Gian lận thi cử tại Sơn La: Vì thương con, người mẹ nông dân vướng vòng lao lý
Sự kiện - Ngày đăng : 19:19, 25/05/2020
Ngày 25.5, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La bước vào phần tranh luận. Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Lò Thị Trường (lao động tự do) nói không có thắc mắc gì về bản luận tội của VKS và chỉ mong muốn được giảm nhẹ mức hình phạt mà VKS đã đề nghị bởi bản thân bị cáo là người nông dân, hiểu biết pháp luật kém.
Theo nữ bị cáo, hành vi phạm tội này xuất phát từ lòng thương con, muốn con được học hành đến nơi đến chốn, nay bị cáo đã hiểu được hành vi vi phạm của mình nên tha thiết xin HĐXX cho hưởng án treo để được về nhà chăm sóc mẹ già và các con.
Theo cáo buộc của VKS, bị cáo Lò Thị Trường đã đưa 300 triệu đồng cho Lò Văn Huynh để nhờ nâng điểm cho con mình. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Đưa hối lộ” và bị đại diện VKS đề nghị mức án từ 2 - 3 năm tù.
Về phần mình, bị cáo Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai) thừa nhận toàn bộ hành vi đưa hối lộ để nhờ Cầm Thị Bun Sọn (cựu cán bộ Sở GD-ĐT) nâng điểm cho con trai vào trường công an. Bị cáo Thành bày tỏ sự hối hận, ăn năn và mong muốn được pháp luật khoan hồng để sớm về với gia đình.
Vụ án được xét xử trong nhiều ngày
“Nạn nhân của kịch bản nhằm đổ lỗi?”
Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Minh Khoa (cựu Phó trưởng phòng PA03, Công an tỉnh Sơn La) không nhất trí với nội dung quy kết của CQĐT, VKS bởi thiếu tính thống nhất, không rõ ràng trong quá trình định tội danh.
Bào chữa cho bị cáo Khoa, luật sư Trần Anh Tú cùng với luật sư Lê Văn Đài (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng những chứng cứ mà VKS dùng để buộc tội thân chủ của mình là hoàn toàn không có căn cứ, mang tính suy diễn, áp đặt. Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX dựa trên nguyên tắc “không buộc được thì phải gỡ” là nội dung cơ bản quan trọng nhất của nguyên tắc suy đoán vô tội, tuyên bố xác định Nguyễn Minh Khoa không thực hiện hành vi phạm tội"Đưa hố lộ".
Cụ thể, trích dẫn lại lời khai của thân chủ: “Do nể nang, chỗ thân quen nên thừa nhận gặp, liên hệ với bị cáo Huynh, nhưng là để nhờ xem điểm trước cho các thí sinh do người nhà các thí sinh nhờ”. Theo luật sư, động cơ mục đích này là vì bị cáo Khoa nguyên là cán bộ lãnh đạo phòng PA03, những năm trước thường xuyên trực tiếp chỉ đạo, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh THPT… và các công tác khác liên quan đến ngành giáo dục tỉnh nhà.
Bị cáo Nguyễn Minh Khoa
Theo các luật sư, từ chỗ đứng trong xã hội, do tính chất công việc cũng như uy tín quen biết với cán bộ Sở Giáo dục nên bị cáo Khoa đã nhận lời giúp xem điểm với ý thức chủ quan là giúp các cháu và gia đình chủ động hơn trong việc thay đổi nguyện vọng tuyển sinh đại học. Ngoài ra, luật sư cũng nhấn mạnh rằng tài liệu điều tra và lời khai tại tòa của bị cáo Khoa, Huynh và những người làm chứng đều khẳng định không có thỏa thuận đưa tiền…
Liên quan đến nội dung Huynh dặn “giữ hộ 1 tỉ đồng để gửi lại cho anh Khoa”, các luật sư đánh giá đây là 1 kịch bản nhằm đổ tội cho người khác, kịch bản này hòng đối phó khi việc nhận nâng điểm cho thí sinh L.M.H chưa phát hiện và được bàn bạc giữa Huynh và người thân từ trước khi bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Tại phần xét hỏi công khai tại phiên tòa, bị cáo Huynh đã tiếp tục khẳng định, xác nhận lại mục đích đưa tiền cho anh Lê Thanh Sơn (em vợ của bị cáo Huynh) không phải để gửi trả Khoa mà để cho Sơn vay tiền mua đất làm nhà. Điều này phù hợp với Bản cung tại bút lục số 9159. Bên cạnh đó, qua thẩm vấn trực tiếp đã cho thấy những lời khai của anh Sơn tại phiên xét xử phù hợp lời khai tại bút lục số 9159 của bị cáo Huynh: “cho cậu Sơn vay 1 tỉ đồng để cậu lo mua đất và làm nhà ổn định cuộc sống ở Sơn La”.
Nhã Thanh
VKS Sơn La: ‘Các bị cáo đã làm mất cơ hội của các học sinh có năng lực’
Gian lận điểm thi tại Sơn La: 1 tỉ đồng tiền ‘cảm ơn’ vẫn chưa ngã ngũ
Cựu phó giám đốc sở GD-ĐT Sơn La nói trước tòa: Bị ép cung
Gian lận điểm thi tại Sơn La: Tranh cãi việc nhờ xem điểm hay nhờ nâng điểm