Nghịch lý của người Trung Quốc: Bị lên án vì khoe đôi mắt hí

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:57, 03/01/2022

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng các tiêu chuẩn truyền thống về vẻ đẹp ở Trung Quốc thực chất vẫn là ưa chuộng đôi mắt hí. Nhưng hiện giờ, họ lại bác bỏ điều đó...

"Tôi không xứng là người Trung Quốc chỉ vì tôi có đôi mắt hí?"

Đó là những gì người mẫu Trung Quốc Thái Nương Nương đã viết đầy ẩn ý trên mạng xã hội gần đây, sau khi những bức ảnh cũ của cô được lan truyền vì những điều không thể tin nổi.

Trong vài ngày, cô đã bị tấn công trên mạng trực tuyến vì "gây phản cảm" và "không yêu nước", sau khi xuất hiện trong một loạt quảng cáo cho nhãn hiệu đồ ăn vặt Trung Quốc Three Squirrels.

Tội ác rõ ràng của cô ấy? Có đôi mắt hí (hay híp).

Một số cư dân mạng xã hội đã bị ném đá đến mức cuối cùng công ty phải gỡ bỏ các quảng cáo trực tuyến và xin lỗi vì đã khiến mọi người "cảm thấy khó chịu".

cai-niang.jpg

Nhưng cô Thái nói rằng bản thân không biết mình đã làm gì để bị ném đá trên mạng và phân trần rằng bản thân cô "chỉ làm công việc của tôi" trong vai trò một người mẫu.

"Ngoại hình của tôi là do cha mẹ sinh ra", cô gái 28 tuổi viết trên mạng xã hội Weibo. "Có phải tôi đã xúc phạm Trung Quốc vào ngày tôi sinh ra chỉ vì ngoại hình của mình không?"

'Phương Tây không còn tiếng nói tuyệt đối'

Các quảng cáo, ban đầu được quay vào năm 2019, đã được các cư dân mạng theo chủ nghĩa dân tộc đào bới lại. Có lẽ giờ là thời kỳ nhạy cảm tăng cao đối với các quảng cáo mô tả người Trung Quốc.

Vào tháng 11, một nữ nhiếp ảnh gia thời trang hàng đầu của Trung Quốc đã xin lỗi về sự "thiếu hiểu biết" sau khi bức ảnh cô chụp cho thương hiệu cao cấp Dior của Pháp gây ra phản ứng dữ dội. Ảnh có một người mẫu Trung Quốc với đôi mắt híp.

Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội đã xảy ra nhiều vụ việc gây phẫn nộ trên mạng xã hội đối với các quảng cáo của Mercedes-Benz và Gucci có hình ảnh phụ nữ Trung Quốc có đôi mắt híp.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bài phương Tây ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, một số người đã coi những quảng cáo này như một ví dụ về sự phân biệt chủng tộc đối với người Trung Quốc. Các nhà phê bình cho rằng các công ty này đang duy trì định kiến ​​của phương Tây về khuôn mặt Trung Quốc bằng cách trưng những người mẫu có đôi mắt híp.

Nhiều người hỏi tại sao những quảng cáo này không giới thiệu những kiểu người mẫu thường thấy trong các quảng cáo của Trung Quốc, những người có làn da trắng và đôi mắt to tròn, vốn thường được coi là những nét đẹp lý tưởng ở Trung Quốc.

Một bài xã luận gần đây, hãng thông tấn nhà nước China Daily đã nhấn mạnh rằng "tiêu chí về cái đẹp của phương Tây, thẩm mỹ của phương Tây đã chi phối quá lâu đến sở thích của công chúng". Điều đó gồm cả việc miêu tả phụ nữ châu Á trong các quảng cáo có đôi mắt ti hí.

Bài xã luận khẳng định: "Phương Tây không còn có tiếng nói tuyệt đối về mọi thứ. Người Trung Quốc không cần tuân theo các tiêu chuẩn của họ về những gì tạo nên vẻ đẹp và những tuýp phụ nữ được họ coi là đẹp."

Bài xã luận nhắc nhở: Là một thương hiệu của Trung Quốc, Three Squirrels (ba con sóc) "nên biết về mức độ nhạy cảm của người tiêu dùng Trung Quốc đối với cách thể hiện chúng trong các quảng cáo".

