'Tiêm 3 mũi vắc xin AstraZeneca có tác dụng chống lại Omicron, tạo kháng thể cao hơn người miễn dịch tự nhiên'
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 17:10, 23/12/2021
Chưa được công bố trên một tạp chí y khoa được đánh giá ngang hàng, các phát hiện này phù hợp với nghiên cứu của Pfizer-BioNTech và Moderna cho thấy liều thứ ba vắc xin của họ có tác dụng chống lại Omicron.
Theo nghiên cứu mới về vắc xin của AstraZeneca (có tên gọi Vaxzevria), mức độ kháng thể trung hòa chống lại Omicron sau khi tiêm liều vắc xin thứ ba gần như tương tự với mức chống biến thể Delta sau hai liều.
AstraZeneca cho biết các nhà khoa học tại Đại học Oxford thực hiện nghiên cứu độc lập với những người phát triển vắc xin COVID-19 cùng họ.
"Khi hiểu rõ hơn về Omicron, chúng tôi tin sẽ thấy rằng đáp ứng của tế bào T cung cấp sự bảo vệ lâu dài chống lại bệnh nghiêm trọng và các trường hợp nhập viện", theo Mene Pangalos, người đứng đầu bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) dược phẩm sinh học của AstraZeneca, đề cập đến tế bào T - một thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch.
Nhà sản xuất thuốc Anh - Thụy Điển cho biết thêm, nồng độ kháng thể chống lại Omicron sau khi tiêm mũi vắc xin AstraZeneca thứ ba cao hơn ở những người từng mắc và khỏi COVID-19 (tức có miễn dịch tự nhiên).
Nghiên cứu từ Đại học Oxford phân tích các mẫu máu của những người từng khỏi COVID-19, những ai được tiêm hai liều Vaxzevria rồi nhận mũi thứ ba, và những người từng nhiễm các biến thể đáng lo ngại khác. Trong số này có mẫu máu từ 41 người được tiêm ba liều Vaxzevria.
Dù dữ liệu ban đầu là khả quan nhưng hôm 22.12, AstraZeneca cho biết đang làm việc với Đại học Oxford để sản xuất loại vắc xin đặc trị Omicron, tham gia nỗ lực tương tự từ ba công ty Mỹ gồm Pfizer-BioNTech, Moderna và Novavax.
Một số nước đang vội vã triển khai mũi vắc xin tăng cường chống lại Omicron vì biến thể này đang dần vượt Delta, đồng thời buộc phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế trước kỳ nghỉ lễ để ngăn ngừa bùng phát dịch.
Đầu tháng này, Anh đã triển khai tiêm mũi vắc xin thứ ba sau khi phát hiện ra nó khôi phục đáng kể khả năng bảo vệ chống lại Omicron - vốn bị suy giảm ở người chỉ tiêm hai liều.
Dữ liệu được công bố hôm 10.12 cho thấy hiệu quả của hai liều vắc xin chống lại nhiễm Omicron có triệu chứng giảm đáng kể, nhưng mũi thứ ba sẽ tăng khả năng bảo vệ lên hơn 70%.
Trong một phân tích trên 581 người, hai liều vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech cung cấp mức độ bảo vệ chống lại nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng thấp hơn nhiều so với Delta. Song sau khi tiêm mũi vắc xin Pfizer tăng cường, khoảng 70% người ban đầu nhận hai liều AstraZeneca có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm Omicron có triệu chứng và khoảng 75% với những người nhận hai liều Pfizer trước đó. Kết quả này so với khả năng bảo vệ ước tính chống lại sự lây nhiễm Delta là khoảng 90% sau khi nhận mũi vắc xin Pfizer tăng cường.
Ba nghiên cứu quốc tế khác cho thấy Omicron đã làm giảm 20 đến 40 lần kháng thể trung hòa so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Ngày 20.12 vừa qua, Moderna cho biết rằng liều vắc xin COVID-19 tăng cường của họ dường như có khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron trong thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.
Công ty công nghệ sinh học Mỹ quyết định tập trung vào vắc xin COVID-19 hiện tại (mRNA-1273) một phần do biến thể Omicron được phát hiện gần đây đang lan truyền cực nhanh. Moderna vẫn có kế hoạch phát triển một loại vắc xin COVID-19 đặc trị Omicron. Loại vắc xin này có thể được đưa vào thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm 2022.
