Người khỏi bệnh COVID-19 có nguy cơ kháng thể tăng cao tấn công nhầm cơ thể
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 09:27, 04/01/2022
Nhiều tháng sau khi khỏi COVID-19, những người sống sót có nồng độ kháng thể tăng cao có thể tấn công nhầm các cơ quan và mô của chính họ, ngay cả khi trước đó không bị bệnh nặng.
Theo nghiên cứu mới, trong số 177 nhân viên y tế mắc COVID-19 và khỏi bệnh trước lúc tiêm vắc xin, tất cả đều có tự kháng thể bền bỉ, bao gồm cả những kháng thể có thể gây viêm mãn tính và tổn thương khớp, da, hệ thần kinh.
Tự kháng thể là kháng thể (các protein miễn dịch) do nhầm lẫn mục tiêu nên gây tổn thương các mô hoặc các cơ quan của cơ thể.
Susan Cheng thuộc Viện Tim Cedars-Sinai Smidt ở thành phố Los Angeles (Mỹ) cho biết: “Thông thường chúng tôi sẽ không mong đợi thấy một loạt các tự kháng thể tăng lên ở những người này hoặc duy trì tăng cao trong vòng 6 tháng sau khi hồi phục hoàn toàn về mặt lâm sàng. Chúng tôi vẫn chưa biết bao lâu nữa, ngoài 6 tháng, các kháng thể sẽ tiếp tục tăng cao và dẫn đến bất kỳ triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng nào. Nó sẽ là điều cần thiết để giám sát các cá nhân trong tương lai".
Nhóm của bà Susan Cheng đang điều tra xem liệu việc tăng tự kháng thể có liên quan đến các triệu chứng dai dẳng ở những người bị COVID-19 kéo dài không và lên kế hoạch nghiên cứu mức độ tự kháng thể sau khi nhiễm các biến thể SARS-CoV-2 mới hơn.
Các nhà nghiên cứu đã báo cáo điều này trên Tạp chí Y học Dịch thuật.
Tế bào B suy yếu nhưng không bị Omicron đánh bại
Các nhà nghiên cứu tin rằng tác động từ các kháng thể được tạo ra bởi tế bào bộ nhớ (tế bào B) của hệ thống miễn dịch chống lại biến thể Omicron vẫn có thể rất đáng kể, dù bị suy yếu.
Lúc cơ thể học cách nhận biết SARS-CoV-2, sau khi nhiễm trùng hoặc tiêm vắc xin, các tế bào B tạo ra kháng thể mới chống lại vi rút, nếu chưa có đủ kháng thể lưu hành trong máu có thể vô hiệu hóa nó. Trong nghiên cứu được báo cáo trên bioRxiv trước khi đánh giá đồng cấp, các nhà nghiên cứu phân tích sức mạnh của hơn 300 kháng thể được tạo ra bởi các tế bào B thu được từ những người tình nguyện đã tiêm vắc xin, bao gồm cả một số người nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.
"Omicron dường như tránh một phần rất lớn trong nhóm tế bào B. Song Omicron dường như vẫn bị nhận ra bởi 30% tổng số kháng thể và gần 10% của tất cả các kháng thể trung hòa mạnh", Matthieu Mahevas và Pascal Chappert của Đại học Paris (Pháp) cho biết trong một email chung.
Họ suy đoán rằng khả năng tăng sinh và sản xuất kháng thể mạnh mẽ của tế bào B có thể bù đắp "trong vòng chưa đầy 2 ngày" cho việc giảm hiệu quả của các kháng thể đó.
Kết hợp với các thành phần khác của hệ thống miễn dịch, đặc biệt là tế bào T, tác động của tế bào B có thể giúp giải thích tại sao hầu hết những người được tiêm đủ liều vắc xin mắc COVID-19 không bị bệnh đến mức phải nhập viện, họ nói.
Hoạt động trong tế bào làm cho các biến thể SARS-CoV-2 dễ lây truyền hơn
Cùng với các protein gai đột biến giúp SARS-CoV-2 đột nhập vào tế bào, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những đột biến làm thay đổi cách thức hoạt động của vi rút bên trong tế bào là một yếu tố quan trọng giải thích tại sao một số biến thể dễ lây truyền hơn.
Theo Nevan Krogan từ Đại học California (thành phố San Francisco), phát hiện được công bố trên Tạp chí Nature cho thấy các nhà khoa học "phải bắt đầu xem xét các đột biến bên ngoài gai".
Nghiên cứu biến thể Alpha, nhóm của ông Nevan Krogan đã tìm thấy một đột biến tại vị trí không phải gai khiến các tế bào nhiễm bệnh tăng cường sản xuất loại protein có tên Orf9B. Orf9b lần lượt vô hiệu hóa protein TOM70 mà các tế bào sử dụng để gửi tín hiệu đến hệ thống miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu cho biết, với mức độ Orf9B vô hiệu hóa TOM70 cao hơn, hệ thống miễn dịch không phản ứng và vi rút có thể tránh bị phát hiện tốt hơn.
Đề cập đến sự gia tăng của Orf9B, Nevan Krogan nói: "Hiếm khi các đột biến làm biến đổi một loại protein. Đó là một việc rất lén lút với loại vi rút này".
Ông nói đột biến tương tự đã được xác định trên Delta và chắc chắn gần như cùng một đột biến trên Omicron. Điều này cho thấy các biến thể này có thể có tác dụng tương tự với hệ thống miễn dịch.
Thông tin mới có thể thúc đẩy sự phát triển của các loại thuốc nhắm vào sự tương tác của Orf9b và TOM70.
FDA: Khoảng thời gian chờ tiêm mũi vắc xin Moderna COVID-19 thứ hai và thứ ba vẫn là 6 tháng
Khoảng thời gian chờ nhận liều thứ ba vắc xin COVID-19 của Moderna vẫn không thay đổi là 6 tháng, Quyền Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ - Janet Woodcock cho biết hôm 3.1.2022.
"Ngay bây giờ, nếu đã nhận vắc xin Johnson & Johnson, bạn sẽ được tiêm mũi tăng cường cường sau 2 tháng. Nếu đã tiêm 2 liều vắc xin Pfizer, bạn có thể nhận mũi tăng cường sau 5 tháng hoặc hơn. Nếu đã nhận vắc xin Moderna, bạn có thể tiêm mũi tăng cường sau 6 tháng hoặc hơn", Janet Woodcock nói trong một cuộc gọi báo chí.Lý giải cho điều này vì vắc xin Moderna duy trì hiệu lực bảo vệ lâu hơn so với Pfizer và Johnson & Johnson. Cùng công nghệ mRNA nhưng liều lượng một mũi tiêm của Moderna là 100 microgram, so với 30 microgram ở Pfizer.