'Săn' trà cổ thụ trên đỉnh Phja Oắc
Du lịch - Ngày đăng : 11:58, 19/12/2021
Trong vòng cung du ngoạn Đông - Tây Bắc, tên gọi Phja Oắc, Phja Đén… không mấy thân quen. Cái cớ lên Phja Oắc lần này, ấy là theo rủ rê của một vị tiên sinh người gốc Khách Gia, với gia đình có truyền thống làm trà Đông Phương Mỹ Nhân đã đến đời thứ 6 ở huyện Miêu Lật, phía Tây lãnh thổ Đài Loan. Nhân vật họ Từ xứ Đài ấy hay lọ mọ đi khám phá các vùng trà cổ thụ của Việt Nam để thử nghiệm cho thỏa chí đam mê nghề trà, bởi thứ nguyên liệu trà cổ thụ Việt Nam, ông coi là vốn quý để mong được thử sức chế biến, khám phá những tinh hoa trong nội chất trà. Nghe đồn trên đường lên đỉnh Phja Oắc có rừng trà cổ thụ nguyên sinh, vậy là lên đường.
Sản vật miền cao
Cung đường đèo dốc, nối từ Phja Đén lên Phja Oắc nay thật khang trang, vắng bóng người qua lại. Tương truyền ngày xưa khi khai phá cung đường này, đây là vùng núi rừng heo hút, một nhân vật người Pháp, là nữ kỹ sư trong đội khảo sát, thiết kế - thi công tuyến đường đèo, tên Colia (có tích gọi là Lê A), bị hổ vồ mất mạng.
Ngày nay, ở xóm Phja Đén thuộc xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, ngay đầu đoạn đường đèo lên Phja Oắc, tên gọi Colia được gợi nhớ qua một vùng trà trồng nhiều giống làm Ô long, Đông Phương Mỹ Nhân như Tứ Quý, Phúc Vân Tiên… Khu trà trồng này hình thành từ tháng 3.2012, tạo thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cây trà, được nhiều người biết đến là Kolia Cao Bằng.
Ở xóm Phja Đén, đa phần cộng đồng cư trú là người Tày, dịp đến Phja Đén lần này, đúng thời điểm đang mùa thu hoạch củ dong riềng, một đặc sản làm nên món miến độc đáo của Cao Bằng. Khí hậu mát mẻ quanh năm, độ cao lý tưởng (trên 1.000m) tạo cho sản vật dong riềng ở Phja Đén có được độ ngọt, dẻo, dai, bùi, cùng hương thơm khác lạ, thuần khiết.
Đi quanh Phja Đén, dưới cái nắng thu đẹp miên man, dễ thấy các hộ làm miến dong được sản xuất theo kỹ thuật thủ công của người bản địa từ bao đời, nguyên liệu chỉ thuần khiết là tinh bột củ dong, cùng sự gia giảm nước sôi để ép ra thành sợi, phơi khắp xóm. Sợi miến từ nâu nhạt, gặp nắng đều, chuyển khô màu trắng đục là ra thành phẩm, tạo nên một đặc sản độc đáo mang thương hiệu của miến dong Phja Đén, Cao Bằng.
Dấu ấn xưa
Không xa thôn Phja Đén, đường đèo quanh co dẫn lối lên núi cao, băng ngang vạt rừng thông với những thân cây gần hai người ôm, tạo thành vùng phong cảnh khác lạ, hùng vĩ với thông reo, nắng vàng trời xanh, thật giống cảnh đẹp đã thấy đâu đó trên cao nguyên Lâm Viên ở miền trong Đà Lạt.
Lấy làm lạ về khu rừng thông cổ thụ, với hầu hết thân cây đều có những vết chặt nham nhở, người bạn dẫn đường mới quen, cũng là người làm kỹ thuật ở xưởng trà Kolia Cao Bằng, Tô Hoài Đức lý giải: “Rừng thông này do ông ngoại em trồng hơn 50 năm trước, giống thông này không phải là cây cho nhựa nhưng người dân không hiểu, cứ thấy thông là nghĩ cây có nhựa nên mới chặt chém như thế”.
Phía cuối rừng thông, nơi bên kia sườn núi, còn lưu lại những kiến trúc được người Pháp xưa xây dựng, thuộc Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Nổi bật trong các kiến trúc nhà mát, nhà đạo, nhà nghỉ cho công nhân khai mỏ… có khu biệt thự đỏ, điểm đến đánh số 14 trong Công viên địa chất. Nhìn từ xa, biệt thự đỏ như một chấm nhỏ chen chơi vơi, một mình bên sườn núi. Lớp ngói đỏ, rêu mốc với độ ẩm và hơi gió cũng tạo nên sắc đỏ cho tổng thể biệt thự; tên gọi nhà đỏ, biệt thự đỏ được gọi theo vẻ ngoài ấy.
