Cần đi thẳng vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:49, 23/12/2021

TS Đặng Kim Sơn cho rằng thị trường Trung Quốc đang thay đổi, chúng ta cần đi thẳng vào thị trường này bằng đường hàng không, đường biển.

Tại tọa đàm “Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, chinh phục thị trường nông sản thế giới 2022” do báo Dân Việt tổ chức, các chuyên gia đã đề cập đến việc hàng nghìn xe nông sản của Việt Nam ùn ứ tại cửa khẩu biên giới với Trung Quốc.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 21.12, có khoảng 6.200 xe chở hàng hóa đang nằm chờ thông quan tại các cửa khẩu, tương đương 12.000 người (gồm lái chính và lái phụ) đang tập trung tại các khu vực cửa khẩu.

Nguyên nhân việc ùn tắc hàng nông sản tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh là do phía Trung Quốc nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong khi đó, việc tập trung đông người cùng lúc tại cửa khẩu khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tăng cao nên việc thông quan rất “nhỏ giọt”.

Các chuyên gia nhìn nhận đây là lần ùn tắc hàng hóa lớn nhất trong nhiều năm qua, một "sự kiện để cảnh tỉnh" với chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam.

nong-san.jpeg
Nông sản Việt ùn ứ tại cửa khẩu ở mức độ kỷ lục

Ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp, cho rằng năm nay là năm ùn ứ nông sản nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Theo ông Thủy, chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề sự thật, đâu là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn ứ nông sản. Nếu không nhận dạng được rõ vấn đề này, tình trạng ùn ứ nông sản còn sẽ diễn ra.

TS Đặng Kim Sơn - chuyên gia nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, với vấn đề ùn tắc nông sản nghiêm trọng tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh, trước đây thường chỉ ùn tắc với thanh long, dưa hấu, giờ thì tất cả các mặt hàng đều không qua được biên giới.

“Thị trường Trung Quốc đã thực sự thay đổi, họ không chỉ đưa ra lý do chống dịch COVID-19 mà đã cấm nhập khẩu tiểu ngạch. Đã đến lúc chúng ta cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc, bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua trung gian, đường bộ như thế này nữa”, TS Đặng Kim Sơn nêu.

TS Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng từ vấn đề ùn ứ tại cửa khẩu lần này, Việt Nam phải điều chỉnh lại quan hệ với Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều về chính sách tiêu thụ nông sản, không chỉ xuất khẩu tiểu ngạch, mà còn xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua đường biển… “Chúng ta cần nhận diện rõ vấn đề này và thay đổi, nếu không thay đổi tình trạng nông sản ùn ứ sẽ còn tiếp diễn”, ông Tiến nói.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bagico chia sẻ: “Với kinh nghiệm từng giao thương với các thương lái Trung Quốc, tôi cho rằng Trung Quốc họ cũng không hề thích việc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch như hiện nay. Họ mong muốn cách làm chuyên nghiệp hơn từ phía chúng ta nên không thể đổ lỗi hoàn toàn phía nước bạn. Còn nếu để tránh việc ùn ứ thì tại sao UBND tỉnh Lạng Sơn không chặn xe ngay từ đầu tỉnh, không cho lên cửa khẩu. Hoặc có thông báo sớm từ đầu để các lái xe, chủ hàng nắm được thông tin, không đưa hàng lên nữa”.

“Tôi đưa ra vài ví dụ nhỏ để thấy, việc chúng ta gặp khó trong tiêu thụ nông sản là do lỗi từ nhiều phía, nhiều bên, và chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc để tháo gỡ và thay đổi triệt để”, bà Thực nói.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết Trung Quốc là thị trường quen thuộc với người Việt Nam, cả hiện tại và lâu dài. Hằng năm vào thời điểm này đều xảy ra tình trạng ùn ứ tại biên giới, nhưng năm nay nặng nề nhất và chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc là một trong những lý do.

Theo ông Thịnh, Bộ Công Thương và cơ quan chức năng cần thông báo tình hình ùn tắc biên giới để các địa phương không tiếp tục vận chuyển hàng lên biên giới; tăng cường biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời cơ quan chức năng của Việt Nam phải làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa, không để tình trạng đóng cửa khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu nông sản.

“Với tiến độ thông quan rất ít ỏi thì với số lượng hàng nghìn xe đang ùn ứ thì các chủ hàng cũng cần xem xét cho hàng hóa, đặc biệt là loại nông sản nhanh hỏng, quay về tiêu thụ nội địa, nếu không sẽ lỗ nặng”, ông Thịnh nêu.

Về lâu dài, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần đẩy mạnh việc xuất khẩu sang Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch chứ không đi tiểu ngạch. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất của Việt Nam cũng cần phải xem xét lại để đảm bảo chất lượng quốc tế để hàng hóa có thể đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.

Song song đó, ông Thịnh cho rằng cần hình thành chuỗi sản xuất giữa người nông dân, doanh nghiệp, các chuỗi bán lẻ, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Các doanh nghiệp của Việt Nam cần tận dụng những hiệp định thương mại tự do đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc cũng đang ngày càng khó tính hơn, nếu chúng ta không thay đổi sẽ rất khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa”, ông Thịnh nói.

Lam Thanh