10 sự kiện KH-CN nổi bật năm 2021
Sự kiện - Ngày đăng : 17:33, 28/12/2021
Theo đó, 10 sự kiện KH-CN nổi bật năm 2021 thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm khoa học ứng dụng, hợp tác quốc tế, tôn vinh nhà khoa học… Sau đây là 10 sự kiện KH-CN nổi bật trong năm 2021.
1. Đại hội 13 của Đảng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, coi đó là một trong những đột phá chiến lược của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Đây là lần đầu tiên, văn kiện Đại hội Đảng xác định “KH-CN, đổi mới sáng tạo” là một trong các đột phá chiến lược để xây dựng và phát triển đất nước; qua đó khẳng định “KH-CN, đổi mới sáng tạo” không chỉ là động lực mà còn là trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam...
2. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6 với chủ đề “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững”
Ngày 28.10 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6 với chủ đề “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững”.
Tại hội thảo, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới, cần được nhận thức đúng đắn và giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Giới khoa học nói chung và những người nghiên cứu Việt Nam học nói riêng đứng trước đòi hỏi tiếp tục đi sâu làm rõ các giá trị, các tiềm năng và phương cách để phát huy các giá trị, khơi dậy các tiềm năng, biến thành năng lực nội sinh để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
3. Công trình KH-CN của Việt Nam đoạt giải đặc biệt Giải thưởng đổi mới sáng tạo châu Á
Giải thưởng này vinh danh nghiên cứu của TS Phạm Thị Thùy Phương (Viện Công nghệ hóa học, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) và các cộng sự vì đã tạo ra hệ nghiên cứu cảm biến sinh học cho phép xác định giá trị BOD và độc tính trong nước chính xác với hệ số biến thiên thấp, thời gian phân tích nhanh, dễ sử dụng… để xác định nhanh chất lượng nước thải.
Với chi phí đầu tư và vận hành thấp, hệ cảm biến sinh học này được kỳ vọng có thể ứng dụng trong các hệ thống quan trắc môi trường tự động và liên tục. Qua đó, đánh giá chất lượng nước trực tiếp tại nguồn hướng đến mục tiêu cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu những sự cố môi trường, góp phần bảo vệ sự sống dưới nước và trên mặt đất.
4. Mô hình thành phố thông minh của Viettel được công nhận hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới
Mô hình “Thành phố thông minh” của Viettel là giải pháp toàn diện với 14 trung tâm thành phần. Viettel có thể "may đo" theo nhu cầu, đặc điểm, thực trạng và văn hóa của từng tỉnh/thành phố giúp sử dụng nguồn lực địa phương một cách tối ưu nhất, đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự hài lòng của người dân.
5. Áo hạ nhiệt chống nóng cho nhân viên y tế phòng chống dịch COVID-19
Các nhà khoa học tại Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ KH-CN đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất mẫu áo hạ nhiệt dành cho nhân viên y tế thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 trên khắp cả nước.
Đây là mẫu áo được thiết kế để làm giảm nhiệt cục bộ trong không gian thiết bị bảo hộ y tế (PPE) mà nhân viên y tế mặc trong quá trình làm việc, lấy mẫu hoặc điều trị bệnh nhân COVID. Áo gồm 2 thành phần chính là vật liệu chuyển pha và áo gi lê.
6. Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam nhận huy chương của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Belarus
Việc trao tặng giải thưởng cho Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh thể hiện sự đánh giá cao của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Belarus đối với những thành công trong nghiên cứu khoa học của Giáo sư, Viện sĩ nói riêng và Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam nói chung.
Trên cương vị là Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh đã tích cực thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác KH-CN với nước Cộng hòa Belarus và Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Belarus.
7. Vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
Ngày 7.10, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với trái thanh long Bình Thuận sau hơn 3 năm VN nộp hồ sơ. Như vậy, sau vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ 2 của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật Bản.
Theo ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN, khi được cấp bằng bảo hộ, thì thương hiệu của nông sản được bảo vệ ở thị trường nước ngoài. Những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường. Người dùng Nhật Bản ưa chuộng và tin tưởng những sản phẩm đã được Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đứng ra bảo đảm chất lượng.
Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước khác nói chung.
Ngoài ra, những sự kiện KH-CN nổi bật khác được công bố, bao gồm: Ấn tượng Techfest 2021; Mũ cách ly di động Việt Nam được WIPO vinh danh; Công trình kè chống sạt lở bờ biển huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.