Ca ghép gan hoàn toàn do thầy thuốc VN thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:55, 20/12/2021

Bé gái 7 tuổi bị suy gan giai đoạn cuối, biến chứng ói ra máu, nhiễm trùng đường mật, nhiễm trùng phổi… đã may mắn được ghép gan thành công, thoát khỏi thần chết.

Ngày 20.12, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay vừa thực hiện thành công ca ghép gan cho một bé gái H.G.H (7 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM). Người cho gan để ghép là cha bé năm nay 41 tuổi. Đây là ca ghép gan trẻ em đầu tiên của bệnh viện được thực hiện với toàn bộ ê kíp là các chuyên gia, y bác sĩ người Việt Nam và là ca ghép gan thứ 15 tại đây.

Theo TS-BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan, mật, tụy và ghép gan (Bệnh viện Nhi đồng 2), bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh đã mổ Kasai lúc 2 tháng tuổi tại bệnh viện này. Sau mổ, bệnh nhi còn phải nhập viện nhiều lần do nhiễm trùng đường mật, gan xơ, lách rất to gây cường lách.

Trong năm 2020 bệnh nhi bị biến chứng nặng xuất huyết tiêu hóa (ói ra máu và tiêu phân đen) 2 lần, suy dinh dưỡng do chức năng gan xấu, giảm tiểu cầu máu nặng thường xuyên chảy máu mũi, nhiễm trùng phổi, ói ra máu.

ca-ghep-gan-dau-tien-thanh-cong-tai-benh-vien-nhi-dong-2-do-bac-si-nguoi-vien-thuc-hien-hinh-anh(1).png
Các bác sĩ thực hiện ca ghép gan cho bé gái H.G.H - Ảnh: BVCC

Tuy nhiên, TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết thời điểm này hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, việc liên hệ với chuyên gia, đối tác nước ngoài đến Việt Nam hỗ trợ ghép gan gặp khó khăn. Trong khi đó, mỗi ngày nhìn các bệnh nhi suy gan giai đoạn cuối lần lượt “ra đi” mà lòng xót đau.

“Đối với suy thận còn có thời gian chạy thận nhân tạo để kéo dài, khi có điều kiện thích hợp sẽ ghép thận; còn với suy gan thì không, nếu không kịp ghép gan thì bệnh nhi sẽ tử vong”, bác sĩ Thạch nói.

Chính vì vậy, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã quyết định hợp tác với Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để thực hiện ghép gan nhằm kịp thời cứu các bé bị nguy kịch trong lúc dịch bệnh còn đang phức tạp.

Ngày 1.12, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trong đó Bệnh viện Đại học Y dược hỗ trợ về pháp lý ở người, gây mê, lấy gan từ người cho.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh - Phó khoa Gan, mật, tụy và ghép gan cho biết gan của bệnh nhi này dính nhiều vào cơ hoành nên việc lấy toàn bộ gan bị hư rất khó khăn nên ca phẫu thuật ghép gan kéo dài.

“Ca phẫu thuật ghép gan cho bé gái kéo dài đến 12 giờ đồng hồ mới thành công. Đến nay, sau gần 3 tuần ghép, bệnh nhi đã hoàn toàn khỏe mạnh, chức năng gan và sinh hoạt bình thường; còn người cho gan là cha bé cũng đã khỏe mạnh và xuất viện sau khi mổ lấy gan 1 tuần”, bác sĩ Khánh cho biết thêm.

Theo GS.BS Trần Đông A - người cố vấn cho ca ghép gan này, ghép tạng là một trong 3 thành tựu vĩ đại nhất của y học thế giới sau phát minh ra thuốc kháng sinh và vẽ bản đồ gien. Kỹ thuật ghép gan khó nhất trong các tạng, nhất là ở trẻ em, bởi lấy 1 miếng gan nhỏ từ người cho còn sống ở 2 phân thùy 2 và 3, mà mạch máu 2 phân thùy ấy của bé rất nhỏ, khi nối dễ bị tắc, mà tắc thì rất nguy hiểm.

ca-ghep-gan-dau-tien-thanh-cong-tai-benh-vien-nhi-dong-2-do-bac-si-nguoi-vien-thuc-hien-hinh-anh-1.png
Sau ca ghép gan hiện bé gái đã hoàn toàn khỏe mạnh, chức năng gan và sinh hoạt bình thường - Ảnh: BVCC

“Chúng tôi mong muốn cùng với khoa Gan, mật, tụy và các chuyên khoa khác ghép được nhiều hơn nữa. Ca ghép diễn ra từ sáng sớm đến tối, cũng chỉ mong cứu được nhiều cháu bé suy gan giai đoạn cuối. Cứu cháu bé bệnh nặng có thể cứu cả cuộc đời dài 70-80 năm. Chúng tôi mong xã hội, nhà hảo tâm giúp đỡ các gia đình bệnh nhân”, GS Đông A chia sẻ.

GS.BS Trần Đông A thông tin, cách đây 10 ngày ông được Bộ Y tế mời tham gia góp ý sửa đổi Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Theo đó, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội sửa đổi cho phép các em dưới 18 tuổi được quyền hiến các cơ quan của mình.

“Đối với ghép tạng đòi hỏi an toàn sinh học rất cao, ít nhất trong vòng 1 năm. Trong năm đầu chi phí rất cao. Trong sửa đổi Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, cố gắng thành lập quỹ ghép tạng cho những gia đình khó khăn”, GS Đông A nói.

Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện trẻ bị bệnh lý teo đường mật và cần ghép gan mỗi năm từ 70-100 ca, trong đó 80% trẻ chỉ định ghép gan. Tuy nhiên nguồn gan nói riêng để thực hiện rất khó khăn, vì hiện nay chỉ những người trên 18 tuổi mới được cho gan. Trong khi đó, phần lớn cho gan là người sống, nên việc tìm lá gan tương thích với trẻ cũng gặp nhiều khó khăn, trẻ phải chờ trong sự chết mòn.

Qua 17 năm thực hiện ghép tạng, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện được 20 ca ghép thận và 15 ca ghép gan. Trong các cá ghép gan trước đều có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Đây là lần đầu tiên ca ghép gan được bệnh viện thực hiện với một ê kíp toàn người Việt Nam. Trong 2 năm tới, việc ghép gan, ghép thận, ghép tế bào gốc sẽ là kỹ thuật thường quy của bệnh viện.

Hồ Quang