Vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình: Làm xấu ngành giáo dục
Sự kiện - Ngày đăng : 16:52, 14/05/2020
Chiều 14.5, đại diện Viện KSND (VKS) tỉnh Hòa Bình nêu quan điểm giải quyết vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia các năm 2017 - 2018 diễn ra tại tỉnh Hòa Bình. VKS khẳng định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy chế thi của Bộ GD-ĐT; ảnh hưởng uy tín của ngành, xúc phạm danh dự của giáo viên; ảnh hưởng kết quả học thật, thi thật của học sinh.
Trong vụ án có một số bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ kết quả chấm thẩm định bài thi của Bộ GD-ĐT, các chứng cứ trong hồ sơ và xét hỏi những ngày qua, VKS có đủ cơ sở xác định 15 bị cáo trong vụ án này đã câu kết, nâng điểm thi THPT quốc gia cho 65 thí sinh gồm 64 em thi năm 2018 và 1 em thi năm 2017.
Ngoài hành vi trên, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, bị xác định nhận 300 triệu đồng từ bị cáo Hồ Chúc (giáo viên Trường THPT Thanh Hà) sau khi nâng điểm cho 2 thí sinh. VKS cũng xác định bị cáo Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình là người có vai trò chính, chủ mưu chỉ đạo các bị cáo khác can thiệp bài thi theo hướng nâng điểm.
Từ những nhận định nêu trên, đại diện Viện KSND tỉnh Hòa Bình đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn 7 - 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, từ 3 - 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tổng hợp hình phạt từ 10 - 12 năm tù. Bị cáo Hồ Chúc, nguyên giáo viên Trường THPT Thanh Hà, bị đề nghị từ 2 - 3 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.
Trong số 13 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, bị cáo Nguyễn Quang Vinh bị đề nghị xử phạt từ 7 - 8 năm tù. Bị cáo Khương Ngọc Chất, nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình, bị đề nghị từ 5 - 6 năm tù. Các bị cáo còn lại bị VKS đề nghị xử phạt từ 2 - 6 năm tù; một số bị cáo được VKS đề nghị cho hưởng án treo.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa - Ảnh chụp màn hình
Trước đó, trong phần xét hỏi sáng 14.5, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn khai được bị cáo Nguyễn Quang Vinh đề nghị thực hiện việc nâng điểm cho một số thí sinh bởi đó là con em cán bộ, mối quan hệ ngoại giao. Cũng theo bị cáo Tuấn, Vinh đã đưa chìa khóa phòng chứa bài thi kèm danh sách thí sinh cần nâng điểm cho mình. Sau đó, Mạnh Tuấn rủ Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên Sở GD-ĐT) thực hiện việc sửa 145 bài thi của 58 thí sinh.
Theo bị cáo Tuấn, một tay bị cáo không thể làm được cỗ, phó hiệu trưởng một trường không thể đủ tài, đủ rộng, đủ tầm thao túng cả kỳ thi tầm cỡ như thế được. Ngược lại, bị cáo Nguyễn Quang Vinh khẳng định không chỉ đạo, không tạo điều kiện cho Đỗ Mạnh Tuấn thực hiện những hành vi trên.
Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình, các bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức thi, công tác chấm thi. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì động cơ vụ lợi, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp, cá nhân để câu kết, can thiệp nâng điểm cho 65 thí sinh.
Cơ quan công tố xác định bị cáo Nguyễn Quang Vinh với vai trò chính, đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn và đưa chìa khóa phòng chấm thi, tạo điều kiện thuận lợi cho Tuấn can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm. Ngoài ra, Nguyễn Quang Vinh còn cung cấp thông tin thí sinh cần nâng điểm cho các bị cáo Loan, Chung, Trà và các cán bộ chấm thi để nâng điểm 20 bài thi tự luận môn Ngữ văn cho 20 thí sinh.
Đối với Đỗ Mạnh Tuấn, VKS xác định Tuấn là người thực hiện chỉ đạo của Vinh, đã lôi kéo Khắc Tuấn trực tiếp dùng thủ đoạn để can thiệp nâng điểm 145 bài thi trắc nghiệm cho 58 thí sinh; thực hiện việc “sinh mã phách” bài thi tự luận môn Ngữ văn trái với quy chế thi… Ngoài ra, Đỗ Mạnh Tuấn đã nhận hối lộ của bị cáo Hồ Chúc số tiền 300 triệu đồng để can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho 2 thí sinh theo yêu cầu của Chúc.
Nhã Thanh