Thảm cảnh của gần 17.000 nữ công nhân lắp ráp iPhone trong nhà máy Foxconn
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:03, 30/12/2021
Thế nhưng khi thực phẩm khiến hơn 250 nữ công nhân ngộ độc, cơn giận dữ của họ bùng lên, đỉnh điểm là cuộc biểu tình hiếm hoi yêu cầu đóng cửa nhà máy có 17.000 người đang làm việc.
Việc xem xét kỹ lưỡng các sự kiện trước và sau cuộc biểu tình ngày 17.12 của hãng tin Reuters cho thấy điều kiện sống và làm việc tại Foxconn, công ty quan trọng hàng đầu trong chuỗi cung ứng của Apple.
Sự xáo trộn xảy ra vào thời điểm Apple đang tăng cường sản xuất iPhone 13 và các cổ đông yêu cầu công ty cung cấp sự minh bạch hơn về điều kiện lao động tại các nhà cung ứng.
Reuters đã nói chuyện với 6 nữ công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn, thị trấn Sriperumbudur, gần thành phố Chennai (thủ phủ bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ). Tất cả họ đều yêu cầu không nêu tên vì sợ bị trả thù.
Các công nhân ngủ trên sàn trong những căn phòng có từ 6 đến 30 phụ nữ. Hai nữ công nhân cho biết nhà trọ họ ở có nhà vệ sinh thiếu nước máy.
“Những người sống trong ký túc xá luôn mắc bệnh này hay bệnh khác - dị ứng da, đau ngực, ngộ độc thực phẩm”, nữ công nhân khác (21 tuổi đã bỏ nhà máy sau cuộc biểu tình) kể.
Cô cho biết các vụ ngộ độc thực phẩm trước đó đã liên quan đến một hoặc hai công nhân.
"Chúng tôi không làm to chuyện vì nghĩ rằng vấn đề sẽ được khắc phục. Nhưng bây giờ, nó đã ảnh hưởng đến rất nhiều người", cô nói.
"Đó là trách nhiệm của Foxconn"
Apple và Foxconn hôm 29.12 cho biết họ phát hiện một số ký túc xá và phòng ăn được sử dụng cho nhân viên tại nhà máy không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc.
Người phát ngôn Apple cho biết cơ sở này đã bị quản chế. Apple hứa sẽ đảm bảo nhà máy đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của mình trước khi mở cửa trở lại.
"Chúng tôi nhận thấy rằng một số chỗ ở ký túc xá và phòng ăn đang được sử dụng cho nhân viên không đáp ứng yêu cầu của mình và đang làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo một loạt các hành động khắc phục được thực hiện nhanh chóng", người phát ngôn Apple nói.
Người phát ngôn Apple không nêu chi tiết về những cải tiến sẽ được thực hiện cho công nhân tại nhà máy hoặc các tiêu chuẩn sẽ được áp dụng.
Luật quản lý nhà ở cho lao động nữ ở bang Tamil Nadu quy định mỗi người phải được cấp ít nhất 120 feet vuông (khoảng 11,1484 mét vuông) không gian sống, đòi hỏi nhà ở phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn cháy nổ do chính quyền địa phương quy định.
Foxconn cho biết đang tái cơ cấu đội ngũ quản lý địa phương và thực hiện các bước ngay lập tức để cải thiện cơ sở vật chất. Công ty Đài Loan nói tất cả nhân viên sẽ tiếp tục được trả lương trong khi họ thực hiện những cải tiến cần thiết để khởi động lại hoạt động.
Venpa Staffing Services, nhà thầu của Foxconn điều hành ký túc xá nơi 250 nữ công nhân bị ngộ độc thực phẩm, từ chối bình luận.
Vụ ngộ độc thực phẩm và các cuộc biểu tình sau đó cũng dẫn đến các cuộc điều tra bởi ít nhất 4 cơ quan bang Tamil Nadu. Các quan chức cũng nói riêng với Foxconn để đảm bảo các điều kiện tốt hơn.
