Việt Nam cần hơn 1 triệu nhân lực logistics

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:54, 19/12/2021

Ước tính trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu nhân lực logistics của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khoảng hơn 1 triệu người.

Logistics là ngành dịch vụ được ví như "mạch máu" của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trên phạm vi cả nước tính đến thời điểm 31.12.2020 là 810.000 doanh nghiệp với 16,6 triệu lao động đang làm việc. Nhìn chung, nếu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô trung bình 100 lao động thì cần có ít nhất 4 lao động logistics (quản lý xuất nhập khẩu, mua hàng, kho hàng, vận tải và phân phối). Nói cách khác, tỷ lệ nhân lực logistics tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là 4%.

logistics.jpg
Phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao được đặt ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng - Ảnh: Internet

Tổng cục Thống kê đánh giá, quy mô trung bình của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Việt Nam đạt 20,5 người/1 doanh nghiệp. Tỷ lệ qua đào tạo logistics là 20% thì số lao động logistics cần đào tạo hiện nay là gần 133.000 người.

Nguyên nhân khiến Việt Nam luôn rơi vào tình trạng thiếu nhân lực ngành logistics trầm trọng là do doanh nghiệp luôn có tâm lý muốn thuê ngoài. Mục tiêu tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics được dự báo sẽ đạt tới 50 - 60% trong thời gian tới.

Như vậy, ước tính trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu nhân lực logistics của các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh... hơn 1 triệu người.

Nghành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 14-16%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế. Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam Nguyễn Thanh Chương nhìn nhận: "Về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế".

Logistics là lĩnh vực có mức độ hội nhập rất cao nên nguồn nhân lực logistics phải được đào tạo để không chỉ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước mà còn làm việc được trong môi trường quốc tế.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng nhân lực ngành logistics của Việt Nam thời gian tới, giới chuyên gia cho rằng, các cơ sở đào tạo nhân lực logistics tại Việt Nam cần đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo chuẩn của những chương trình đào tạo quốc tế, chẳng hạn như: chương trình đào tạo của Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế (FIATA), chương trình AFFTA - ASEAN, chương trình đào tạo nghề Au4Skills Úc - Việt Nam. Trong các chương trình này, cần kết hợp giữa đào tạo kiến thức chuyên môn với kỹ năng nghề nghiệp...

Phát triển các chương trình đào tạo thích hợp cho từng nhóm đối tượng người học cũng vô cùng thiết yếu, đặc biệt là cần phải đào tạo cho đội ngũ cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước, sở ngành địa phương tham gia vào việc hoạch định chính sách và quản lý trực tiếp lĩnh vực logistics tại địa bàn; cán bộ thừa hành công việc tại công sở và cán bộ làm công tác hiện trường; cán bộ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển các chương trình đào tạo logistics cho từng ngành hàng khác nhau như: da giầy, dệt may, điện tử...

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nhu cầu đào tạo nhân lực logistics như đảm bảo đầy đủ hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo. Phải thay thế phương pháp đào tạo cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn, làm tăng nguy cơ tụt hậu và phải đào tạo lại, thậm chí đào thải ngay sau khi tốt nghiệp bằng việc đa dạng hoá phương thức đào tạo, kết hợp giữa đào tạo chính quy tập trung với đào tạo từ xa, đào tạo dài hạn với ngắn hạn, đào tạo tại trường kết hợp với đào tạo thực tế tại các doanh nghiệp.

Đặc biệt, các trường đại học ở Việt Nam cần học tập, kinh nghiệm đào tạo logistics của các trường đại học ở nước ngoài trong việc xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo gắn rất chặt với doanh nghiệp. Thực hiện được như vậy, các trường đại học cũng như doanh nghiệp đều thu được lợi ích. Về phía các trường, sinh viên sẽ được học tập ở môi trường sát với thực tế. Về phía doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận xét rằng: "Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, ngành logistics Việt Nam được đánh giá là ngành kinh tế tiềm năng, có vai trò quan trọng, mang tính nền tảng trong nền kinh tế quốc dân và đang đứng trước những cơ hội lớn để bứt phá vươn lên, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại quốc tế phục hồi, tăng trưởng trở lại".

Tuyết Nhung