Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ nói chưa cần vắc xin đặc trị Omicron

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 09:12, 16/12/2021

Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết liều tăng cường của vắc xin COVID-19 hiện tại có thể chống lại Omicron và dường như không cần thiết phải dùng vắc xin dành riêng cho biến thể này.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, nói với các phóng viên tại cuộc họp tại Nhà Trắng: "Các phác đồ vắc xin tăng cường của chúng tôi có tác dụng chống lại Omicron. Tại thời điểm này, không cần phải có một loại vắc xin tăng cường đặc trị biến thể này".

Ông Anthony Fauci cho biết hoạt động trung hòa của hai liều vắc xin Moderna về cơ bản là thấp với Omicron, trích dẫn dữ liệu từ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) mà ông là giám đốc.

"Tuy nhiên, nếu bạn xem xét hai tuần sau khi tiêm liều vắc xin thứ ba, hãy lưu ý mức độ kháng thể trung hòa được nâng cao đáng kể, nằm trong phạm vi trung hòa Omicron", cố vấn y tế chính cho Nhà Trắng nói về phát hiện của nghiên cứu mà công ty công nghệ sinh học Moderna hợp tác cùng NIAID.

Trước đó, Pfizer và Moderna có thể tung ra vắc xin đặc trị biến thể Omicron vào tháng 3.2022 hoặc đầu quý 2 năm tới.

nghien-cuu-cung-moderna-chuyen-gia-dich-te-hang-dau-my-noi-chua-can-vac-xin-dac-tri-omicron1.jpg
Tiến sĩ Anthony Fauci nói dường như không cần thiết phải dùng vắc xin dành riêng cho biến thể Omicron

BioNTech và Pfizer nói tuần trước rằng mũi vắc xin thứ ba của họ có thể vô hiệu hóa Omicron trong một thử nghiệm ở phòng thí nghiệm, nhưng hai liều vắc xin dẫn đến lượng kháng thể trung hòa thấp hơn đáng kể.

Johnson & Johnson vẫn chưa công bố bất kỳ dữ liệu nào về cách vắc xin của họ hoạt động chống lại biến thể mới.

2 liều vắc xin Moderna và Pfizer-BioNTech ít có khả năng ngăn nhiễm Omicron ở thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhưng liều tăng cường có thể khôi phục hầu hết khả năng bảo vệ.

Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đã được xác nhận ở ít nhất 36 bang nước này, chiếm khoảng 3% ca COVID-19 toàn quốc. Bà nói thêm rằng biến thể Delta vẫn chiếm phần lớn ca mắc COVID-19 ở Mỹ.

Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết: "Chúng tôi sẽ thấy tỷ lệ ca nhiễm Omicron ở Mỹ tiếp tục tăng trong những tuần tới. Dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron có khả năng lây truyền nhanh hơn Delta, với thời gian nhân đôi số ca là khoảng 2 ngày".

Ngoài ra, bà Rochelle Walensky nói bắt đầu thấy số ca mắc COVID-19 gia tăng ở những người được tiêm vắc xin đầy đủ trong viện dưỡng lão, nhưng những cư dân đã nhận mũi tăng cường có tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn 10 lần.

2 mũi vắc xin Pfizer chỉ có hiệu quả 22,5% ngăn nhiễm Omicron

Theo các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm ở Nam Phi, hai mũi vắc xin Pfizer-BioNTech chỉ có hiệu quả 22,5% ngăn nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng, nhưng có thể ngăn mắc bệnh nặng.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở thành phố Durban (Nam Phi) đã xem xét các mẫu huyết tương từ 12 người tham gia đã được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech. Máu 5 trong số 6 người được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech cũng như từng khỏi bệnh COVID-19 trước đó vẫn phần nào vô hiệu hóa được biến thể Omicron. Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện sự sụt giảm 41 lần mức độ kháng thể trung hòa chống lại Omicron so với chủng SARS-CoV-2 gốc (được tìm thấy ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc) ở những người tiêm 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech.

Điều này về cơ bản làm tổn hại đến khả năng bảo vệ của vắc xin chống lại sự lây nhiễm vi rút”, theo nhóm các nhà khoa học do Giáo sư Alex Sigal, trưởng phòng thí nghiệm Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi, dẫn đầu.

Dù vậy, họ nói 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech tiếp tục có đủ khả năng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 nghiêm trọng.

Nhóm nghiên cứu Nam Phi trong tuần trước là người đầu tiên chứng minh biến thể Omicron có thể thoát khỏi các kháng thể do vắc xin của Pfizer-BioNTech tạo ra dù không phải hoàn toàn. Tuy nhiên, họ nói rằng mũi vắc xin tăng cường có thể tăng khả năng miễn dịch chống lại Omicron. Điều đó đã được thể hiện trong nghiên cứu do chính Pfizer-BioNTech thực hiện.

Một nghiên cứu thực tế khác cho thấy 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech kém hiệu quả hơn ở Nam Phi trong việc ngăn nhiễm vi rút kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện vào tháng trước.

Trong khoảng thời gian từ ngày 15.11 đến ngày 7.12, những người đã tiêm hai liều vắc xin này và xét nghiệm dương tính với COVID-19 có 70% cơ hội tránh nhập viện, giảm từ 93% trong đợt dịch Delta trước đó.

Khi nói đến việc tránh nhiễm SARS-CoV-2 hoàn toàn, nghiên cứu của nhà quản lý bảo hiểm y tế tư nhân lớn nhất Nam Phi, Discovery Health, cho thấy khả năng này đã giảm xuống 33% so với 80% trước đó.

Những phát hiện từ phân tích trong thế giới thực này cho thấy khả năng vô hiệu hóa Omicron của vắc xin Pfizer-BioNTech bị giảm sút.

Kết quả nghiên cứu dựa trên phân tích của nhóm nghiên cứu lâm sàng và tính toán của Discovery Health phối hợp với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi (SAMRC).

Nghiên cứu ở Nam Phi dựa trên hơn 211.000 kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, trong đó có 78.000 được cho do Omicron.

78.000 trường hợp được cho nhiễm Omicron dựa trên tỷ lệ phổ biến tương đối của biến thể này ở Nam Phi trong suốt thời gian nghiên cứu, nhưng do chưa thể xác nhận tất cả ca do Omicron nên nghiên cứu không thể đưa ra kết quả kết luận cụ thể.

Các nhà khoa học Nam Phi đã gửi 630 xét nghiệm dương tính với COVID-19 để xác định trình tự bộ gen vào tháng 11.2021 để xem chúng có phải là Omicron hay không và 61 cái khác đến nay trong tháng 12.

Ở tháng 11, 78% được xác nhận là biến thể Omicron. Còn trong tháng này đến nay, tất cả 61 mẫu đều là Omicron.

Theo báo cáo tóm tắt của chính phủ Anh hôm 10.12, các ước tính ban đầu cho thấy khả năng bảo vệ vắc xin chống lại bệnh có triệu chứng thấp hơn đáng kể khi nhiễm Omicron so với Delta, dù mũi vắc xin AstraZeneca/Pfizer thứ ba giúp hiệu quả vắc xin tăng lên 70% đến 75% trong những ngày đầu sau khi tiêm.

Sơn Vân