FDA phê duyệt mũi vắc xin Pfizer thứ 3 cho lứa 12-15 tuổi, tiêm cả cho trẻ 5-11 tuổi suy giảm miễn dịch

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 23:00, 03/01/2022

FDA hôm 3.1.2022 đã cấp phép sử dụng mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ ba cho trẻ em 12 - 15 tuổi, đồng thời rút ngắn thời gian tiêm liều tăng cường từ 6 tháng xuống còn 5 tháng sau hai liều chính.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng cho phép tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ ba ở trẻ em 5-11 tuổi bị suy giảm miễn dịch.

FDA cho biết họ đã xem xét dữ liệu được công bố và bằng chứng thực tế về sự an toàn của mũi tăng cường do Bộ Y tế Israel cung cấp, bao gồm dữ liệu từ hơn 6.300 cá nhân 12 - 15 tuổi đã được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech.

Các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đang tăng cao chủ yếu do Omicron gây ra và các cơ quan y tế đã cảnh báo rằng khả năng lây truyền cực cao của biến thể này có thể gây quá tải cho nhiều hệ thống y tế.

Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng hai mũi vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna tạo ra đáp ứng miễn dịch thấp với Omicron, trong khi mũi tăng cường dường như bảo vệ chống lại biến thể này.

Hầu hết vắc xin hiện tại vẫn cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh nghiêm trọng do SARS-CoV-2 gây ra. Thế nhưng, các cơ quan y tế đang khuyến khích mọi người đủ điều kiện đi tiêm mũi vắc xin tăng cường để có cơ hội tốt nhất tránh nhiễm trùng đột phá từ biến thể Omicron rất dễ lây lan.

Trẻ em có xu hướng ít bị bệnh nghiêm trọng hơn do COVID -19 so với người lớn. Tuy nhiên, số trẻ em nhập viện đang tăng lên trong làn sóng dịch Omicron và hầu hết trong số chúng chưa tiêm vắc xin.

Vắc xin do hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) sản xuất là lựa chọn duy nhất ở Mỹ cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 13,5 triệu thanh thiếu niên 12 - 17 tuổi nước này đã nhận hai mũi vắc xin Pfizer-BioNTech (chiếm tỷ lệ khoảng 50% ở lứa tuổi đó).

fda-phe-duyet-mui-vac-xin-pfizer-thu-3-cho-lua-12-15-tuoi.jpg
Brendan Lo (13 tuổi) nhận một liều vắc-xin Pfizer-BioNTech tại New York, Mỹ - Ảnh: Reuters

Với các gia đình hy vọng giữ cho con cái của họ được bảo vệ tốt nhất có thể, độ tuổi tiêm mũi vắc xin tăng cường là vấn đề cần quan tâm.

Thanh thiếu niên 16 và 17 tuổi đủ điều kiện nhận mũi vắc xin tăng cường ở Mỹ vào đầu tháng 12.2021.

Với trẻ em 5 - 11 tuổi, liều lượng vắc xin Pfizer-BioNTech chỉ bằng 1/3 so với người từ 12 tuổi trở lên (10 microgram so với 30 microgram).

FDA cũng cho biết, nếu có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, trẻ nhỏ sẽ được phép tiêm mũi Pfizer-BioNTech thứ ba sau 28 ngày kể từ liều hai. Đó cũng là thời điểm tiêm mũi vắc xin thứ ba đã được khuyến nghị cho thanh thiếu niên và người lớn bị suy giảm hệ miễn dịch.

Pfizer đang nghiên cứu loại vắc xin của mình, với liều lượng nhỏ hơn, dành cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Đợt bùng phát dịch Omicron mới nhất quét qua Mỹ, phần lớn là do biến thể Omicron rất dễ lây lan gây ra, dẫn đến sự gia tăng đáng lo ngại về số ca nhập viện ở trẻ em kèm theo lo lắng từ bậc cha mẹ trên toàn quốc.

Một số bang đã báo cáo mức tăng khoảng 50% số ca nhập viện ở trẻ em do COVID-19 vào tháng 12.2021.

Song ngay cả khi các chuyên gia bày tỏ lo ngại về sự gia tăng đáng kể số ca nhập viện (tăng hơn gấp đôi ở người lớn), các bác sĩ và nhà nghiên cứu nói không thấy bằng chứng cho thấy Omicron đe dọa nhiều hơn với trẻ em.

Trên thực tế, dữ liệu sơ bộ cho thấy Omicron dường như gây bệnh nhẹ hơn ở trẻ em so với biến thể Delta. Tiến sĩ David Rubin, nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, nói: “Tôi nghĩ câu chuyện quan trọng cần kể ở đây là mức độ nghiêm trọng đang giảm dần và nguy cơ trẻ em mắc bệnh nghiêm trọng dường như sẽ thấp hơn”.

Ông và các chuyên gia khác cho biết số trẻ em nhập viện gia tăng phần lớn do nhiễm một trong hai biến thể Delta hay Omicron cũng như tỷ lệ tiêm vắc xin thấp ở trẻ em từ 5 tuổi.

Trẻ nhỏ hơn (dưới 5 tuổi) ở Mỹ chưa được tiêm vắc xin và chỉ những người từ 16 tuổi trở lên mới đủ điều kiện để tiêm mũi tăng cường, mang lá chắn hiệu quả nhất chống lại nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và nhập viện.

Kết quả là trẻ em nhìn chung ít được bảo vệ trước SARS-CoV-2 so với người lớn. Trong tuần kết thúc vào ngày 23.12, khoảng 199.000 ca COVID-19 ở trẻ em được báo cáo trên toàn quốc, tăng 50% so với đầu tháng 12, theo Học viện Nhi khoa Mỹ.

Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, cứ 10 trẻ em nước này thì có 1 bé xét nghiệm dương tính với COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Trên khắp nước Mỹ vào hai tuần trước, có trung bình 1.200 trẻ em mỗi ngày phải nhập viện vì COVID-19, tăng so với 800 vào cuối tháng 11, theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Những con số này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh vào tháng 9.2020 nhưng các chuyên gia lo ngại về một làn sóng trẻ em nhập viện trong những tuần tới do Omicron lan rộng, các cuộc tụ họp trong kỳ nghỉ và việc trở lại lớp học sau ngày 1.1.2022.

Tiến sĩ Patricia Manning, Chánh văn phòng tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, cho biết: “Chúng tôi chỉ đang nín thở và chuẩn bị cho cơn sóng thần tác động”.

Sơn Vân