Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tăng cao so với năm 2020
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 09:30, 26/12/2021
Theo NCIF, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn có sự giảm sút. Tính đến cuối tháng 11.2021, số doanh nghiệp thành lập mới là 105.618 doanh nghiệp, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020. Số vốn đăng ký thành lập mới đạt 1.454.231 tỉ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ.
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 13,8 tỉ đồng, giảm 8,9%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 784.224 lao động, giảm 19,2%.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 40.530 doanh nghiệp, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, dưới tác động của dịch bệnh, đã có 106.441 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020.
NCIF cho rằng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với việc gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, dòng tiền và khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào của ngành như bông, xơ, sợi, vải tiếp tục xu thế tăng; chi phí logistics vẫn tăng cao.
Do tính chất mùa vụ, nhiều doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng trong quý đầu năm 2022 để duy trì hoạt động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp dệt may - da giày, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam, tiếp tục bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng và thiếu lao động (lao động về quê tránh dịch).
Đối với doanh nghiệp ngành nhóm nông, lâm, thủy sản, trong tháng 12.2021, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất khá nhanh; riêng tháng 11.2021, xuất khẩu đã đạt hơn 4,1 tỉ USD.
Tính đến hết 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 43,48 tỉ USD; trong đó dự báo năm 2021 xuất khẩu sẽ đạt khoảng trên 47 tỉ USD, vượt kế hoạch 5 tỉ USD...
Mặc dù doanh nghiệp nhóm ngành này gặp những khó khăn như giá cả vật tư, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, chi phí logistics cũng tăng lên…; song các doanh nghiệp cũng chủ động thực hiện các biện pháp giảm áp lực tăng chi phí như tăng sử dụng phân bón hữu cơ, có quy trình chăn nuôi, canh tác trồng trọt hợp lý khi sử dụng vật tư đầu vào…
Với doanh nghiệp ngành dệt may - da giày, trong tháng 12.2021, các doanh nghiệp tiếp tục hồi phục sản xuất. NCIF đánh giá các doanh nghiệp dệt may - da giày trong bối cảnh khó khăn đã có các biện pháp ứng phó tốt như dồn nỗ lực vào một số đơn hàng, ưu tiên khách hàng, đơn hàng cần được bảo vệ, tổ chức các đơn hàng ngành sợi với sản lượng tối đa do ngành sợi đang có hiệu quả, tổ chức cụm các doanh nghiệp sản xuất cùng loại mặt hàng để kịp thời chi viện cho nhau khi có mắt xích bị cách ly…
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Thông tin trên được ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra tại buổi họp báo về Hội nghị tổng kết của hiệp hội năm 2021.
Đối với doanh nghiệp ngành thép, nhờ giá thép tăng cao trong quý 2/2021, các doanh nghiệp thép trong nước đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp còn báo lãi kỷ lục. Các doanh nghiệp tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3/2021 nhờ xuất khẩu tăng trở lại, giúp bù đắp phần hụt giảm về sản lượng tiêu thụ trong nước. Một số doanh nghiệp lớn lợi nhuận vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ.
Mặc dù giá thép đang giảm song tính chung năm 2021, các doanh nghiệp ngành thép được hưởng lợi. Trong 11 tháng năm 2021, sản xuất thép xây dựng đạt 11.352.150 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2020; tiêu thụ đạt 10.883.152 tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 2.027.862 tấn, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch COVID-19 kéo dài nên nhiều công trình và công trình dân dụng bị tạm thời hoãn lại. Đặc biệt tại khu vực phía Nam dù được tái khởi động trở lại vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm 2,6%. Tuy nhiên, có các yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu thép như chính sách môi trường, điều chỉnh hoàn thuế xuất khẩu của Chính phủ Trung Quốc và biến động giá quặng, than coke và phế.
Doanh nghiệp nhóm ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, logistics tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Việc giãn cách ở các thành phố lớn khiến du lịch nội địa vốn đang hồi phục từ đầu năm bị ảnh hưởng nặng nề. Khoảng 25% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ xin rút giấy phép kinh doanh.
Tính chung 11 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 140,1 nghìn lượt người, giảm 96,3% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa bắt đầu hồi phục trở lại từ tháng 10 sau khi các biện pháp giãn cách được giảm bớt. Ước tính khách du lịch nội địa 11 tháng năm 2021 đạt 34,75 triệu lượt, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp ngành vận tải, kho bãi chịu ảnh hưởng trái chiều bởi COVID-19. Trong khi các doanh nghiệp cảng, vận tải biển được hưởng lợi do giá cước vận tải thế giới tăng cao, thì nhìn chung, nhiều doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19.
Cụ thể, tính chung 11 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 2.267,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 30,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 29,7%) và luân chuyển 90,8 tỉ lượt khách.km, giảm 38,4% (cùng kỳ năm trước giảm 35,1%).
Vận tải hàng hóa 11 tháng năm 2021 đạt 1.472 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,2%) và luân chuyển 300,7 tỉ tấn.km, giảm 1,7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,9%).