Hà Nội: Các ca bệnh nặng gia tăng, y tế phường quá tải, F0 tự tìm thuốc

Sự kiện - Ngày đăng : 17:01, 21/12/2021

Trong những ngày gần đây, Hà Nội luôn có số ca vượt quá 1.500 bệnh nhân, số lượng F0 tăng nhanh, đặc biệt là các ca cộng đồng khiến lực lượng y bác sĩ bị quá tải.

Theo thông tin, hiện nay, Hà Nội đang điều trị hơn 10.000 ca F0 tại khắp các quận, huyện, trong đó có hơn 3.500 người đang cách ly, điều trị tại trạm y tế lưu động và tại nhà. Các ca F0 tăng nhanh khiến lực lượng y bác sĩ vốn mỏng giờ lại càng thêm áp lực.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, TS Nguyễn Văn Thường cho biết hiện nay bệnh viện chỉ tiếp nhận các ca F0 đang điều trị ở khu tầng 3 (tầng nặng nhất), và việc các ca F0 buộc phải tự điều trị tại nhà khi lực lượng y tế tuyến phường cũng quá tải là điều tất nhiên. "Thực ra, nếu các F0 thể nhẹ có thể tự điều trị tại nhà vì có một lực lượng y bác sĩ đã tư vấn sẵn sàng trên online cũng giúp giảm tải việc điều trị, cho người dân đỡ hoang mang. Bên cạnh đấy, cách đây 1 tháng các lực lượng y tế cũng đã được tập huấn một cách kỹ càng về việc truy vết, tiêm chủng, xét nghiệm, nay thêm chức năng mới là quản lý, điều trị F0 tại nhà, tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp F0 nên cũng đã thuần thục hơn, giảm tải áp lực cho ngành một cách tốt nhất" - ông Thường thông tin.

Ghi nhận tại các bệnh viện ở Hà Nội, hiện nay, tình trạng quá tải tại các cơ sở điều trị COVID-19 đang xảy ra khi phải chịu áp lực lớn do các ca COVID-19 tăng nhanh. Khoảng 80% tổng số bệnh nhân ở thể nhẹ và không triệu chứng được điều trị tại nhà và trạm y tế lưu động cũng tạo áp lực lớn cho tuyến y tế cơ sở.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà - Trưởng trạm y tế phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho biết, hiện nay các ca F0 trên địa bàn tăng nhanh, khiến việc truy vết và xét nghiệm của các y tá cũng trở nên khó khăn hơn, thời gian làm việc tăng nhanh khiến nhiều người bị áp lực, mệt mỏi. Theo bác sĩ Hà: "Nhiều người dân gọi điện đến phường và mắng các y bác sĩ vì dù đã báo là F0 nhưng lực lượng y tế mỏng, không ngay lập tức đến hoặc hướng dẫn người dân cụ thể được. Còn người dân thì lúng túng trong quá trình bị nhiễm bệnh, không biết cách ly như thế nào, thuốc điều trị ra sao, khiến người xung quanh cũng dễ dàng lây nhiễm chéo. Thậm chí nhiều người còn tự tìm mua thuốc trên mạng theo kiểu truyền miệng khiến bệnh lại càng nặng thêm".

bv-bn-nang-3169.jpg
Nhiều bệnh nhân nặng gia tăng khiến lực lượng y tế quá tải

Hà Nội hiện nay cũng đã chuẩn bị tinh thần, không chủ quan trong những dịp lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch làm dịch lây lan rộng trên địa bàn. Khi các ca F0 tăng nhanh, lực lượng y tế phường bị quá tải thì việc người dân bị nhiễm COVID-19 tự điều trị tại nhà cũng sẽ giúp lực lượng y bác sĩ giảm tải, tuy nhiên các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc dùng hoặc trữ thuốc không theo chỉ định. 

 Ngoài ra, trước thực tế nhiều người chia sẻ với nhau những loại thuốc điều trị COVID-19 mua trên mạng với cái mác “hàng xách tay”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua và dùng thuốc theo cách truyền miệng, vì mỗi thể trạng con người là một cách điều trị khác nhau. 

Theo hướng dẫn tạm thời Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, hiện có 7 nhóm thuốc: thuốc hạ sốt, giảm đau; thuốc cân bằng điện giải; thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng; thuốc sát khuẩn hầu họng; thuốc kháng vi rút, thuốc chống viêm corticosteroid, thuốc chống đông máu.

Phó cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để ứng phó linh hoạt trong điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đang tiếp tục xem xét, phê duyệt các thuốc và phác đồ điều trị nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời đảm bảo việc cung ứng đủ thuốc chất lượng, an toàn, hiệu quả phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị 63 Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên thị trường. Chú trọng việc lấy mẫu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc kháng vi rút trong điều trị COVID-19 bao gồm các thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir,... sử dụng trong các chương trình nghiên cứu, thử thuốc trên lâm sàng trong điều trị COVID-19 theo các phác đồ của Bộ Y tế phê duyệt.

Nhiều chuyên gia nhận định, diễn biến dịch tại Hà Nội hiện nay đang khá giống với TP.HCM dịp tháng 7 vừa qua, tức là đang ở giai đoạn nguy cơ xảy ra thảm họa với số ca tử vong ở mức cao nếu tất cả các bệnh viện đều không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân COVID-19.

Và không để hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải, TP Hà Nội cần tháo gỡ những bất cập hiện nay, đó là vẫn còn nghịch lý khi F1 đi cách ly tập trung trong khi F0 được theo dõi tại nhà, nhất là khi trung bình cứ 100 F1, thì chỉ có 7 - 10 người thành F0. Nhân viên y tế tại tuyến huyện và xã tại các vùng dịch đang quá tải công việc, nhân lực mỏng nhưng số F0, F1 ngày càng tăng… Thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19 đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo hơn nữa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt khi màn thử thách tiếp theo là biến chủng mới Omicron đang rình rập và có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta.

Dạ Thảo - Ảnh: Bộ Y tế