"Đó là trách nhiệm của Foxconn", Thangam Thennarasu, quan chức phụ trách mảng Công nghiệp của bang Tamil Nadu, nói với Reuters.
Tuần trước, chính quyền Tamil Nadu cho biết bang này đã yêu cầu Foxconn đảm bảo cải thiện điều kiện sống và làm việc, bao gồm cả chất lượng nhà ở và nước uống.
Foxconn đã đồng ý đảm bảo điều kiện sống của công nhân tuân theo các khuyến nghị của chính phủ Ấn Độ và đáp ứng các yêu cầu pháp lý.
Apple và Foxconn không cho biết khi nào nhà máy sẽ mở cửa trở lại.
Foxconn nói với các quan chức bang Tamil Nadu rằng họ đã "tăng cường sản xuất quá nhanh", dù việc sản xuất đã bị cắt giảm trong tháng 4 và tháng 5 khi biến thể Delta hoành hành ở Ấn Độ.
Foxconn đã khai trương nhà máy vào năm 2019 với lời hứa hẹn tạo ra tới 25.000 việc làm, một động lực cho chiến dịch Make in India (Sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Narendra Modi nhằm tạo ra việc làm trong lĩnh vực sản xuất.
Thị trấn Sriperumbudur, nơi đặt nhà máy của Foxconn, là khu công nghiệp sầm uất với các nhà máy sản xuất các sản phẩm Samsung và Daimler (hãng ô tô Đức) ở gần đó.
Nhà máy này là trung tâm trong nỗ lực của Apple nhằm chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc do căng thẳng Mỹ - Trung. Năm ngoái, Reuters đưa tin Foxconn đã lên kế hoạch đầu tư lên tới 1 tỉ USD vào nhà máy này trong vòng 3 năm.
Foxconn ký hợp đồng nhân sự của nhà máy với các công ty môi giới lao động, những người cũng chịu trách nhiệm về nhà ở cho các công nhân (chủ yếu là phụ nữ) làm tại đó.
Đến từ các gia đình nông thôn nghèo
Sau cuộc biểu tình, các thanh tra an toàn thực phẩm đã đến ký túc xá xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, đóng cửa nhà bếp khi phát hiện có chuột và hệ thống thoát nước kém, theo Jegadish Chandra Bose - quan chức an toàn thực phẩm cấp cao ở quận Thiruvallur (nơi đặt ký túc xá).
Ông nói: “Các mẫu được phân tích không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cần thiết”.
Những phụ nữ làm việc tại nhà máy này kiếm được khoảng 140 USD (10.500 rupee Ấn Độ) một tháng và phải trả tiền nhà, thực phẩm cho nhà thầu của Foxconn.
Người đứng đầu liên đoàn lao động nữ cho biết hầu hết công nhân ở độ tuổi 18 - 22 và đến từ các vùng nông thôn của bang Tamil Nadu. Mức lương hàng tháng tại nhà máy này cao hơn 1/3 so với lương tối thiểu cho những công việc như vậy, theo hướng dẫn của chính quyền bang.
Nữ công nhân 21 tuổi bỏ việc sau cuộc biểu tình nói cha mẹ cô là nông dân trồng lúa và mía. Cô nói rằng đã tìm một công việc ở thành phố như bao người khác trong làng của mình và thấy mức lương của Foxconn khá tốt.
Một số nhà hoạt động và học giả cho biết phụ nữ được tuyển dụng từ các làng nông nghiệp để làm việc trong nhà máy Foxconn ở thị trấn Sriperumbudur bị giới chủ coi là ít có khả năng đoàn kết hoặc biểu tình. Đây là yếu tố khiến các cuộc biểu tình tại nhà máy Foxconn thậm chí còn đáng chú ý hơn.
V. Gajendran, trợ lý giáo sư tại Trường Công tác xã hội Madras ở thành phố Chennai, nói phụ nữ được tuyển dụng vào làm việc trong các nhà máy gần đó "thường đến từ các gia đình nông thôn nghèo khiến họ bị bóc lột và giảm khả năng đoàn kết, đấu tranh cho quyền của mình".
