RCEP chính thức có hiệu lực, cơ hội nào cho Việt Nam?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:33, 01/01/2022

Các chuyên gia cho rằng cơ hội từ RCEP đối với doanh nghiệp là rất đáng kể, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19, tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh…

Ngày 1.1.2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) sẽ đi vào thực thi tại 10 trong số 15 thành viên RCEP đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ, bao gồm Úc, Brunei, Campuchia, Lào, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Về phạm vi, RCEP không chỉ bao gồm các cam kết về thương mại hàng hóa (ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ, hải quan, phòng vệ thương mại…) như các hiệp định thương mại tự do ASEAN+ mà còn có cam kết mở cửa mạnh thương mại dịch vụ, đầu tư. Đồng thời, RCEP cũng có các cam kết sâu trong những lĩnh vực mà các ASEAN+ chỉ đề cập chung như sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, và cả những lĩnh vực mới chưa từng xuất hiện như thương mại điện tử, mua sắm công, doanh nghiệp nhỏ và vừa...

rcep.jpg
Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực

Đặc biệt, RCEP lần đầu tiên thống nhất nhiều tiêu chuẩn ở mức tương đối cao giữa các nước thành viên trong những lĩnh vực đang ngày càng trở nên quan trọng như thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, các chuẩn đối xử đối với nhà tư…

Theo Bộ Công thương, việc hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1-2022 sẽ góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và quy mô GDP lên tới khoảng 26.200 tỉ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.

Theo đó, RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, hiệp định này cũng được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.

Bộ Công thương cho rằng khi RCEP chính thức có hiệu lực sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng hầu hết các nước trong RCEP đã có các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Ví dụ song phương thì có Việt Nam – Nhật Bản, đa phương có ASEAN- Trung Quốc… Tuy nhiên, RCEP mang tính quốc tế hóa cao hơn.

dtt.jpg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Ông Thịnh cho rằng trong RCEP, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ có nhiều lợi ích hơn vì giữa họ với nhau chưa có hiệp định thương mại tự do. Còn với Việt Nam, hiệp định này cũng mang lại nhiều lợi ích.

Ví dụ, trong các hiệp định thương mại tự do sẽ đòi hỏi xuất xứ hàng hóa. Trước đây, những hàng hóa mà nhập nguyên liệu từ Trung Quốc rồi xuất sang Úc thì Việt Nam không được hưởng ưu đãi, nhưng nếu trong RCEP thì Việt Nam lại được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu được nhiều hơn khi tham gia vào thị trường RCEP.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, nhiều nước trong khối RCEP có mặt hàng tương đồng với Việt Nam nên mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn. Hơn nữa, mức độ cam kết trong RCEP không các bằng những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản, Hàn Quốc. Tựu chung lại, ông Thịnh cho rằng phần lợi ích Việt Nam thu được vẫn nhiều hơn nhưng vì cạnh tranh cao nên các doanh nghiệp của Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn, “vắt chân lên cổ” mà chạy để có thể tận dụng được cơ hội từ RCEP.

Đối với lo ngại việc gia nhập RCEP sẽ khiến tăng nhập siêu, ông Thịnh cho rằng có thể tăng nhập siêu tuwef một số quốc gia nhưng đồng thời cũng tăng xuất khẩu vào một số quốc gia khác.

“Trước đây, chúng ta xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản hay Úc thì không được hưởng ưu đãi nếu mua nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với RCEP, chúng ta có thể mua nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng hóa mà vẫn được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu vào Nhật Bản hoặc Úc. Điều này có thể khiến nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên, nhưng chúng ta nhập nhiều thì cũng xuất đi nhiều”, ông Thịnh nói.

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, về lâu dài, cần đa dạng hóa nguồn cung để không phụ thuộc vào quốc gia nào, bởi phụ thuộc vào một thị trường thì khi họ thay đổi chính sách thì Việt Nam sẽ ảnh hưởng nặng nề.

TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng so với doanh nghiệp ở nhiều nước thành viên RCEP, doanh nghiệp Việt Nam ít nhiều có lợi thế hơn do không phải bỏ ra thêm các chi phí tuân thủ những cam kết quy tắc tiêu chuẩn cao theo RCEP.

"Điều này xuất phát từ thực tế là Việt Nam đã thực thi các tiêu chuẩn bằng hoặc cao hơn RCEP theo các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hơn thế, doanh nghiệp Việt Nam thậm chí còn có thể được hưởng lợi từ các cam kết thống nhất này khi các đối tác RCEP thực hiện các chuẩn chung theo cam kết", bà Trang nói.

Theo bà Trang, cơ hội từ RCEP và các hiệp định thương mại tự do với doanh nghiệp là rất đáng kể, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19 còn khó khăn nhiều bề và mỗi cơ hội giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, khôi phục sản xuất và phát triển đều là đặc biệt quý giá. Tuy nhiên, , để tận dụng RCEP, doanh nghiệp cần tìm hiểu các cam kết RCEP liên quan tới mình hoặc trong những lĩnh vực, khía cạnh có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của mình và có sự chuẩn bị thích hợp, sẵn sàng cho việc tận dụng chúng.

Lam Thanh