Bị lãng quên nhiều năm, các kiến trúc Pháp xây dựng ở đường lên Phja Oắc, đều đã mục nát, nghe nói có dự án phục tráng lại biệt thự đỏ để làm nơi nghỉ dưỡng. Biệt thự đỏ nay chỉ còn sót lại bộ khung, mái ngói xập xệ, nhưng cũng đủ cho thấy một thời huy hoàng khi đón quan khách từ miền xuôi lên Cao Bằng nghỉ dưỡng.
Đi săn trà cổ thụ
Tạm gác qua những thăm thú phong cảnh, vẻ đẹp của cánh rừng già Phja Oắc, bởi đích của chuyến đi lần này là tìm cho ra những cây trà cổ thụ đang tồn tại đâu đó trong thiên nhiên. Ở dải trà cổ thụ Việt Nam, người sản xuất, thưởng trà biết nhiều đến các vùng trà cổ hiện hữu ở Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai… riêng với Cao Bằng, là một phát hiện mới lạ.
Dựa trên những tổng hợp thông tin về địa mạo, địa chất, cao độ, cùng thời tiết khắc nghiệt của Phja Oắc, thường đóng băng, mưa tuyết vào mùa lạnh, cùng vùng rừng nguyên sinh được bảo tồn tốt, đồng thời đây cũng là địa danh sở hữu nhiều mỏ quặng giá trị như mỏ vàng Phja Oắc, mỏ thiếc Tĩnh Túc, lớp đất đá là sự cấu tạo của các tầng granit, thạch anh, đá vôi, phiến sét… các tầng rừng lớp lớp chồng nhau theo độ cao lên dần, đều là điều kiện lý tưởng để những dòng cây nguyên bản như trà cổ thụ, sẽ lưu giữ hương vị đặc sắc, độc đáo.
Thông tin rừng Phja Oắc có hiện hữu trà cổ thụ, được một vị nguyên là giám đốc Sở Nông nghiệp ở Cao Bằng ngày trước tiết lộ, nhưng ông không nhớ vị trí cụ thể, chỉ áng chừng ở khu vực lưng chừng trên đoạn đèo nối từ Phja Đén lên đỉnh Phja Oắc. Thông tin ít ỏi ấy thật khó để tìm ra bóng dáng cây trà giữa mênh mông nơi Công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng. Nhóm tìm đến chi cục kiểm lâm, dò hỏi thêm, và thật may mắn khi một cán bộ kiểm lâm cho biết trong những chuyến tuần rừng, anh đã ghi nhận một số nơi có trà cổ thụ, và tình nguyện dẫn đường.
Hành trình lên núi cao, khác với vẻ trong veo của trời thu dưới chân núi, sương mù cứ lẩn khuất, khi tỏ khi mờ dưới tán rừng. Thỉnh thoảng trên đường đi, lại gặp một cây đỗ quyên nở trái mùa, đẹp long lanh giữa mảng xanh rừng núi.
Một “bí kíp” đi săn trà cổ thụ đúc kết từ nhiều chuyến, ấy là giống loài này thường mọc dọc theo các khe núi, đường nước. Lần này cũng vậy, cả đoàn nối chân nhau men theo con suối cạn, leo dần lên các phiến đá chồng chất, qua đỉnh cao, khi vào vùng thung lũng, rậm rạp, rêu phong phủ đầy, những thân trà lộ ra, mọc đan xen dọc theo triền núi, cây to cỡ hai người ôm, cao ngất ngưởng, một dấu chỉ cho thấy rõ đây là vùng rừng trà nguyên sinh, chưa từng được khai thác bởi con người.
Cả nhóm săn trà đầy vui sướng, tíu tít trèo lên cây cao, hái ít búp non một tôm hai lá đem về thử nghiệm. Búp trà mập căng, tuyết dày, cậng dài, to như đầu đũa vươn lên đón nắng. Vị trà sư người Đài cho biết, dựa theo vùng nguyên liệu và ngoại hình lá trà, sẽ hợp với cách làm trà lên men như hồng trà, trà ép bánh, hoặc vận dụng kỹ thuật Ô long, Đông Phương Mỹ Nhân để khơi dậy hương ẩn trong lá trà.
Mẻ trà được đưa về xưởng Kolia thử nghiệm, qua các công đoạn làm héo, vò, ủ… bằng kỹ thuật thủ công như cách làm hồng trà, khi pha thử có hai điểm nổi trội là độ ngọt và hương thơm dịu, hậu vị êm chứ không gắt chát, được đánh giá là phẩm trà mang cá tính riêng, khác biệt với những vùng nguyên liệu trà cổ thụ khác ở Đông - Tây Bắc, ghi dấu một vùng nguyên liệu trà cổ thụ giá trị để lưu tâm bảo tồn, kiểm soát, khi có điều kiện có thể đưa vào khai thác, sản xuất thành đặc sản, góp cho bản đồ trà cổ thụ Việt thêm phong phú, đa dạng.
Một chuyến lên non xa Cao Bằng, thưởng thức đặc sản, săn trà, ngoạn cảnh… cũng là cơ hội để thấy non nước Việt còn nhiều những bí ẩn, những vẻ đẹp quyến rũ luôn đợi chờ khách phương xa.
Bài-ảnh: Nguyễn Đình