WHO lo Omicron và Delta cùng nhau tạo 'sóng thần', nói về các nước giảm thời gian tự cách ly
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 12:56, 30/12/2021
Hai năm sau khi vi rút SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện, các quan chức hàng đầu của WHO cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để có thể yên tâm về dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn.
Được ghi nhận lần đầu tiên vào tháng trước ở phía nam châu Phi, Omicron đang là biến thể SARS-CoV-2 thống trị Mỹ và một số nước châu Âu.
Sau khi 92 trong số 194 quốc gia thành viên WHO bỏ lỡ mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 cho 40% dân số của họ cuối năm nay, Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi mọi người thực hiện "quyết tâm trong năm mới" để có được chiến dịch tiêm vắc xin cho 70 % dân số của các nước vào đầu tháng 7.2022.
Theo số liệu của WHO, số ca COVID-19 được ghi nhận trên toàn thế giới tăng 11% trong tuần gần nhất so với tuần trước, với gần 4,99 triệu ca mới được ghi nhận từ ngày 20 đến 26.12. Tổng số ca mắc COVID-19 mới ở châu Âu (chiếm hơn một nửa số ca toàn cầu) tăng 3%, trong khi châu Mỹ tăng 39% và châu Phi tăng 7%.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại cuộc họp báo trực tuyến: “Tôi rất lo ngại rằng Omicron, dễ lây truyền hơn và lưu hành cùng lúc với Delta, đang dẫn đến một trận sóng thần”. Theo Tổng giám đốc WHO, điều đó sẽ gây “áp lực to lớn lên các nhân viên y tế đang kiệt sức và hệ thống y tế trên bờ vực sụp đổ”.
WHO cho biết trong báo cáo dịch tễ học hàng tuần của mình rằng "nguy cơ tổng thể liên quan đến Omicron vẫn rất cao", trích dẫn bằng chứng nhất quán rằng nó có lợi thế tăng trưởng so với biến thể Delta.
WHO lưu ý rằng tỷ lệ ca mắc COVID-19 đang giảm ở Nam Phi và dữ liệu ban đầu từ quốc gia châu Phi này, Anh và Đan Mạch cho thấy nguy cơ nhập viện do Omicron thấp hơn trước, nhưng cần thêm dữ liệu để kết luận.
Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh lưu ý thận trọng đó. Ông cho biết điều quan trọng những tuần tới là phải "ngăn chặn sự lây truyền của cả hai biến thể ở mức tối thiểu có thể".
Ông Michael Ryan nói: “Nhiễm Omicron phần lớn bắt đầu ở những người trẻ tuổi, nhưng những gì chúng ta chưa thấy là làn sóng Omicron được thiết lập đầy đủ trong dân số rộng hơn. Tôi hơi lo lắng để đưa ra những dự đoán tích cực cho đến khi chúng ta thấy khả năng bảo vệ bằng vắc xin sẽ hoạt động tốt như thế nào ở những nhóm dân số già hơn và dễ bị tổn thương hơn”.
Các quan chức WHO đã không đưa ra bình luận cụ thể về quyết định giảm thời gian tự cách ly của Mỹ và một số quốc gia khác.
Mỹ và Anh đã khuyến nghị rút ngắn thời gian tự cách ly với bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng. Nhiều quốc gia khác có thể sớm làm theo vì biến thể Omicron sẽ khiến nhiều nhân viên bệnh viện và lao động chủ chốt khác bị giữ chân ở nhà.
Trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng thiếu lao động hàng loạt ở đợt bùng dịch mới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 27.12 đã rút ngắn thời gian tự cách ly với F0 không có triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày.
Ở Mỹ, bệnh nhân COVID-19 (F0) không triệu chứng hiện có thể cách ly 5 ngày, sau đó là 5 ngày phải đeo khẩu trang khi ở gần người khác. Tuần trước, Anh đã giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày với những người thực hiện xét nghiệm âm tính hai lần liên tiếp.
Thế nhưng, hầu hết các quốc gia vẫn tuân theo mốc cách ly 10 ngày. Một số nước khác, chẳng hạn Đức, yêu cầu cách ly tới 14 ngày.
Michael Ryan cho biết quyết định mà các quốc gia đưa ra có tính đến khoa học, kinh tế và các yếu tố khác. Ông lưu ý rằng thời gian ủ bệnh trung bình của vi rút SARS-CoV-2 đến nay là khoảng 5 - 6 ngày.
“Chúng ta cần phải cẩn thận về việc thay đổi chiến thuật và chiến lược ngay lập tức trên cơ sở những gì đang thấy về Omicron”, ông nói.
Được công bố hôm 28.12, nghiên cứu ban đầu của CDC đã kiểm tra một cụm dịch Omicron ở bang Nebraska (Mỹ) và phát hiện rằng thời gian từ khi tiếp xúc với F0 đến khi nhiễm Omicron (được gọi là thời gian ủ bệnh) có thể là khoảng 3 ngày, ngắn hơn so với biến thể Delta mà các nghiên cứu ước tính có thời gian ủ bệnh là 4 ngày.
Một nghiên cứu tương tự về bữa tiệc Giáng sinh ở Na Uy với hàng chục người nhiễm Omicron cũng cho kết quả tương đương.
Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra những lời cảnh báo từ lâu rằng “chấm dứt bất bình đẳng về sức khỏe vẫn là chìa khóa để chấm dứt đại dịch”. Ông nói rằng việc bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng 40% dân số trong năm nay “không chỉ là một sự xấu hổ về mặt đạo đức mà phải dẫn đến trả giá bằng mạng sống, tạo cơ hội cho vi rút lưu hành mà không bị kiểm soát và đột biến”.
Nhiều quốc gia phần lớn bỏ lỡ mục tiêu vì nguồn cung hạn chế cho các nước thu nhập thấp trong hầu hết năm nay và vắc xin sắp hết hạn sử dụng mà thiếu thiết bị bảo quản hay ống tiêm, theo Tổng giám đốc WHO.
“Dù vậy, tôi vẫn lạc quan rằng 2022 là năm chúng ta không chỉ có thể chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch mà còn vạch ra con đường để đảm bảo an ninh y tế mạnh mẽ hơn”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.