Tiến sĩ Paul Burton, Giám đốc Y tế của Moderna, cho biết: “Những gì chúng tôi có hiện tại là mRNA-1273. Nó có hiệu quả cao và cực kỳ an toàn. Tôi nghĩ nó sẽ bảo vệ người dân trong kỳ nghỉ lễ sắp tới và những tháng mùa đông này, khi chúng ta sẽ chứng kiến mức độ nghiêm trọng nhất của Omicron".
Moderna cho biết liệu trình hai liều vắc xin của họ tạo ra kháng thể trung hòa thấp chống lại Omicron, nhưng liều tăng cường 50 microgram làm tăng kháng thể chống lại biến thể này gấp 37 lần. Trong khi liều tăng cường 100 microgram của cùng loại vắc xin này thậm chí làm tăng mức độ kháng thể còn cao hơn, gấp 80 lần.
Dữ liệu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng, đã xét nghiệm máu từ những người đã tiêm vắc xin Moderna chống lại pseudovirus (vi rút giả) được thiết kế giống với biến thể Omicron. Nó tương tự với dữ liệu được thảo luận lần trước bởi chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ - Anthony Fauci.
Tiến sĩ Paul Burton cho biết sẽ tùy thuộc vào các chính phủ và cơ quan quản lý để đánh giá xem họ có muốn mức độ bảo vệ nâng cao mà liều vắc xin 100 microgram mang lại hay không.
Moderna nói rằng liều 100 microgram nói chung là an toàn và được dung nạp tốt, mặc dù có xu hướng phản ứng có hại thường xuyên hơn một chút.
Các nhà quản lý Mỹ đã cho phép tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường 50 microgram của Moderna vào tháng 10.2021. Trong khi hai mũi vắc xin ban đầu của Moderna đều có liều lượng là 100 microgam.
Hôm 8.12, Pfizer-BioNTech cho biết ba mũi vắc xin COVID-19 của họ có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron trong một thử nghiệm ở phòng thí nghiệm. BioNTech và Pfizer nói rằng mũi vắc xin thứ ba của họ làm tăng lượng kháng thể trung hòa lên 25 lần.
Trong thử nghiệm, máu thu được từ những người tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ ba cách đây 1 tháng đã vô hiệu hóa biến thể Omicron, với hiệu quả tương đương máu thu từ người nhận hai liều vắc xin này chống lại chủng SARS-CoV-2 ban đầu.
Theo nghiên cứu ở Đan Mạch công bố hôm 22.12, tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna thứ ba giúp tăng khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron.
Chưa được đánh giá ngang hàng, nghiên cứu này điều tra hiệu quả của vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA chống lại biến thể Delta và Omicron.
"Nghiên cứu của chúng tôi góp phần tạo ra bằng chứng mới cho thấy khả năng bảo vệ của hai liều vắc xin BNT162b2 (Pfizer-BioNTech) hoặc mRNA-1273 (Moderna) chống lại Omicron giảm nhanh chóng theo thời gian, nhưng việc tiêm mũi tăng cường giúp tăng hiệu quả đáng kể", các tác giả viết trong nghiên cứu.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại cơ quan quản lý bệnh truyền nhiễm hàng đầu Đan Mạch là Statens Serum Institut (SSI). Họ phân tích dữ liệu từ 3 triệu người Đan Mạch thu thập từ ngày 20.11 đến ngày 12.12.
Trong số những người gần đây đã tiêm liều vắc xin thứ hai, hiệu quả chống lại Omicron được đo là 55,2% ở Pfizer-BioNTech và 36,7% của Moderna, so với những người chưa tiêm phòng COVID-19. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết sự bảo vệ đó nhanh chóng suy giảm trong suốt 5 tháng.
Palle Valentiner-Branth, tác giả nghiên cứu, nói: “Chúng tôi thấy rằng khả năng bảo vệ trước Omicron thấp hơn và giảm nhanh hơn so với biến thể Delta sau hai lần tiêm vắc xin chính”.
Tuy nhiên, mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ ba đã khôi phục khả năng bảo vệ lên 54,6% ở những người từ 60 tuổi trở lên trong vòng từ 14 đến 44 ngày sau khi tiêm, so với những người chỉ được tiêm hai liều.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Trước sự gia tăng theo cấp số nhân của các ca nhiễm Omicron, những phát hiện này cho thấy sự cần thiết phải triển khai rộng rãi các loại vắc xin và tiêm mũi tăng cường”.