NASA sắp phóng kính viễn vọng James Webb trị giá 10 tỉ USD
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:45, 21/12/2021
Sứ mệnh James Webb là dự án hợp tác giữa Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA). James Webb sẽ được phóng lên bằng tên lửa Ariane 5 ECA từ trung tâm không gian Guiana thuộc Pháp trên bờ biển đông bắc Nam Mỹ.
Kính viễn vọng 7 tấn trị giá 10 tỉ USD này được phát triển để thay thế kính viễn vọng Hubble, công cụ mang tính biểu tượng của NASA và ESA trong hơn ba thập kỷ hoạt động trên quỹ đạo. Với khả năng cảm ứng nhiệt, James Webb có thể nhìn thấy những thứ mà Hubble không thể nhìn thấy.
Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết, James Webb được trang bị 4 công cụ khoa học, bao gồm máy ảnh cận hồng ngoại NIRCam, máy quang phổ cận hồng ngoại NIRSpec, máy ảnh hồng ngoại tầm trung MIRI và máy đo quang phổ FGS/NIRISS. Gương chính của kính thiên văn có đường kính lên tới 6,5 m, lớn hơn gấp 2,7 lần so với Hubble.
Với độ nhạy cải thiện gấp 100 lần và khả năng quan sát vũ trụ ở bước sóng dài hơn ánh sáng khả kiến, kính thiên văn hồng ngoại thế hệ mới này có thể “nhìn xuyên quá khứ” để thu thập thông tin về tất cả các giai đoạn lịch sử của vũ trụ. Một khía cạnh khiến các nhà khoa học rất hào hứng là ý tưởng rằng họ có thể nhìn thấy vũ trụ trông như thế nào sau vụ nổ Big Bang cách đây khoảng 13,8 tỉ năm.
James Webb dự kiến sẽ mất 1 tháng để đến đích, sau đó phải mất 5 tháng nữa để có được tất cả các thiết bị liên quan. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, kính viễn vọng này sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 6. Nó sẽ là đài quan sát thiên văn lớn nhất và mạnh nhất từng rời khỏi hành tinh, kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới trong công cuộc khám phá không gian.
“Thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể tìm thấy một hành tinh giống Trái đất ngoài hệ Mặt trời hay hiểu biết thêm về sự hình thành của các thiên hà đầu tiên”, tiến sĩ Knicole Colón tại Trung tâm bay Không gian Goddard của NASA, một thành viên cấp cao trong dự án, nói với Newsweek.