TP.HCM: Đề xuất các bước tiếp theo cho học sinh sau 2 tuần thí điểm học trực tiếp
Sự kiện - Ngày đăng : 19:58, 23/12/2021
Chiều 23.12, tại buổi họp báo về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở Y tế cùng các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp, sơ kết 2 tuần thí điểm cho học sinh khối lớp 9 và 12 học trực tiếp trở lại. Qua đó, tham mưu, đề xuất các bước tiếp theo cần làm để duy trì môi trường học tập tốt nhất có thể tại TP.HCM cho trẻ em.
Phát biểu tại buổi họp báo, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu mong muốn làm sao cho học sinh được đến trường sớm nhất. Theo ông Hiếu, việc học trực tuyến trong thời gian dài khiến tâm lý nhiều học sinh bị ức chế. Qua khảo sát của các trường cho thấy một số biểu hiện đáng lo ngại ở các em chưa được tới trường: nhiều em thụ động, thậm chí có em có ý tưởng không muốn đến trường nữa, có em nghiền chơi game, ôm máy tính tối ngày... Đây là những biểu hiện đáng lo ngại cho việc phát triển toàn diện các em học sinh. Bởi, ngoài việc học kiến thức, các em còn có nhu cầu giao tiếp và các hoạt động giúp hình thành nhân cách mà việc học trực tuyến vốn không làm được điều đó.
Qua thí điểm cho học sinh khối lớp 9 và 12 học trực tiếp trở lại, có một số F0 ghi nhận ở trường và đều được xử lý theo quy trình, không để lây lan. Cách làm này giúp phụ huynh và học sinh yên tâm. Số lượng học sinh đến trường tăng dần, từ 80% vào ngày đầu và những ngày qua đã đạt 96%.
Hết tuần này, Sở GD-ĐT sẽ trao đổi với Sở Y tế để tham mưu cho UBND TP.HCM về việc mở rộng dần cho học sinh đi học lại, làm sao cho học sinh được đến trường sớm nhất, đảm bảo sự phát triển toàn diện của các em.
Theo đánh giá của ông Dương Anh Đức vào ngày 21.12, sau hơn 1 tuần thành phố triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12, đa phần phụ huynh đã yên tâm hơn trước và số lượng học sinh đi học cũng đã tăng rất nhiều so với thời điểm ban đầu.
Cũng theo ông Đức, quan điểm của thành phố là luôn cố gắng tạo môi trường học tập tốt nhất cho các em trong điều kiện đang thực hiện chủ trương thích ứng, linh hoạt, an toàn. Tất cả học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp có nhu cầu học tập để đảm bảo tiếp thu kiến thức tốt, chuẩn bị cho những bước tiếp theo trong cuộc đời.
Do đó, TP.HCM muốn tạo ra thời gian 2 tuần để thử nghiệm, xem xét, đánh giá các phương án triển khai lớp học an toàn. Đồng thời, đánh giá sự phối hợp giữa phụ huynh, học sinh, nhà trường để đảm bảo có những bài học kinh nghiệm tốt, qua đó có thể triển khai mở rộng dần dần, trở lại gần như bình thường so với trước đây.
"Để làm được việc này, chúng tôi yêu cầu các trường khi triển khai lớp học trước tiên là quan tâm đến sự an toàn của các em và có đánh giá khi gặp những sự kiện xảy ra trong trường, đưa ra cách xử lý. Nếu thấy những kế hoạch, quy trình chưa ổn thì phải điều chỉnh ngay. Thông qua đó, sẽ có sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường để tổ chức nhuần nhuyễn: tổ chức môi trường học tập tốt, thứ hai là an toàn, thứ ba là cố gắng làm sao việc dạy học trực tiếp được diễn ra liên tục", ông Đức bày tỏ.
Theo ông Đức "Việc học tập, khâu kiến thức, việc các cháu được gặp nhau trực tiếp để có thể chia sẻ, giao lưu và có những kinh nghiệm trong cuộc sống là điều hết sức quan trọng. Do đó, thành phố sẽ nỗ lực hết sức mình để chúng ta có thể tạo ra môi trường học tập và giúp cho con em chúng ta có tương lai xán lạn hơn".
Hiện nay, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Chính phủ đã giao các địa phương có sự chủ động, cân nhắc có biện pháp phòng chống dịch phù hợp nếu thấy cần thiết, theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM đã triển khai thế trận y tế ứng phó với biến thể mới.
Ông Đức cũng yêu cầu các sở, ban, ngành cùng các quận, huyện và TP.Thủ Đức cần nghiên cứu cân nhắc kỹ, bám sát diễn biến thực tế để xem xét có góp ý, điều chỉnh bổ sung các tiêu chí, điều kiện liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
Nhằm bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ, ông Dương Anh Đức đề nghị các địa phương, đơn vị không buông lơi mà tiếp tục phát huy những kết quả ban đầu tích cực trong 2 tuần qua, thực hiện thành công chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
Chú trọng các vấn đề liên quan tới vắc xin, thuốc, chăm sóc F0 và chăm lo an sinh cho các trường hợp khó khăn. Đặc biệt, phải tiếp tục thu thập, ghi nhận và phân tích dữ liệu một cách ngày càng quy củ, chuẩn hóa hơn, phục vụ bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và công tác phòng chống dịch nói chung.
Ông Dương Anh Đức cũng nhấn mạnh việc đảm bảo không gián đoạn nguồn oxy trong điều trị COVID-19. Đồng thời, đề nghị ngành y tế tiếp tục phát huy mạng lưới thầy thuốc đồng hành để hỗ trợ theo dõi, tư vấn sức khỏe từ xa.