Các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ khẩn trương ứng phó bão Rai

Sự kiện - Ngày đăng : 15:23, 17/12/2021

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ tới vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang sẽ bị ảnh hưởng của bão Rai với sức gió cấp 14.

Threo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, tâm bão Rai hồi 13 giờ ngày 17.12 ở khoảng 10,2 độ vĩ bắc; 120,1 độ kinh đông, ngay trên vùng biển phía đông bắc đảo Palawan (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ được 20-25km. Chiều tối nay bão sẽ vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 18.12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,3 độ vĩ bắc; 114,3 độ kinh đông, ngay trên vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong 24 giờ tới, vùng biển các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang sẽ nhiều mây, có mưa rào và giông rải rác; có lốc xoáy và gió giật mạnh.

Trước tình hình này, các tỉnh ven biển ở nước ta, trong đó có nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ chủ động ứng phó bão Rai.

Tại Bến Tre, ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã yêu cầu các huyện thành trên địa bàn tỉnh tăng cường cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng tránh, ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Toàn tỉnh Bến Tre có số tàu cá đăng ký hoạt động hơn 3.800 chiếc. Trong đó, tàu cấp tỉnh quản lý hơn 3.400 chiếc. Để chủ động ứng phó với bão, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở NN-PTNT lưu ý đối với 3 huyện ven biển gồm Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri liên tục cập nhật thông tin, diễn biến và phạm vi ảnh hưởng của cơn bão.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng phòng tránh, ứng phó với bão trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là phương án sơ tán, di dời dân phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh, chủ động quyết định lựa chọn các biện pháp phòng tránh, ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”. Đặc biệt là tổ chức tuần tra, canh gác, xử lý ngay những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, nhất là tuyến đê biển, đê bao cồn, các khu vực bị ảnh hưởng do đợt triều cường vừa qua; khu vực đã đang và có nguy cơ bị sạt lở…, không để xảy ra trường hợp vỡ đê.

Tại Trà Vinh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết địa phương có 1.216 tàu thuyền hoạt động đánh bắt ngoài khơi. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã thông báo đến các chủ tàu cá, chủ động cập nhật thông tin báo bão, kịp thời trú tránh vào nơi an toàn khi bão đổ bộ, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho thuyền viên.

Tại Tiền Giang, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đang tích cực, chủ động phòng chống bão, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân. Qua rà soát, tỉnh đã kêu gọi 967 tàu thuyền với hơn 6.600 ngư dân vào bờ tránh bão. Hiện còn 486 chiếc với 3.592 ngư dân đang hoạt động trên biển; trong đó có 105 chiếc với 345 ngư dân đánh bắt ven bờ, số còn lại đang hoạt động trên vùng biển Nam Côn Sơn, khu vực ngư trường Cà Mau - Kiên Giang, Bình Thuận - Cà Mau.

Các ngành chức năng của tỉnh đã liên lạc với tất cả các tàu thuyền nói trên, hướng dẫn vào bờ trú bão hoặc áp dụng các biện pháp ứng phó bão phù hợp, an toàn. Chi cục Thủy sản phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên liên lạc, cập nhật kịp thời diễn biến bão, đường đi, tốc độ, hướng di chuyển của bão và khuyến cáo các biện pháp ứng phó phù hợp... đến các tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển.

Tại Cà Mau, để ứng phó bão, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo các cấp, địa phương trong tỉnh ứng phó khẩn cấp. Các địa phương tuyên truyền quyết liệt đến người dân, nhất là ngư dân ở các huyện ven biển nắm rõ thông tin, diễn biến của bão để chủ động ứng phó.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp sở ngành, địa phương các huyện ven biển khẩn trương rà soát, nắm rõ các tàu thuyền còn hoạt động trên biển; tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền hoạt động trong vùng có nguy cơ bão.

Tại Sóc Trăng, UBND tỉnh yêu cầu các ban chỉ huy PCTT-TKCN địa phương theo dõi chặt chẽ tin cảnh báo, có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn về người và tài sản, duy trì liên lạc để xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra.

Các địa phương ven biển, ven sông Hậu vừa bị thiệt hại do triều cường đầu tháng 12 vừa qua cần khẩn trương tổ chức khắc phục hậu quả, rà soát những phương án đảm bảo an toàn cho các hoạt động thủy sản ven biển, trên biển, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu để sớm có giải pháp phục hồi, gia cố.

Nguyên Việt