Nghiên cứu mới: Omicron gây nguy cơ trở nặng như Delta, tái nhiễm gấp 5,2 lần
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 08:21, 18/12/2021
Kết quả nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London dựa trên dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh và Dịch vụ Y tế Quốc gia về những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 qua xét nghiệm PCR ở Anh từ ngày 29.11 đến 11.12.
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng (cho cả nguy cơ nhập viện và tình trạng triệu chứng) của việc Omicron có mức độ nghiêm trọng khác với Delta", nghiên cứu cho biết, dù hé lộ thêm rằng dữ liệu về số lần nhập viện vẫn còn rất hạn chế.
"Theo dõi tình trạng vắc xin, tuổi, giới tính, dân tộc, tình trạng không có triệu chứng, khu vực và ngày lấy mẫu, Omicron có liên quan đến nguy cơ tái nhiễm cao hơn 5,4 lần so với Delta", trích nội dung nghiên cứu.
Khả năng bảo vệ do khỏi bệnh COVID-19 trước đó chống lạitái nhiễm Omicron có thể thấp tới 19%, Đại học Hoàng gia London cho biết, lưu ý rằng nghiên cứu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ phát triển ca nhiễm Omicron có triệu chứng tăng lên đáng kể so với Delta ở những người tiêm hai liều vắc xin khoảng 2 tuần hoặc hơn nữa trở lên cũng như người tiêm mũi vắc xin thứ ba sau 2 tuần trở lên. Nghiên cứu này liên quan đến vắc xin AstraZeneca và Pfizer.
Theo đó, hiệu quả của hai liều vắc xin COVID-19 ngăn nhiễm Omicron có triệu chứng dao động từ 0% đến 20% và ba mũi vắc xin là từ 55% đến 80%.
"Nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về mức độ đáng kể mà Omicron có thể tránh được khả năng miễn dịch trước đó do từng khỏi COVID-19 hoặc tiêm vắc xin. Mức độ tránh miễn dịch này có nghĩa là Omicron gây ra một mối đe dọa lớn, sắp xảy ra với sức khỏe cộng đồng", trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Neil Ferguson, cho biết trong tuyên bố của Đại học Hoàng gia London.
Dữ liệu được Đại học Hoàng gia London phân tích dựa trên 333.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 122.062 trường hợp nhiễm biến thể Delta và 1.846 người nhiễm Omicron thông qua giải trình tự bộ gen.
Giáo sư Azra Ghani của Đại học Hoàng gia London, người đồng dẫn đầu nghiên cứu, mô tả nó là "điều cần thiết để lập mô hình quỹ đạo tương lai có thể xảy ra với làn sóng dịch Omicron và tác động tiềm tàng từ việc tiêm vắc xin cùng các can thiệp sức khỏe cộng đồng khác".
Phát hiện mới có thể đẩy nhanh việc áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn ở một số quốc gia châu Âu nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron.
Dù vậy, Tiến sĩ Clive Dix, cựu Chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Vắc xin Vương quốc Anh, cho biết điều quan trọng là không nên diễn giải quá mức về dữ liệu.
"Các kết luận được đưa ra dựa trên việc đưa ra các giả định về Omicron mà chúng ta vẫn chưa có đủ dữ liệu. Ví dụ, chúng ta không có dữ liệu về đáp ứng miễn dịch tế bào, hiện có lẽ đang thúc đẩy hiệu quả của vắc xin. Đây là một giả định quan trọng còn thiếu trong mô hình này", Tiến sĩ Clive Dix nhận xét.
Clive Dix nói có một số kết luận khác với dữ liệu thu được từ Nam Phi, nơi vắc xin đang chống lại bệnh nghiêm trọng và tử vong.
“Có một lượng lớn sự không chắc chắn trong các ước tính được mô hình hóa này và chúng ta chỉ có thể tự tin về tác động của mũi vắc xin tăng cường chống lại Omicron khi có thêm 1 tháng dữ liệu thực tế về số ca nhập viện được điều trị đặc biệt và người tử vong”, Clive Dix cho hay.
Một nghiên cứu trước đó ở Anh về nguy cơ tái nhiễm ở nhân viên y tế, được thực hiện trước khi Omicron xuất hiện, cho thấy việc khỏi bệnh COVID-19 cung cấp khả năng bảo vệ 85% tránh nhiễm SARS-CoV-2 lần hai trong 6 tháng sau đó.
Hôm 17.12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi cho biết chính phủ tin rằng vắc xin và tỷ lệ mắc COVID-19 cao trước đây đang giúp giữ cho bệnh nhẹ hơn trong làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra.
Nam Phi báo cáo số lượng ca mắc COVID-19 hàng ngày kỷ lục vào đầu tuần này.
Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Y tế Joe Phaahla cho biết vắc xin và tỷ lệ mắc COVID-19 cao ở Nam Phi dường như đang bảo vệ chống lại các triệu chứng nghiêm trọng hơn từng thấy trong ba đợt dịch trước đó.
Nam Phi tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 cho 44% dân số trưởng thành, nhiều hơn nhiều các quốc gia châu Phi khác nhưng vẫn còn thiếu so với mục tiêu cuối năm của chính phủ. Trong số những người trên 50 tuổi, mức độ bao phủ tiêm vắc xin là hơn 60%.
Nhắc lại những phát hiện của Shabir Mahdi, chuyên gia về vắc xin tại Đại học Witwatersrand (thành phố Johannesburg, Nam Phi), ông Joe Phaahla nói: “Chúng tôi tin rằng có thể không phải Omicron độc lực ít hơn, mà là mức độ bao phủ tiêm vắc xin, khả năng miễn dịch tự nhiên của những người nhiễm vi rút cũng tăng thêm khả năng bảo vệ. Đó là lý do tại sao chúng tôi thấy bệnh nhẹ”.