Tình bạn Nga - Trung liệu có bền chặt như vẻ ngoài?
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:57, 27/12/2021
Thực tế cho thấy mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã có những bước chuyển đáng kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt kể từ đầu năm 2021 đến nay. Đây cũng chính là lý do Tổng thống Nga Vladmir Putin không ngần ngại ca ngợi quan hệ hai nước "đang ở mức cao nhất trong lịch sử”.
Bất chấp dịch bệnh, hai nước vẫn không ngừng có các cuộc trao đổi đoàn cấp cao. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gặp gỡ hơn 30 lần kể từ năm 2013. Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn gọi Tổng thống Putin là “người bạn tốt”.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Nga và Trung Quốc trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện để Moscow tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế, còn Bắc Kinh tiếp cận được với công nghệ quân sự tiên tiến của Nga. Đối với Trung Quốc, Nga hiện cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2. Về phía Nga, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và nguồn đầu tư then chốt cho các dự án năng lượng.
Mối quan hệ đang phát triển giữa Nga và Trung Quốc chắc chắn mang lại lợi thế chung cho cả hai nước, nhưng đối với Moscow, mối quan hệ này cũng ẩn chứa những rủi ro. Phương Tây cần phải lưu ý rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Nga không bền chặt như họ tưởng.
Mặc dù hai nước láng giềng có chung đường biên giới, quan hệ đối tác của Nga và Trung Quốc không dựa trên tình bạn hay sự tin tưởng mà dựa trên sự đối kháng chung đối với Mỹ.
Nikkei nhận định Nga đang trở nên lo ngại và cảnh giác hơn khi Trung Quốc vượt xa sức mạnh kinh tế và quân sự của mình. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc gấp khoảng 10 lần của Nga.
Mặc dù Nga có năng lực hạt nhân lớn hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh ước tính gấp 3-4 lần Moscow. Nếu điều đó Nga không thay đổi, Trung Quốc sẽ có lợi thế về sức mạnh quân sự đối với Nga.
Do đó, Nga chắc đang cảm thấy khó chịu. Một chuyên gia nói với Nikkei rằng quân đội Nga không ngừng tiến hành các cuộc tập trận và bày binh bố trận để chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Trung Quốc.
Hai nước lợi dụng nhau để chống lại Mỹ. Nhưng Nga không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trên eo biển Đài Loan và dĩ nhiên Trung Quốc cũng không muốn can dự vào Ukraine. Một cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc về Đài Loan sẽ leo thang thành một cuộc chiến toàn diện, có thể lôi kéo Nga vào cuộc theo cách này hay cách khác. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Nga Putin có thể rất lo ngại về một viễn cảnh như vậy có thể xảy ra.
“Putin đã bày tỏ sự phản đối sự độc lập của Đài Loan khi xét đến Trung Quốc, nhưng ông ấy chưa bao giờ nói rằng ông ấy sẽ chấp nhận thống nhất vùng lãnh thổ này bằng vũ lực. Nga không có ý định chống lại Mỹ vì Trung Quốc trên eo biển Đài Loan. Trong trường hợp chiến tranh nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, Nga sẽ tránh xa cuộc xung đột”, Shinji Hyodo, Giám đốc bộ phận nghiên cứu chính sách tại Viện Nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản nhận định.