Lãnh đạo HCDC: "Chúng ta có thể tạm vui lòng về tình hình dịch bệnh COVID-19..."

Sự kiện - Ngày đăng : 19:00, 27/12/2021

“Chúng ta có thể tạm vui lòng về tình hình dịch COVID-19 lúc này, nhưng không quá chủ quan, lơ là...", ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nói.

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch vào chiều 27.12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, cấp độ dịch của TP vẫn là cấp độ 2. Trong đó, ở cấp quận huyện có 9/22 địa phương đạt cấp độ 1; 13/22 địa phương đạt cấp độ 2. Như vậy, không có quận huyện nào có dịch ở cấp độ 3 như tuần trước.

Đối với cấp phường, xã, thị trấn có 160/312 địa phương đạt cấp độ 1; 139/312 địa phương đạt cấp độ 2; chỉ có 13/312 địa phương địa phương có dịch cấp độ 3.

lanh-dao-hcdc-chung-ta-tam-vui-long-ve-tinh-hinh-dich-benh-covid-19-hinh-anh(1).png
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) chia sẻ tại buổi họp báo - Ảnh: PV 

Đặc biệt, số ca mắc, nhập viện và tử vong vì COVID-19 trong những ngày qua liên tục giảm. Cụ thể, ngày 22.12 số bệnh nhân nhập viện là 620 ca, số ca xuất viện lên đến 911 ca; ngày 23.12 số ca nhập viện là 606 ca, số ca xuất viện 756 ca; ngày 24.12 số ca nhập viện 502 ca, số ca xuất viện 644 ca; ngày 25.12 số ca nhập viện là 562, số ca xuất viện là 739 ca; đến ngày 26.12 số ca nhập viện chỉ còn 436 ca, xuất viện là 543 ca.

Trong khi đó số ca tử vong giảm mạnh, nếu như ngày 22.12 có 44 ca tử vong, ngày 25.12 còn 36 ca, đến ngày 26.12 chỉ còn 30 ca. Số ca mắc COVID-19 trong những ngày qua cũng liên tục giảm, ở mức dưới 1.000 ca, trong ngày 26.12 vừa qua chỉ có 544 ca.

Về số ca mắc, ca tử vong giảm liên tục trong những ngày qua tại TP.HCM, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP khẳng định đây là con số thật mà TP biết được. “Dĩ nhiên, có những trường hợp F0 tự phát hiện nhưng giấu, không khai báo thì TP sẽ không biết được”, ông Hải nói.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, phương án xét nghiệm hiện nay của TP là không thay đổi, nhưng phương án phát hiện F0 trong cộng đồng, trong doanh nghiệp… có sự thay đổi so với trước đây.

“Phương án xét nghiệm cũng như vậy, nhưng số ca F0 giảm thì chúng ta có thể khẳng định là giảm. Không chỉ số ca mắc COVID-19 giảm mà số ca nhập viện, số ca tử vong cũng đều giảm. Đây được xem là con số lạc quan”, ông Tâm chia sẻ.

Tuy nhiên ông Tâm cho rằng, dù lạc quan với những con số trên, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, phải cảnh giác. Sau khi thí điểm 2 tuần cho học sinh khối lớp 9 và 12 đi học trở lại, TP sẽ tiếp tục mở rộng thêm các khối lớp khác đến trường nên nguy cơ F0 sẽ tăng lên. Đây cũng là điều mà TP tiên lượng trước nên cũng đã có phương án để kiểm soát trong tình hình mới.

“Chúng ta có thể tạm vui lòng về tình hình dịch COVID-19 lúc này, nhưng không quá chủ quan, lơ là. Trước mắt, nhiều hoạt động bắt đầu mở ra nên người dân phải luôn tuân thủ 5K, tuân thủ những quy định phòng chống dịch để kéo dài thời gian lạc quan này”, ông Tâm nhấn mạnh.

Về việc TP.HCM sẽ hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi nhắc lại (tiêm mũi 3) vào trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ông Tâm cho biết đây chỉ là phấn đấu của ngành y tế, chứ khẳng định sẽ hoàn tất việc tiêm mũi nhắc lại vào trước tết là điều rất khó.

“Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành hoàn tất việc tiêm mũi nhắc lại vào quý 1.2022, ngành y tế TP ra chủ trương phấn đấu hết tháng 1.2022 (tức là trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022) tiêm xong mũi nhắc lại. Tuy nhiên, chúng ta biết chỉ còn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán nhưng còn nhiều vấn đề liên quan khác”, ông Tâm giãi bày.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết hiện nay nhiều F0 tự mua thuốc điều trị mà không liên hệ với cơ sở y tế, điều này là rất nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tiền mất tật mang.

Để giúp các F0 điều trị tại nhà được an toàn, hiệu quả, ngành y tế TP đã có những hướng dẫn. Trong đó có việc hướng dẫn sử dụng các gói thuốc A, B, C. Ngành y tế TP cũng đã chủ động cung cấp các gói thuốc trên cho các F0. Các F0 điều trị tại nhà hiện nay không thiếu thuốc. Các F0 tự mua thuốc thì hiện nay có sự giúp sức của hơn 1.900 nhà thuốc đồng hành.

“Những loại thuốc mà chúng ta tự mua, không phải qua kê đơn là rất nguy hiểm, đặc biệt là thuốc kháng đông, kháng viêm, tác dụng phụ của những thuốc này rất lớn. Do đó, nếu các F0 quá nóng ruột khi trạm y tế chưa cấp mà tự đi mua bên ngoài sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra gói thuốc C - thuốc kháng vi rút không được bán trên thị trường, nếu chúng ta mua những sản phẩm trôi nổi, không đảm bảo sẽ tiền mất tật mang”, bà Mai khuyến cáo.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 26.12, TP có 500.696 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 500.098 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 598 trường hợp nhập cảnh. Hiện TP đang điều trị 7.929 bệnh nhân, trong đó: có 241 trẻ em dưới 16 tuổi, 403 bệnh nhân nặng đang thở máy, 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 26.12, TP có 436 bệnh nhân nhập viện, 543 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số bệnh nhân xuất viện từ đầu năm 2021 đến nay lên 304.759 trường hợp), 30 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay lên 19.738).

Thành phố đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến ngày 26.12 được 7.987.323 mũi 1; 6.992.703 mũi 2; 133.037 mũi bổ sung và 367.724 mũi nhắc lại.

Hồ Quang