Do mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga, Mỹ khó giảm bớt phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:09, 03/01/2022

Hướng dẫn an ninh quốc gia tạm thời hồi tháng 3.2021 của Mỹ có nêu “sẽ thực hiện các bước để giảm vai trò vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh của mình”. Song, điều này có thể thay đổi do mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Nga.

Việc Joe Biden làm ông chủ Nhà Trắng gần 1 năm trước dường như báo hiệu một sự thay đổi lịch sử với việc Mỹ ít phụ thuộc hơn vào vũ khí hạt nhân và có thể là số lượng vũ khí của họ đang giảm dần. Ngay cả cam kết Mỹ sẽ không bao giờ trở thành nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân cũng có vẻ khả thi.

Song sau đó, Trung Quốc tiết lộ về kho vũ trí hạt nhân đang mở rộng và nhắc đến chiến tranh tiềm tàng với Đài Loan. Tiếp đến, Nga có những dấu hiệu cho thấy có thể đang chuẩn bị tấn công Ukraine.

Giờ đây, những thay đổi lớn trong chính sách vũ khí hạt nhân của Mỹ dường như ít có khả năng xảy ra hơn. Trong khi ông Biden có thể nhấn mạnh vào một số điều chỉnh nhất định, động lực hướng tới sự rời bỏ khỏi chính sách của chính quyền Trump dường như bị đình trệ.

Triển vọng sẽ rõ ràng hơn khi chính quyền Biden hoàn thành việc xem xét vị thế hạt nhân - cái nhìn nội bộ về số lượng, loại và mục đích của vũ khí trong kho vũ khí hạt nhân, cũng như các chính sách chi phối việc sử dụng tiềm năng của chúng. Kết quả có thể được công bố sớm nhất vào tháng 1.2022.

Ẩn số lớn nhất là ông Biden sẽ cân nhắc điều này theo cách mạnh mẽ như thế nào, dựa trên các tính toán của Nhà Trắng về rủi ro chính trị. Những năm làm Phó tổng thống Mỹ, ông Biden đã nói về những định hướng mới trong chính sách hạt nhân. Thế nhưng, sự lo ngại Trung Quốc và Nga gia tăng khiến những người đảng Cộng hòa đang tìm cách mô tả sự thay đổi đó như món quà cho các đối thủ về hạt nhân.

Nga trở thành tâm điểm chú ý khẩn cấp hơn của ông Biden sau khi Tổng thống Vladimir Putin những tuần gần đây đã gửi khoảng 100.000 quân đến các vị trí gần biên giới Ukraine. Ông Biden và Putin đã thảo luận về Ukraine qua điện thoại hôm 30.12.2021. Các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga dự kiến ​​sẽ theo dõi tình hình chi tiết hơn trong các cuộc đàm phán tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 9 - 10.1.2022.

Tom Z. Collina, Giám đốc chính sách tại Plowshares Fund (nền tảng hòa bình và an ninh toàn cầu), một người ủng hộ việc giải trừ hạt nhân, nói rằng các vấn đề của Trung Quốc và Nga làm phức tạp thêm tình hình chính trị từ cuộc rà soát hạt nhân của Biden nhưng không nên ngăn cản ông hành động để giảm bớt nguy cơ hạt nhân.

Tom Z. Collina nói: “Chúng tôi không muốn cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới với một trong hai quốc gia và cách duy nhất để ngăn chặn điều đó là bằng ngoại giao. Chúng ta phải nhớ bài học chính đã học được trong Chiến tranh Lạnh với Nga - cách duy nhất để giành chiến thắng trong một cuộc chạy đua vũ trang là không làm điều đó”.

Vào tháng 3.2021, trong điều mà Nhà Trắng gọi là hướng dẫn an ninh quốc gia tạm thời, ông Biden nói rằng Trung Quốc và Nga đã thay đổi “sự phân bổ quyền lực trên toàn thế giới”.

Hướng dẫn cho biết: “Cả Trung Quốc và Nga đều đầu tư rất nhiều vào các nỗ lực nhằm kiểm tra sức mạnh của Mỹ, ngăn cản chúng ta bảo vệ lợi ích của mình và các đồng minh trên toàn thế giới”. Ông Biden cam kết sẽ đáp trả bằng các hành động nhằm củng cố sức mạnh của Mỹ trong nước, củng cố các liên minh ở nước ngoài và nâng cao vai trò của ngoại giao. Vũ khí hạt nhân chỉ được đề cập ngắn gọn.

Chúng tôi sẽ thực hiện các bước để giảm vai trò vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia của mình”, hướng dẫn cho biết mà không nêu chi tiết, đồng thời đảm bảo lực lượng hạt nhân an toàn và đáng tin cậy của Mỹ cũng như tìm kiếm cơ hội kiểm soát vũ khí.

