WHO: Omicron lây nhanh hơn Delta đáng kể, người đã tiêm vắc xin và khỏi COVID-19 vẫn nhiễm
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 06:13, 21/12/2021
“Hiện có bằng chứng nhất quán cho thấy Omicron đang lây lan nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta và nhiều khả năng những người đã tiêm vắc xin hoặc phục hồi sau COVID-19 có thể nhiễm hoặc tái nhiễm”, Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu hôm 20.12, trong cuộc họp báo trụ sở mới của cơ quan Liên Hợp Quốc ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ).
Xuất hiện ở phía nam châu Phi cách đây hơn 3 tuần, Omicron đã lan ra ít nhất 90 nước.
WHO cho biết số ca nhiễm biến thể này tăng gấp đôi trong 1,5 đến 3 ngày tại nhiều khu vực có sự lây truyền trong cộng đồng.
Một nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London (Anh) cho thấy nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao hơn gấp 5,2 lần và biến thể này không có dấu hiệu gây bệnh nhẹ hơn Delta.
Kết quả nghiên cứu này dựa trên dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh và Dịch vụ Y tế Quốc gia về những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 qua xét nghiệm PCR ở Anh từ ngày 29.11 đến 11.12.
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng (cho cả nguy cơ nhập viện và tình trạng triệu chứng) của việc Omicron có mức độ nghiêm trọng khác với Delta", nghiên cứu cho biết, dù hé lộ thêm rằng dữ liệu về số lần nhập viện vẫn còn rất hạn chế.
"Theo dõi tình trạng vắc xin, tuổi, giới tính, dân tộc, tình trạng không có triệu chứng, khu vực và ngày lấy mẫu, Omicron có liên quan đến nguy cơ tái nhiễm cao hơn 5,4 lần so với Delta", trích nội dung nghiên cứu.
Khả năng bảo vệ do khỏi bệnh COVID-19 trước đó chống lại tái nhiễm Omicron có thể thấp tới 19%, Đại học Hoàng gia London cho biết, lưu ý rằng nghiên cứu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ phát triển ca nhiễm Omicron có triệu chứng tăng lên đáng kể so với Delta ở những người tiêm hai liều vắc xin khoảng 2 tuần hoặc hơn nữa trở lên cũng như người tiêm mũi vắc xin thứ ba sau 2 tuần trở lên. Nghiên cứu này liên quan đến vắc xin AstraZeneca và Pfizer.
Theo đó, hiệu quả của hai liều vắc xin COVID-19 ngăn nhiễm Omicron có triệu chứng dao động từ 0% đến 20% và ba mũi vắc xin là từ 55% đến 80%.
"Nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về mức độ đáng kể mà Omicron có thể tránh được khả năng miễn dịch trước đó do từng khỏi COVID-19 hoặc tiêm vắc xin. Mức độ tránh miễn dịch này có nghĩa là Omicron gây ra một mối đe dọa lớn, sắp xảy ra với sức khỏe cộng đồng", trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Neil Ferguson, cho biết trong tuyên bố của Đại học Hoàng gia London.
Dữ liệu được Đại học Hoàng gia London phân tích dựa trên 333.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 122.062 trường hợp nhiễm biến thể Delta và 1.846 người nhiễm Omicron thông qua giải trình tự bộ gen.
Ngày 20.12, Moderna cho biết rằng liều vắc xin COVID-19 tăng cường của họ dường như có khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron trong thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.
Công ty công nghệ sinh học Mỹ quyết định tập trung vào vắc xin COVID-19 hiện tại (mRNA-1273) một phần do biến thể Omicron được phát hiện gần đây đang lan truyền cực nhanh. Moderna vẫn có kế hoạch phát triển một loại vắc xin COVID-19 đặc trị Omicron. Loại vắc xin này có thể được đưa vào thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm 2022.