"Ký túc xá không biện pháp bảo vệ ngăn ngừa nhiễm SARS-CoV-2"
Các công nhân nói với Reuters rằng vụ ngộ độc thực phẩm đã khiến 159 phụ nữ từ một ký túc xá phải nhập viện vào ngày 15.12. Tuần trước, chính quyền quận Thiruvallur cho biết, thêm khoảng 100 phụ nữ cần được chăm sóc y tế nhưng không phải nhập viện.
Tin đồn lan truyền rằng một số phụ nữ ngộ độc thực phẩm đã chết, sau đó được chứng minh là sai. Khi một số công nhân bị bệnh không đến làm tại nhà máy 2 ngày sau đó, những người khác đã tổ chức cuộc phản đối vì các ca làm việc đang thay đổi.
"Chúng tôi rất hoảng hốt, nói chuyện với nhau trong nhà trọ và quyết định phản đối. Không có một nhà lãnh đạo nào", một trong những công nhân nói với Reuters.
Ngày 17.12, khoảng 2.000 phụ nữ từ các ký túc xá Foxconn gần đó đã xuống đường, chặn một đường cao tốc quan trọng gần nhà máy.
Các nam công nhân, bao gồm cả một số từ một nhà máy ô tô gần đó, đã tham gia một cuộc biểu tình mới vào ngày hôm sau.
Cảnh sát đã đáp trả cuộc biểu tình lớn hơn (lần thứ hai) bằng cách đàn áp các nam công nhân, sau đó đuổi theo và tấn công một số phụ nữ có liên quan, theo hai công nhân và Sujata Mody (lãnh đạo công đoàn địa phương). Theo lời kể của họ, cảnh sát đã bắt giữ 67 nữ công nhân và một nhà báo địa phương, tịch thu điện thoại của họ và gọi điện cảnh báo cha mẹ họ để khuyên nhủ con gái.
Reuters không thể xác nhận độc lập mô tả về phản ứng của cảnh sát với các cuộc biểu tình.
M Sudhakar, quan chức cảnh sát hàng đầu ở quận Kancheepuram, bác bỏ thông tin người biểu tình bị đánh đập, tịch thu điện thoại hay công nhân bị cảnh sát đe dọa.
"Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn và tôn trọng quyền của những người bị giam giữ. Tất cả các quy tắc đã được tuân thủ", ông M Sudhakar nói với Reuters.
K. Mohan, một quản lý cấp làng đến ký túc xá xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm để điều tra điều kiện sống vào ngày 16.12, không tìm thấy biện pháp bảo vệ nào để ngăn ngừa nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Ông nói điều này với cảnh sát trong lời khai.
"Tôi đã đến nơi đó để điều tra vì có khả năng nơi này có thể trở thành một cụm dịch. Những người phụ nữ được yêu cầu ở trong ký túc xá, nơi không có hướng dẫn biện pháp phòng dịch", K. Mohan nói với cảnh sát.
Đây là tình trạng bất ổn thứ hai liên quan đến nhà cung cấp của Apple ở Ấn Độ trong năm nay. Vào tháng 12.2020, hàng ngàn công nhân hợp đồng tại một nhà máy thuộc sở hữu của Wistron (Đài Loan) đã phá hủy thiết bị và phương tiện với lý do không được trả lương, gây thiệt hại ước tính khoảng 60 triệu USD.
Apple sau đó cho biết đã đặt Wistron vào diện quản chế và sẽ không trao quyền kinh doanh mới cho nhà sản xuất theo hợp đồng Đài Loan cho đến khi họ giải quyết cách đối xử với công nhân tại nhà máy.
Thời điểm đó, Wistron cho biết đã làm việc để nâng cao tiêu chuẩn và khắc phục các vấn đề tại nhà máy, bao gồm cả hệ thống trả lương.
Wistron đã khởi động lại hoạt động tại nhà máy vào đầu năm nay.
Apple không đưa ra bình luận ngay lập tức về tình trạng của Wistron.