Khẩu trang y tế gây ô nhiễm đại dương

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:33, 25/12/2021

Khẩu trang y tế bị vứt bỏ rồi trôi biển có thể giải phóng vi nhựa khi chúng phân hủy, gây ô nhiễm.

Tiến sĩ He Yuhe tại Phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước về ô nhiễm biển thuộc Đại học Hồng Kông đã phát hiện ra điều này sau khi chứng kiến rất nhiều khẩu trang y tế bị du khách vứt bỏ lại ở các bãi biển.

“Đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn và theo lẽ tự nhiên mọi người sẽ đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe rồi vứt bỏ chúng đi khi không cần nữa. Chúng tôi thực sự kêu gọi mọi người nên cẩn thận trong việc vứt bỏ khẩu trang đã dùng để tránh bị gió hoặc mưa cuốn ra biển”, ông He Yuhe chia sẻ.

Khẩu trang y tế đã trở thành một vật dụng thiết yếu để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, với ước tính khoảng 129 tỉ lượt người đã sử dụng chúng mỗi tháng trên toàn thế giới trong năm 2020.

Vì khẩu trang y tế được làm từ sợi nhựa dệt nên chúng sẽ phải mất từ 100 - 1.000 năm để phân hủy hoàn toàn.

1592363187000_ace1e559e5a6c1be8f399cd4deab76ab.jpeg
Khẩu trang  y tế thành rác thải dưới biển - Ảnh: Internet

Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ định nghĩa vi nhựa là những hạt nhựa nhân tạo, có kích thước nhỏ khoảng hơn 1mm. Các hạt nhựa được tạo ra từ các nhựa hóa dầu polystyrene, polypropylene hoặc polyetylen.

Khi ở dưới biển, các dòng hải lưu và tia cực tím từ mặt trời sẽ phá vỡ khẩu trang y tế thành các mảnh hoặc sợi nhỏ. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông He Yuhe đã phát hiện ra rằng một chiếc khẩu trang y tế nặng từ 3 - 4 gam có thể phân hủy hoàn toàn thành 880.000 - 1,17 triệu hạt vi nhựa sau 9 ngày, trong khi những chiếc đã bị hư hỏng có thể phân hủy nhanh hơn.

Ông He Yuha nói rằng con số này có thể là một con số thấp vì chúng không phân hủy dưới ánh sáng mặt trời.

Một báo cáo của OceanAsia có trụ sở tại Hồng Kông năm ngoái ước tính rằng khoảng 1,56 tỉ chiếc khẩu trang y tế sẽ trôi ra biển vào năm 2020. Ông He Yuhe cho rằng điều này có thể dẫn đến việc giải phóng 1,370 nghìn tỉ hạt vi nhựa.

Với nồng độ 10 hạt vi nhựa/ml nước, một giáo sư thuộc Đại học TP.Hồng Kông cho biết tổng lượng nước này sẽ gây ô nhiễm một lượng nước biển tương đương với 54.800 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.

Những hạt vi nhựa nhỏ bé này có thể bị các loài giáp xác cực nhỏ gọi là giáp xác chân chèo (copepods), được tìm thấy ở hầu hết các môi trường sống nước mặn và nước ngọt, ăn phải. Chúng lại là nguồn thức ăn cho các loài động vật lớn hơn như cá và thậm chí cả cá voi.

Vị giáo sư đã thử nghiệm tác động trên một loài giáp xác mang tên Tigriopus japonicus và nhận thấy khả năng sinh sản của chúng đã giảm 22%, trong khi lượng dinh dưỡng và tốc độ tăng trưởng của chúng cũng chậm lại.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ lo lắng điều này có thể tạo ra hiệu ứng domino đối với các hệ sinh thái biển, đặc biệt là khi khẩu trang y tế không phải là nguồn gây ô nhiễm vi nhựa duy nhất trong đại dương.

Vi nhựa từ các chất thải khác, có thể bao gồm cả chai nước uống, mỹ phẩm, quần áo và lưới đánh cá, vốn đã cực kỳ khó loại bỏ khỏi môi trường.

Nếu những loài giáp xác chân chèo no do ăn vi nhựa, chúng sẽ ăn ít tảo hơn, dẫn đến thủy triều đỏ, các loài thực vật thủy sinh nở hoa lớn làm thiếu oxy trong nước và giết chết các động vật khác.

Vị giáo sư cảnh báo việc giảm số lượng giáp xác chân chèo vì sinh sản chậm cũng có thể làm giảm nguồn thức ăn cho các loài khác.

anh-chup-man-hinh-2021-12-25-luc-09.27.46.png
Giáo sư Keneth Leung Mei-yee - Ảnh: SCMP

Giáo sư Keneth Leung Mei-yee cũng tham gia nghiên cứu cho biết: “Do khẩu trang là một công cụ phòng chống dịch bệnh nên không thể không dùng, điều chúng ta thực sự cần làm là hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn việc xả khẩu trang ra môi trường".

Đan Thuỳ