Hà Nội chỉ đạo tìm cách giảm nguy cơ tử vong ở người mắc COVID-19
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:35, 27/12/2021
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai những giải pháp giảm số ca tử vong do COVID-19. Trước hết, với những ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm COVID-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.
Người bệnh đến khám chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vắc xin COVID-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện). Các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng COVID-19.
Mỗi cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 chuyển độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.
Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.
Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu triển khai các biện pháp giảm nguy cơ tử vong người bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó bộ nhấn mạnh hiện chưa ghi nhận biến chủng Omicron tại Việt Nam, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn và cùng với các biến chủng đang lưu hành sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc COVID-19 ở người thuộc nhóm nguy cơ như người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.
Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm hạn chế tử vong là yêu cầu cấp thiết.
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29.4 đến hết ngày 17.12) là 35.643 ca. Trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 12.990 ca, số ca mắc là đối tượng được cách ly là 22.653 ca. Đặc biệt, liên tiếp trong 5 ngày qua (từ ngày 20 đến 24.12), Hà Nội ghi nhận từ 1.600 đến 1.800 ca/ngày. Riêng ngày 24.12, số ca mắc tăng mạnh, lên tới 1.834 ca/ngày.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đánh giá nguyên nhân số ca COVID-19 liên tục tăng cao là mầm bệnh đã ở trong cộng đồng, các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại sau giai đoạn giãn cách. Ngoài ra, khí hậu mùa đông - xuân cũng là điều kiện thuận lợi để vi rút phát triển, đặc biệt là tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân khi đã tiêm vắc xin.
Báo cáo của Tiểu ban điều trị COVID-19 cho biết Hà Nội hiện không chỉ nằm trong danh sách các địa phương có ca mắc mới cao, mà cả danh sách các tỉnh thành có bệnh nhân đang điều trị cao nhất, F0 nặng cao đều có Hà Nội.
Tiểu ban điều trị cho biết Hà Nội đang điều trị trên 20.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó số chuyển nặng là 332 ca, trong đó có 290 trường hợp phải thở oxy mặt nạ, gọng kính; 12 trường hợp thở oxy dòng cao HFNC; 7 trường hợp thở máy không xâm lấn, 23 trường hợp thở máy xâm lấn.
Số ca tử vong của Hà Nội cũng đang trong xu hướng tăng, cao điểm nhất là ngày 20.12 ghi nhận tới 8 ca tử vong. Tổng số ca tử vong của Hà Nội kể từ đầu dịch là 108 ca, chiếm tỷ lệ 0,3% trên số mắc. Theo thống kê, hầu hết trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong là người cao tuổi, có bệnh lý nền.