Không để doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, vốn ít phát hành trái phiếu

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:54, 04/01/2022

Doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, vốn ít, không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn phát hành trái phiếu sẽ ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư và nền kinh tế đất nước.

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và là kênh đầu tư hấp dẫn. Tính đến cuối năm 2021, vốn hóa thị trường đạt hơn 7,5 triệu tỉ đồng, tăng trên 45% so với cuối năm 2020 và xấp xỉ đạt gần 100% GDP. VN-Index lần đầu vượt mốc 1.500 điểm vào ngày 26.11, đánh dấu đỉnh lịch sử về chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

trai-phieu-doanh-nghiep-0744.jpg
Bộ trưởng yêu cầu siết điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thời gian tới - Ảnh: Internet

Đáng chú ý, năm 2021, các chỉ số chứng khoán tăng lên vùng đỉnh lịch sử, thanh khoản cũng tăng mạnh mẽ, liên tục là những phiên giao dịch hơn 1 tỉ USD, thậm chí có những phiên hơn 2 tỉ USD. Tài khoản chứng khoán mở mới năm 2021 bằng 4 năm trước đó cộng lại.

Huy động vốn trên thị trường chứng khoán năm 2021 tăng 25% so với năm 2020, đặc biệt là phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.588 tỉ đồng, tăng 2 - 3 lần so với năm 2020.

Trong phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022 ngày hôm nay (4.1), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận, thị trường trái phiếu vẫn có những "lỗ hổng" cần phải "bịt" lại. Nếu doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, vốn ít, không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn phát hành trái phiếu sẽ ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư, đến nền kinh tế đất nước. Do vậy, cần phải hoàn thiện khung pháp lý để chấn chỉnh điều này.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, nhằm siết lại các điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo để đảm bảo sự minh bạch và phù hợp với năng lực của doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh lành mạnh trên thị trường chứng khoán.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, tình trạng nghẽn lệnh giao dịch tại sàn TP.HCM (HOSE) đã được xử lý triệt để, phục vụ kịp thời nhu cầu đầu tư tăng cao vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục cải tiến hệ thống thì trong tương lai gần có thể sẽ tiếp tục xảy ra nghẽn lệnh. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam chỉ đạo HOSE, cùng với Công ty cổ phần FPT luôn chủ động để không xảy ra nghẽn lệnh giao dịch.

Bộ trưởng yêu cầu ngành chứng khoán tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Ở một diễn biến khác, trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2022, VN-Index đã lập đỉnh lịch sử của chính mình sau 21 năm hoạt động với 1.525,58 điểm. Thanh khoản thị trường tăng đáng kể với giá trị giao dịch trên HOSE vượt 28.600 tỉ đồng.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch đầu tiên trong năm mới 2022, sàn HOSE có 332 mã tăng và 137 mã giảm, VN-Index tăng 27,30 điểm (tăng 1,82%), lên 1.525,58 điểm.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng 0,11 điểm (tăng 0,02%), lên 474,1 điểm với 144 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 97,1 triệu đơn vị, giá trị 2.787,8 tỉ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chạm mốc cao nhất ngày khi đóng cửa. Chốt phiên giao dịch ngày 4.1, UpCoM-Index tăng 1,03 điểm (tăng 0,91%), lên 113,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 111,4 triệu đơn vị, giá trị 2.526 tỉ đồng.

Tuyết Nhung