F0 tăng nhanh, Hà Nội chuẩn bị trạm y tế dự phòng, không xét nghiệm diện rộng
Sự kiện - Ngày đăng : 18:37, 17/12/2021
Hiện tình hình dịch bệnh tại Hà Nội vẫn trong tình trạng kiểm soát được. Tuy nhiên, các ca F0 lây nhiễm cộng đồng ở thể nhẹ đang tăng nhanh do tâm lý chủ quan ở người dân sau khi tiêm đủ liều vắc xin. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, mặc dù gặp nhiều khó khăn do di biến động dân cư lớn, song Hà Nội luôn chủ động, linh hoạt trong các biện pháp phòng, chống dịch để phù hợp với thực tiễn. Hà Nội cũng là địa phương có nhiều mô hình phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, với sự tham gia của các tổ COVID-19 cộng đồng, đặc biệt, trong việc truy vết F0, F1. Cùng với đó, chiến dịch tiêm phủ vắc xin quy mô và xét nghiệm diện rộng đã nhận được sự hưởng ứng của người dân.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đánh giá việc người dân đi lại nhiều, tập trung đông người, nguy cơ tiếp xúc giữa người nhiễm SARS-CoV-2 với người lành là điều không thể tránh khỏi. Chính vì thế việc tuyên truyền cho người dân thực hiện đủ biện pháp 5K là vô cùng cần thiết. Đặc biệt nếu người dân vẫn chủ quan sẽ tạo ra rất nhiều ổ dịch mới, mà hiện nay các F0 thể nhẹ sẽ được điều trị tại nhà. Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn điều trị F0 tại nhà nhưng người dân vẫn khá hoang mang, lo lắng. Năng lực y tế ở các phường thì không đủ để đáp ứng yêu cầu tại chỗ khi có ổ dịch từ trăm người trở lên.
Ông Phu cho rằng vấn đề hiện nay Hà Nội cần phải kiểm soát lại tình hình, không để số ca mắc tăng cao thêm nữa, nếu tăng cao sẽ dẫn đến việc các hệ thống y tế quá tải. Khi đó người bệnh sẽ không được tiếp cận với hệ thống y tế và được điều trị kịp thời, đặc biệt là các trường hợp mắc COVID-19 chuyển bệnh nặng, nguy cơ tỷ lệ ca mắc tử vong tăng cao. "Trong lúc này, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để hạn chế việc tăng F0 một cách thấp nhất. Nếu người dân cho rằng đã tiêm vắc xin là buông xuôi, thả lỏng, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng lên rất nhiều. Chúng ta phải ứng xử trong từng môi trường cho phù hợp, chỉ đến những nơi đông người khi thực sự cần thiết, tránh tụ tập, liên hoan, giảm số người trong các buổi hội họp, đặc biệt thời gian tới" - ông Phu cho biết.
Ngoài ra, một số giải pháp giúp hạn chế sự quá tải ở hệ thống y tế cơ sở là chính quyền cần tăng cường biện pháp tuyên truyền, kiểm tra giám sát. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ y tế để người dân không may nhiễm SARS-CoV-2 đều được tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời theo phân tầng điều trị, tránh tử vong. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tại Hà Nội cũng cần nhanh chóng chuẩn bị thêm giường bệnh để phòng trường hợp có F0 diễn biến nặng sẽ được can thiệp ngay, chứ không cần xét nghiệm diện rộng như thời gian trước.
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội cho rằng hiện việc điều trị F0 tại cơ sở dựa trên nền tảng trạm y tế lưu động, các trạm y tế xã, phường hoặc khi số lượng F0 tăng thì dựa trên nền tảng các trạm y tế đa khoa khu vực. Từ việc này, việc điều trị F0 tại cơ sở sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cũng như giúp người dân được đưa đến khu cách ly điều trị sớm nhất. Trong những ngày gần đây, xu hướng các ca nhiễm tăng nhanh tại nhiều địa bàn với nhiều ổ dịch phức tạp; một số tổ chức, đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ và người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh, không thực hiện nghiêm quy định 5K trong khi tỉ lệ tiêm vắc xin chưa đạt độ bao phủ theo yêu cầu và người dưới 18 tuổi chưa được tiêm; nguy cơ, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khó lường. “Dự phòng là năng lực điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch, cách ly, xét nghiệm tiêm chủng. Hệ thống y tế cơ sở là từ xa, ngay từ cơ sở và phải nâng cao các tuyến y tế cơ sở, trạm y tế xã, phường để có thể điều trị người bệnh F0 ngay tại trạm y tế xã, phường và có các trạm y tế lưu động. Về năng lực của hệ thống y tế điều trị, phải phân tầng, phân tuyến để điều trị theo mức độ bệnh” - ông Tuấn khẳng định.
Để ứng phó dịch trong tình hình mới, một số quận, huyện ở Hà Nội đề nghị các phường, xã rà soát các y, bác sĩ, dược sĩ đã nghỉ hưu, có sức khoẻ để vận động tham gia hỗ trợ phòng chống dịch. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc, y, bác sĩ ngoài công lập rà soát vật chất, trang thiết bị, nhân lực để đăng ký hỗ trợ địa phương sở tại chống dịch.