rằng các lô hàng nhiều hơn vẫn tiếp tục", Kate O'Brien nói trong một cuộc họp.
Bà cho biết thêm: “Khi chúng ta xem xét tình hình Omicron sẽ ra sao, có nguy cơ nguồn cung toàn cầu sẽ chuyển sang các nước thu nhập cao tích trữ vắc xin khi họ tìm cách bảo vệ khả năng tiêm chủng cho công dân của mình”.
COVAX đã vận chuyển hơn 620 triệu liều vắc xin đến 144 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ kể từ tháng 2.2021, theo trang web của GAVI.
Bà Kate O'Brien nói một vấn đề lớn với COVAX là các nước giàu tài trợ vắc xin COVID-19 có thời hạn sử dụng tương đối ngắn.
Kate O'Brien nói tỷ lệ lãng phí vắc xin COVID-19 ở các nước nhận liều lượng qua COVAX nhỏ hơn nhiều so với các nước giàu.
Nhận xét của bà được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Phi đang lo ngại không có đủ khả năng để tiêm vắc xin trước khi hết hạn sử dụng.
Hôm 8.12, Reuters đưa tin có tới 1 triệu vắc xin COVID-19 ước tính đã hết hạn ở Nigeria vào tháng trước mà không được sử dụng. Những liều vắc xin hết hạn do AstraZeneca sản xuất và được chuyển đến từ châu Âu thông qua COVAX.
Đây là một trong những vụ mất lượng vắc xin lớn nhất, cho thấy các nước châu Phi gặp khó khăn trong việc triển khai tiêm phòng.
Theo WHO, tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi và là nơi sinh sống của hơn 200 triệu người, chưa đến 4% người trưởng thành đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ.
Tuy nhiên, sự gia tăng nguồn cung gần đây đã gây ra một vấn đề mới: Nhiều nước châu Phi nhận thấy không có đủ năng lực để quản lý vắc xin COVID-19, một số có thời hạn sử dụng ngắn.
Nguồn tin khác cho biết một số liều vắc xin đã đến Nigeria trong vòng 4 đến 6 tuần trước khi hết hạn và không thể sử dụng kịp thời, bất chấp những nỗ lực của cơ quan y tế.
Một nguồn tin nói với Reuters: "Nigeria đang làm mọi thứ có thể, nhưng họ đang phải vật lộn với vắc xin có thời hạn sử dụng ngắn. Bây giờ không thể đoán trước nguồn cung và họ đang gửi quá nhiều".
WHO cho biết 800.000 liều vắc xin bổ sung có nguy cơ hết hạn vào tháng 10 nhưng đã được sử dụng kịp thời.
"Việc lãng phí vắc xin là điều có thể xảy ra ở bất kỳ chương trình tiêm chủng nào và trong bối cảnh việc triển khai chủng ngừa COVID-19 là vấn đề toàn cầu", WHO cho hay.