Tiến sĩ Paul Burton, Giám đốc Y tế của Moderna, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Những gì chúng tôi có hiện tại là mRNA-1273. Nó có hiệu quả cao và cực kỳ an toàn. Tôi nghĩ nó sẽ bảo vệ người dân trong kỳ nghỉ lễ sắp tới và những tháng mùa đông này, khi chúng ta sẽ chứng kiến mức độ nghiêm trọng nhất của Omicron".
Moderna cho biết liệu trình hai liều vắc xin của họ tạo ra kháng thể trung hòa thấp chống lại Omicron, nhưng liều tăng cường 50 microgram làm tăng kháng thể chống lại biến thể này gấp 37 lần. Trong khi liều tăng cường 100 microgram của cùng loại vắc xin này thậm chí làm tăng mức độ kháng thể còn cao hơn, gấp 80 lần.
Dữ liệu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng, đã xét nghiệm máu từ những người đã tiêm vắc xin Moderna chống lại pseudovirus (vi rút giả) được thiết kế giống với biến thể Omicron. Nó tương tự với dữ liệu được thảo luận lần trước bởi chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ - Anthony Fauci.
Tiến sĩ Paul Burton cho biết sẽ tùy thuộc vào các chính phủ và cơ quan quản lý để đánh giá xem họ có muốn mức độ bảo vệ nâng cao mà liều vắc xin 100 microgram mang lại hay không.
Moderna nói rằng liều 100 microgram nói chung là an toàn và được dung nạp tốt, mặc dù có xu hướng phản ứng có hại thường xuyên hơn một chút.
Các nhà quản lý Mỹ đã cho phép tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường 50 microgram của Moderna vào tháng 10.2021. Trong khi hai mũi vắc xin ban đầu của Moderna đều có liều lượng là 100 microgam.
Ủy ban châu Âu phê duyệt vắc xin COVID-19 của Novavax
Hôm 20.12, Ủy ban châu Âu đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp Nuvaxovid, vắc xin COVID-19 của Novavax (Mỹ), ở Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho biết: “Với 5 loại vắc xin đã được phê duyệt, EU có một danh mục đầu tư đa dạng, dựa trên cả công nghệ mới, chẳng hạn mRNA, và những công nghệ cổ điển như Novavax, dựa trên protein”.
Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) khuyến nghị phê duyệt vắc xin này.
"Sau khi đánh giá kỹ lưỡng, Ủy ban dược phẩm cho con người của EMA nhất trí rằng dữ liệu về vắc xin này mạnh và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của EU về hiệu quả, an toàn và chất lượng", EMA thông báo.
Đây là vắc xin COVID-19 thứ 5 được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại châu Âu sau Moderna, Pfizer-BioNTech, AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng tại Anh, Mỹ và Mexico liên quan đến hơn 45.000 người, vắc xin Novavax có hiệu quả 89 - 90% ngừa bệnh COVID-19. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ liên quan đến vi rút SARS-CoV-2 gốc và một số biến thể đáng lo ngại như Alpha và Beta. Do đó, hiện vẫn còn thiếu dữ liệu để đánh giá hiệu quả của Nuvaxovid với Omicron.
Nuvaxovid là vắc xin công nghệ protein tái tổ hợp, khác với vắc xin mRNA của Moderna và Pfizer-BioNTech hay vector vi rút của AstraZeneca và Johnson & Johnson.
EU đã ký hợp đồng mua 200 triệu liều vắc xin COVID-19 của Novavax. Dự kiến lô vắc xin đầu tiên của công ty công nghệ sinh học Mỹ sẽ đến EU vào đầu năm 2022.
Trước đó, WHO cũng phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 của Novavax do Viện Huyết thanh Ấn Độ phối hợp sản xuất. Đây là vắc xin COVID-19 thứ 9 được WHO phê duyệt sau Pfizer - BioNTech, Moderna (cùng công nghệ mRNA); AstraZeneca, Covishield (phiên bản AstraZeneca sản xuất ở Ấn Độ), Johnson & Johnson (cùng công nghệ vector vi rút); Bharat Biotech, Sinovac Biotech và Sinopharm (cùng công nghệ bất hoạt).