Kể từ đó, những lo lắng về Trung Quốc và Nga chỉ ngày càng gia tăng. Hình ảnh vệ tinh tư nhân tiết lộ vào mùa hè năm ngoái rằng Trung Quốc đang xây dựng số lượng lớn các hầm chứa mới cho tên lửa hạt nhân. Hồi tháng 11.2021, một báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc có thể tăng gấp 4 lần quy mô kho hạt nhân của mình vào 2030.

trung-quoc-va-nga-de-doa-my-kho-giam-bot-phu-thuoc-vao-vu-khi-hat-nhan.jpeg
Hình ảnh vào ngày 2.10.2019 do Không quân Mỹ cung cấp cho thấy một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman 3 tại Căn cứ Không quân Vandenberg, bang California 

Robert Soofer, quan chức chính sách hạt nhân hàng đầu của Lầu Năm Góc trong chính quyền Trump và đã dẫn đầu cuộc đánh giá hạt nhân năm 2018, nhận xét: “Vì những gì đã làm, Trung Quốc thực sự thay đổi cục diện của cuộc đánh giá này. Thay vì là bài đánh giá xem xét việc giảm thiểu vai trò của vũ khí hạt nhân và thậm chí loại bỏ một phần của bộ ba (Mỹ-Trung-Nga), giờ đây về cơ bản họ có nghĩa vụ phải tuân theo quy trình và xác định cách điều chỉnh nó ở bên lề”.

Hồi tháng 6, ngay cả trước đợt tăng quân mới nhất của Nga gần Ukraine, Colin Kahl - người đứng đầu chính sách của Lầu Năm Góc cho biết triển vọng về chính sách hạt nhân của Mỹ không chỉ bị “tô màu” bởi tham vọng hạt nhân từ Trung Quốc mà còn bởi sự lo lắng thực sự trong các đồng minh chính quyền Biden ở châu Âu về chính sách quốc phòng và hạt nhân của Nga.

Do đó, rõ ràng Nga là ‘con sói gần chuồng nhất’ vì nước này liên quan đến vấn đề hạt nhân, nhưng đằng sau là mong muốn của Trung Quốc trong việc phát triển kho vũ khí hạt nhân của họ, cả về số lượng và chất lượng”, Colin Kahl nói tại một hội nghị chính sách hạt nhân được tài trợ bởi Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Carnegie Endowment for International Peace vào ngày 23.6.2021.

Colin Kahl không xem trước kết quả đánh giá chính sách, nhưng nói dự định nó phù hợp với chiến lược quốc phòng rộng lớn hơn. Chiến lược này cũng sẽ được công bố vào đầu năm 2022.

Lầu Năm Góc chưa thảo luận công khai chi tiết về việc rà soát hạt nhân, nhưng chính quyền Biden dường như vẫn giữ các đường nét hiện có của lực lượng hạt nhân - “bộ ba” vũ khí trên biển, trên không và trên bộ truyền thống, mà các nhà phê bình gọi là quá mức cần thiết. Nó cũng có thể bao gồm một quá trình hiện đại hóa hơn 1.000 tỉ USD của lực lượng đó, được đưa ra bởi chính quyền Obama và tiếp tục với Trump.

Chưa rõ liệu ông Biden có chấp thuận bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong cái được gọi là "chính sách phát ngôn", trong đó nêu rõ mục đích của vũ khí hạt nhân và các trường hợp mà chúng có thể được sử dụng không.

Chính quyền Obama, với ông Biden làm Phó tổng thống Mỹ, đã tuyên bố vào năm 2010 rằng họ sẽ “chỉ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong những tình huống cực đoan để bảo vệ lợi ích quan trọng của Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của họ”. Thế nhưng, chính quyền Obama không xác định "những tình huống cực đoan" là thế nào.

8 năm sau, chính quyền Trump điều chỉnh lại chính sách của Obama nhưng cụ thể hơn: “Tình huống cực đoan có thể bao gồm các cuộc tấn công chiến lược phi hạt nhân hóa nghiêm trọng. Các cuộc tấn công chiến lược phi hạt nhân hóa đáng kể bao gồm các cuộc tấn công vào dân cư hoặc cơ sở hạ tầng dân sự của Mỹ, đồng minh hoặc đối tác, sự chỉ huy và kiểm soát của họ hoặc khả năng đánh giá cảnh báo và tấn công”.

Một số người tin rằng Biden với tư cách là Tổng thống Mỹ sẽ đi theo một hướng khác, theo lời cam kết "không là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân". Ông Biden từng nói trong một bài phát biểu vào tháng 1.2017: “Với khả năng phi hạt nhân hóa của chúng ta và bản chất của các mối đe dọa ngày nay, thật khó để hình dung một kịch bản hợp lý trong đó việc sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên của Mỹ là cần thiết hoặc có ý nghĩa”.

Thế nhưng, một số người cho rằng Trung Quốc và Nga năm nay đã thay đổi định nghĩa “các mối đe dọa ngày nay”, khiến ông Biden phải thận trọng.

Sơn Vân