5 điều đáng chờ đợi tại Trung Quốc trong năm 2022
Quốc tế - Ngày đăng : 09:00, 02/01/2022
Đầu tiên phải kể đến Olympic Bắc Kinh vào tháng 2 với sự tương phản giữa lần tổ chức năm nay với năm 2008 rất rõ rệt. Trong khi Olympic mùa hè Bắc Kinh 2008 được xem là dịp Trung Quốc mở cửa với thế giới - thể hiện qua bài hát chủ đề năm đó, thì Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 lại sắp diễn ra theo hình thức “kín” khi ngăn cách người đến tham gia sự kiện với người dân Trung Quốc, để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Olympic Tokyo 2021 đã cho thấy việc tổ chức một sự kiện thể thao lớn trong lúc đại dịch hoành hành không hề dễ dàng. Đối với Trung Quốc, việc này khó gấp bội vì họ quyết theo đuổi chính sách “Zero COVID”.
Giới chức Trung Quốc không chỉ phòng dịch. Vận động viên và người tham gia khác sẽ bị giám sát chặt chẽ để tránh việc họ có bất cứ hành động gì tỏ ý phản đối Trung Quốc ngay tại sự kiện.
Các nhà hoạt động nhân quyền từ lâu đã kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022 như hành động đáp trả chính sách Tân Cương và cáo buộc bị tấn công tình dục của tay vợt nữ Bành Soái.
Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand đều thực hiện động thái tẩy chay ngoại giao. Vận động viên của họ vẫn sang tranh tài, một số người có thể cảm thấy phải lên tiếng.
Số phận của “Zero COVID”
Những đợt bùng phát và phong tỏa liên tiếp khiến chính sách “Zero COVID” bị đặt nghi vấn. Hiện tại không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thay đổi cách chống dịch, các hạn chế có thể siết chặt trước thềm Olympic Bắc Kinh.
Trung Quốc đang phong tỏa thành phố Tây An với 13 triệu dân - đợt phong tỏa nghiêm ngặt và lớn nhất kể từ lần thực hiện với Vũ Hán đầu năm 2020. Thế nhưng chính quyền địa phương này dường như không chuẩn bị cho loạt biện pháp cứng rắn mà họ áp dụng, khi thời gian gần đây trên mạng xã hội đầy lời kêu cứu về tình trạng thiếu thực phẩm và nhu yếu phẩm của người dân Tây An. Khả năng người dân tiếp cận dịch vụ y tế cũng bị ảnh hưởng, một sinh viên đại học lên mạng chia sẻ chuyện cô bị 6 bệnh viện từ chối điều trị sốt.
Với nhiều người, đợt phong tỏa Tây An gợi lại ký ức đau buồn khi dịch mới bùng phát. Ngày 30.12, hàng nghìn người để lại lời nhắn tưởng niệm trên Weibo của bác sĩ Lý Văn Lượng - một trong 8 người cảnh báo sớm về COVID-19 nhưng bị công an triệu tập để ký văn bản thừa nhận cáo buộc tung tin thất thiệt.
Trong năm 2021 đã có hy vọng Trung Quốc từ bỏ “Zero COVID” sau Olympic Bắc Kinh. Nhưng nhiều người tỏ ra bi quan vì sắp tới đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) sẽ tổ chức một đại hội quan trọng.
Nhiệm kỳ thứ ba cho ông Tập Cận Bình?
Không ít dấu hiệu cho thấy ông Tập sẽ phá vỡ thông lệ với nhiệm kỳ thứ 3 làm Tổng bí thư.
Hội nghị toàn thể lần 6 của Ban Chấp hành trung ương CCP tháng 11 trước đã thông qua một văn kiện quan trọng được xem như “nghị quyết lịch sử” của ông Tập. Trong lịch sử CCP chỉ mới có 2 nhân vật từng ban hành là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, ông Tập là người thứ 3.
Dưới thời ông Tập cầm quyền, Trung Quốc siết chặt kiểm soát ở mọi mặt xã hội từ nghệ thuật, văn hóa đến giáo dục, kinh doanh, đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, chống lại các giá trị phương Tây. Nhưng trong mắt lực lượng ủng hộ ông, Trung Quốc với sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế chưa từng có đang tiến gần đến giấc mộng “phục hưng”.
Đau đầu vì kinh tế
Kinh tế Trung Quốc năm 2022 đối với hàng loạt thách thức như bùng phát và phong tỏa lặp đi lặp lại, gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng ở lĩnh vực bất động sản. Nhiều nhà kinh tế dự báo Trung Quốc năm 2021 tăng trưởng khoảng 7,8%, nhưng năm 2022 có thể chỉ khoảng 4,9-5,5%.
Ông Tập chắc chắn muốn giữ ổn định tình hình đất nước trước thềm đại hội đảng. Nhà lãnh đạo này cũng thể hiện rõ mong muốn tập trung xử lý vấn đề quốc nội khi không đi nước ngoài gần 2 năm qua.
Tuy nhiên theo giới phân tích, ông Tập vẫn nên xem xét đến môi trường bên ngoài, vì Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các trung tâm tài chính, công nghệ và thương mại quốc tế.
Trung Quốc và thế giới
Khi đại dịch mới bùng phát, Trung Quốc hy vọng biến khủng hoảng y tế thành cơ hội cải thiện hình ảnh. Họ viện trợ trang thiết bị y tế cho quốc gia đang cần và cam kết biến vắc xin do Trung Quốc phát triển thành hàng hóa công cho mọi quốc gia sử dụng.
Nhưng mọi thứ diễn ra không hoàn toàn theo cách Trung Quốc mong muốn. Hình ảnh của nước này xấu đi vì cách xử lý sai lầm ở ổ dịch Vũ Hán, chiến dịch tung thông tin sai lầm, chính sách cứng rắn ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông.
Tại 17 quốc gia phát triển hàng đầu mà Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện khảo sát, tỷ lệ người có cái nhìn xấu về Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục: 88% ở Nhật Bản, 80% ở Thụy Điển, 78% ở Úc, 77% ở Hàn Quốc và 76% ở Mỹ. Phần lớn đều tỏ ý ít hoặc không tin tưởng ông Tập.
Năm 2021 chứng kiến căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, căng thẳng với Đài Loan cũng gia tăng. Mỹ trong năm 2022 chắc chắn tiếp tục nỗ lực tăng cường hợp tác với đồng minh và đối tác chống lại Trung Quốc.