WHO: Omicron nếu gây bệnh nhẹ hơn cũng có thể gây quá tải các hệ thống y tế
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 00:00, 29/12/2021
Hôm 28.12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng biến thể Omicron có thể dẫn đến quá tải các hệ thống chăm sóc sức khỏe dù các nghiên cứu ban đầu cho thấy nó có thể gây bệnh nhẹ hơn.
“Sự phát triển nhanh chóng của Omicron... ngay cả khi kết hợp với căn bệnh nhẹ hơn một chút, vẫn sẽ dẫn đến số lượng lớn trường hợp nhập viện, đặc biệt là ở các nhóm chưa được tiêm vắc xin, gây ra gián đoạn rộng rãi cho hệ thống y tế và các dịch vụ quan trọng khác”, Catherine Smallwood, Giám đốc phụ trách về COVID-19 của WHO ở châu Âu, cảnh báo.
Để kìm hãm đợt bùng phát dịch do Omicron, các quốc gia châu Âu đã đưa ra biện pháp có thể gây ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội.
Đối mặt với tình trạng mắc COVID-19 cao kỷ lục, Pháp kêu gọi chủ lao động yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà 3 ngày một tuần nếu có thể.
Thụy Điển và Phần Lan yêu cầu xét nghiệm âm tính với những khách du lịch không cư trú từ 28.12, một ngày sau khi Đan Mạch (quốc gia hiện có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 trên đầu người cao nhất thế giới) áp dụng biện pháp tương tự.
Ngoài xung đột xã hội, đại dịch COVID-19 tác động xấu đến nền kinh tế, đặc biệt là với lĩnh vực du lịch.
Khoảng 11.500 chuyến bay đã bị hủy trên toàn thế giới kể từ 24.12 và hàng chục ngàn chuyến khác bị hoãn, vào một trong những khoảng thời gian du lịch bận rộn nhất năm. Nhiều hãng hàng không đã đổ lỗi cho tình trạng thiếu nhân sự do số ca nhiễm Omicron tăng đột biến.
Trong nỗ lực để ngăn chặn tình trạng thiếu lao động hàng loạt trong bùng dịch mới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 27.12 đã cắt giảm thời gian cách ly với các trường hợp không có triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày.
Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch và đang ghi nhận số ca COVID-19 hàng ngày khoảng 250.000 như vào tháng 1.2020.
Nam Mỹ hiện là khu vực được tiêm vắc xin COVID-19 nhiều nhất
Nam Mỹ nổi lên như người chiến thắng bất ngờ trong cuộc đua tiêm vắc xin COVID-19, bất chấp các dịch vụ y tế chắp vá và mức thu nhập thấp hơn so với châu Âu hoặc Mỹ.
Nam Mỹ hiện là khu vực được tiêm vắc xin COVID-19 nhiều nhất trên thế giới, với 63,3% dân số được tiêm chủng đầy đủ, theo dự án Our World in Data, thu thập số liệu chính thức từ các chính phủ trên toàn thế giới.
Châu Âu đứng thứ hai với 60,7%. Ở châu Phi, chỉ 8,8% dân số đã hoàn thành chế độ tiêm chủng đầy đủ.
Tỷ lệ mắc COVID-19 và tử vong ở Nam Mỹ đã giảm mạnh so với giữa năm.
Bây giờ, châu Âu đang là khu vực bùng phát dịch COVID-19 mạnh nhất chủ yếu do biến thể Omicron gây ra.
Ở một số thành phố lớn của Brazil, bao gồm cả Rio de Janeiro và Sao Paulo, hơn 99% dân số trưởng thành đã nhận được ít nhất 1 liều vắc xin, các nhà chức trách cho biết. Người Brazil thường tự hào rằng quốc gia này có “văn hóa vắc xin”.
Điều tương tự cũng xảy ra với một số quốc gia khác trong khu vực Nam Mỹ, nơi trước đây đã triển khai các chiến dịch tiêm vắc xin mở rộng sau khi đại dịch COVID-19 gây tổn thương lớn nhất trong những thập kỷ gần đây.
Tuy nhiên, Nam Mỹ cũng không nằm ngoài vùng nguy hiểm khi biến thể Omicron lan rộng trên toàn cầu.