Trọng tâm của cuộc tranh cãi là nhận định rằng những hình ảnh mô tả như vậy gợi lên định kiến​​ "người châu Á mắt híp" vốn thịnh hành trong văn hóa phương Tây vào thế kỷ 19. Ngày nay nhiều người châu Á coi định kiến này là cực kỳ phản cảm.

Ở Hollywood, nhân vật phản diện điển hình kiểu châu Á Phó Mãn Châu (Fu Manchu) được hình dung với đôi mắt một mí ti hí. Nhân vật này là hiện thân của "hiểm họa màu vàng" dựa trên ý tưởng phân biệt chủng tộc rằng các nền văn hóa châu Á đe dọa xã hội phương Tây.

"Thực sự có một lịch sử lâu đời trong việc sử dụng 'mắt xếch' để phân biệt đối xử với người châu Á", Tiến sĩ Liu Wen từ Viện hàn lâm Sinica của Đài Loan nói với BBC.

Bác bỏ đa nguyên trong thẩm mỹ

Nhưng sự khăng khăng của một số người Trung Quốc về một lý tưởng sắc đẹp cụ thể cũng trái ngược hẳn với cuộc tranh luận toàn cầu hiện nay. Thế giới đang thúc đẩy sự đa dạng, trong đó khuyến khích việc phổ biến rộng rãi hơn của các gương mặt châu Á trên truyền thông.

Các nhà quan sát cho rằng mặc dù có thể hiểu được rằng một số người tiêu dùng cảm thấy bị xúc phạm vì hình ảnh quảng cáo, nhưng sự phản đối thái quá như vậy cũng chẳng hay ho gì.

Tiến sĩ Luwei Rose Luqiu từ Đại học Baptist Hồng Kông cho biết: “Từ chối 'mắt xếch' là một hiện tượng rất nguy hiểm, bởi vì nó là từ chối đa nguyên thẩm mỹ".

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng các tiêu chuẩn truyền thống về vẻ đẹp ở Trung Quốc thực chất vẫn là ưa chuộng đôi mắt hí. Ví dụ, các bức tranh từ thời nhà Đường từ năm 618 đến năm 907 sau Công nguyên – thời kỳ được nhiều người coi là thời kỳ hoàng kim về nghệ thuật và văn hóa của Trung Quốc - thì nổi bật là phụ nữ có đôi mắt dài và hẹp.

Tiến sĩ Jaehee Jung, một chuyên gia về hành vi người tiêu dùng tại Đại học Delaware, cho biết: “Mặc dù có một số thay đổi trong các triều đại khác nhau, nhưng đôi mắt hẹp hơn vẫn được ưa chuộng ở Trung Quốc cổ đại.

Trớ trêu thay, sở thích hiện nay đối với đôi mắt to tròn có thể là một hiện tượng bị ảnh hưởng bởi phương Tây gần đây. Một số chuyên gia tin rằng sự thay đổi mới nhất về tiêu chuẩn cái đẹp bắt đầu vào khoảng cuối những năm 1970, nhờ vào việc tiếp xúc với với thế giới khi Trung Quốc mở cửa.

Tiến sĩ Jung cho biết: “Phụ nữ ở Trung Quốc đương đại dường như tán thành phần lớn các tiêu chuẩn phương Tây về lý tưởng vẻ đẹp phụ nữ được phổ biến trên truyền thông.

Ngày nay, đôi mắt to tròn được đánh giá cao đến mức không hiếm phụ nữ trẻ Trung Quốc trang điểm, thậm chí làm phẫu thuật thẩm mỹ để làm mắt to hơn, chẳng hạn như tạo nếp mí "hai mí".

Nhưng đối với cô Thái, người mẫu đang là tâm điểm của cuộc tranh cãi mới nhất, cô hy vọng rằng mọi người có thể "tử tế" hơn với những người có vẻ ngoài khác biệt. Trên Weibo, Thái Nương Nương rằng bản thân không nên bị ném đá ngay cả khi họ không đánh giá cao vẻ ngoài đặc biệt của cô.

"Đôi mắt của tôi chỉ là thế này, thực tế là chúng còn nhỏ hơn ngoài đời... Mỗi người đều có sức hấp dẫn riêng!"

Anh Tú