Cựu phó giám đốc sở GD-ĐT Sơn La nói trước tòa: Bị ép cung

Sự kiện - Ngày đăng : 13:50, 23/05/2020

Bị cáo Trần Xuân Yến nói chỉ có một sai phạm là thiếu trách nhiệm khi bị cáo chỉ tách văn bản niêm phong bài thi làm 1 bản, mà đúng ra phải làm 2 bản.
Bị cáo Trần Xuân Yến khai trước tòa - Ảnh: T.A

Sáng 23.5, HĐXX TAND tỉnh Sơn La tiếp tục tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi xảy ra tại tỉnh Sơn La năm 2018. Theo đó, bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La không đồng ý với cáo buộc về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cụ thể, theo lời khai trước tòa của cựu Phó giám đốc sở, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, bị cáo được nhờ xem điểm cho 13 thí sinh, nhưng không nhớ tên thí sinh và người nhờ xem điểm. Khi được hỏi về mối quan hệ với các thí sinh được nhờ “xem điểm”, bị cáo Yến khai ngày 28.6.2018 ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La nhờ bị cáo xem điểm cho 8 thí sinh (trong đó có 2 tờ danh sách chứa đầy đủ thông tin của 8 thí sinh này).

Đại diện VKS tham gia xét hỏi

Sau khi nghe ông Yến khai, đại diện VKS trích lại các bản khai của bị cáo trong các bút lục để truy hỏi bị cáo. Tuy nhiên, ngay tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Yến nói: “Quá trình điều tra, bị cáo bị ép cung nên lời khai không đúng sự thật. Bị cáo cũng khẳng định với CQĐT, danh sách thí sinh bị cáo nhận chỉ là xem điểm, không phải để nâng điểm. Giai đoạn đầu điều tra, bị cáo bị ép cung, chỉ khi có đại diện VKS và luật sự bị cáo mới được khai đúng”.

Tiếp tục trình bày, Yến nói bị cáo chỉ có một sai phạm là thiếu trách nhiệm khi bị cáo chỉ tách văn bản niêm phong bài thi làm 1 bản, mà đúng ra phải làm 2 bản.

Ngay sau khi nghe xong phần hỏi của VKS đối với bị cáo Trần Xuân Yến, 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Yến cho rằng phần hỏi của VKS là “không ổn” khi đại diện VKS liên tục trích dẫn các bút lục trong cáo trạng về các lời khai của bị cáo để ép bị cáo Yến nhận tội như vậy là không được. Các luật sư đề nghị chủ tọa phiên tòa đề nghị đại diện VKS làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Muốn được trả lại 1 tỉ đồng

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Lò Văn Huynh, cựu Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT Sơn La) thừa nhận hành vi đã nhận của bị cáo Lò Thị Trường 300 triệu đồng tiền “cảm ơn” sau khi nhận sửa, nâng điểm cho con của bà Trường.

Theo lời khai của Huynh, gia đình bị cáo Trường là cháu bên nhà anh trai nên bị cáo đã nhận 300 triệu đồng để nâng điểm... Còn bị cáo không nhận số tiền 1 tỉ đồng từ bị cáo Nguyễn Minh Khoa - cựu thiếu tá, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La.

Bị cáo Lò Văn Huynh

Số tiền 1 tỉ đồng gia đình nộp cho CQĐT là do em vợ của bị cáo là Lê Thanh Sơn giao nộp. Số tiền này do Sơn chuẩn bị mua đất vay, không phải tiền mà bị cáo có được khi thực hiện hành vi phạm tội, nhận từ bị cáo Khoa. Bị cáo mong muốn được trả lại 1 tỉ đồng.

Được triệu tập với vai trò người tham gia tố tụng khác, ông Lê Thanh Sơn (em vợ bị cáo Lò Văn Huynh) nói mong muốn được cơ quan chức năng trả lại 1 tỉ đồng mà mình đã giao nộp CQĐT trước đó. Ông Sơn nói rằng, sau khi nộp số tiền này, chị gái Sơn (vợ bị cáo Huynh) nói đây là số tiền bán đất của vợ chồng Huynh ở dưới quê, không phải số tiền mà bị cáo Huynh có được từ hành vi phạm tội mà có.

Về lý do nộp lại tiền, ông Sơn cho biết do CQĐT yêu cầu bởi trong lời khai của Huynh có nói đến số tiền này nên muốn giúp chị gái khắc phục hậu quả cho anh rể. Nói trước tòa, ông Sơn cho rằng khi nộp 1 tỉ đồng cho CQĐT xong, ông mới nhận ra là không đúng.

Vì vậy, trước tòa, ông Sơn đề nghị HĐXX xem xét cho ông xin lại 1 tỉ đồng đã nộp cho CQĐT. Sau lời đề nghị của ông Sơn, chủ tọa phiên tòa cho biết sẽ xem xét, ghi nhận điều này. Tuy nhiên, ông Sơn phải đưa ra những căn cứ phù hợp.

Nhã Thanh

Gian lận điểm thi tại Sơn La: Tranh cãi việc nhờ xem điểm hay nhờ nâng điểm