Ngành chip Đài Loan là mặt trận cạnh tranh của Mỹ - Trung

Quốc tế - Ngày đăng : 09:04, 05/01/2022

Đài Loan cùng với ngành sản xuất chip rất phát triển của mình đã trở nên không thể thiếu đối với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Tập đoàn TSMC (Đài Loan) hiện giữ vị thế thống trị trong chế tạo những sản phẩm chip tiên tiến nhất, họ nắm bắt được công nghệ quan trọng và hiện chiếm hơn 90% sản lượng toàn cầu. Vì vậy mà Mỹ - Trung đều đang ở thế phụ thuộc.

Để giảm phụ thuộc, Washington thuyết phục TSMC mở xưởng tại Mỹ sản xuất chip tiên tiến, đồng thời chi hàng tỷ USD tái xây dựng ngành chip nội địa. Bắc Kinh cũng bỏ ra số tiền đầu tư lớn phát triển ngành chip trong nước, nhưng trình độ của nước này tụt hậu so với Đài Loan ít nhất một thập kỷ.

Xưởng sản xuất chip rất có giá trị, một số người xem đây là “lá chắn silicon” giúp Đài Loan tránh khỏi nguy cơ bị Trung Quốc tấn công và đảm bảo nhận được hỗ trợ từ Mỹ.

Trả lời phỏng vấn của Reuters vào tháng 9, quan chức kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa cho biết ngành chip gắn chặt với tương lai của họ. Theo bà Vương: “Đây không chỉ là vấn đề an ninh kinh tế mà dường như còn liên quan đến an ninh tổng thể của chúng tôi”.

Về cách nói “lá chắn silicon”, cơ quan kinh tế Đài Loan đưa ra tuyên bố: “Thay vì nói ngành chip đóng vai trò “lá chắn silicon” của Đài Loan, sẽ thích hợp hơn khi nói Đài Loan có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Các xưởng TSMC tọa lạc ở vị trí cực kỳ nguy hiểm: vùng đồng bằng hẹp dọc theo bờ biển phía tây Đài Loan đối mặt Trung Quốc – nơi mà giới chuyên gia quân sự đánh giá thích hợp để đổ bộ nếu một cuộc tấn công quân sự nổ ra. Ngoài ra khu phức hợp trụ sở TSMC cũng chỉ cách bờ biển 12 km.

Sự nguy hiểm bộc lộ rõ trong một cuộc diễn tập chống tấn công thành phố công nghiệp Đài Trung (phía tây Đài Loan) - nơi TSMC đặt xưởng Gigafab 15 sản xuất chip tiên tiến - vào tháng 7.2020. Lính dù đóng vai kẻ địch đổ bộ xuống căn cứ không quân gần đó rồi chiếm tháp kiểm soát chỉ cách Gigafab 15 khoảng 9 phút lái xe, ngoài khơi có lực lượng tiến vào, Đài Loan dùng không kích, tên lửa, pháo binh đẩy lùi cuộc tấn công.

ngtsmc1(1).jpg
Những xưởng sản xuất của TSMC nằm ở vị trí dễ bị tấn công quân sự - Ảnh: Reuters

Bình luận về cuộc tập trận, truyền thông phía Trung Quốc đưa ra một phương án tấn công khác: dùng tên lửa tấn công hàng loạt trước khi đổ bộ.

Khi được hỏi về mối đe dọa trên, cơ quan kinh tế Đài Loan nhận định dù Trung Quốc chưa hề từ bỏ ý định thống nhất bằng vũ lực, nhưng họ chưa bao giờ nhắm đến cơ sở sản xuất chip, hơn nữa đảo tự trị đủ sức quản lý rủi ro này.

Sự trỗi dậy của ngành chip Đài Loan

Theo Viện nghiên cứu Công nghệ công nghiệp Đài Loan, mọi chuyện bắt đầu từ một bữa sáng tại một quán ăn ở thành phố Đài Bắc đầu năm 1974, một giám đốc điều hành gốc Hoa làm việc cho công ty Mỹ Radio Corporation of America (RCA) thảo luận với quan chức Đài Loan về ý tưởng xây dựng cả một ngành công nghiệp bán dẫn của đảo tự trị. Đài Loan sau đó đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ với RCA, bắt đầu gửi kỹ sư sang làm việc.

“Lúc đó không ai biết công nghệ này lại trở nên quan trọng như vậy”, cựu quan chức công nghệ Đài Loan Trần Lương Cơ cho biết.

Năm 1985, kỹ sư Trương Trung Mưu với kinh nghiệm làm việc cho công ty Mỹ Texas Instruments được tuyển dụng để phụ trách phát triển công nghệ ở Đài Loan. Năm 1987, ông sáng lập TSMC (chính phủ đảo tự trị là cổ đông lớn).

rts1ff8b.jpg
Ông Trương Trung Mưu - Ảnh: Reuters

Ông Trương có một quyết định góp phần tái định hình ngành chip toàn cầu: TSMC sẽ là đơn vị sản xuất thuần túy – chuyên gia công cho đơn vị khác. Đơn hàng từ phương Tây ồ ạt đổ về, vì nhiều công ty muốn tập trung vào khâu thiết kế và cắt giảm chi phí.

Khi phát biểu vào tháng 4 năm 2021, ông Trương ví ngành chip Đài Loan như “dãy núi thần thánh bảo vệ đảo”. Đài Loan hiện chiếm 92% năng lực sản xuất sản phẩm bán dẫn tiên tiến nhất, 8% còn lại thuộc về Hàn Quốc.

Nỗi lo của Mỹ

Khi Trung Quốc tăng cường đe dọa quân sự Đài Loan, Mỹ càng thêm lo lắng về tình trạng phụ thuộc của mình.

Ở lĩnh vực bán dẫn, Mỹ vẫn giữ ưu thế về nghiên cứu - phát triển và thiết kế chip, nhưng nước này lâu nay đi theo hướng thuê đối tác nước ngoài - chủ yếu là Đài Loan - sản xuất.

Theo cựu quan chức Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Martijn Rasser: “Washington rất lo ngại Trung Quốc kiểm soát được năng lực sản xuất sản phẩm bán dẫn của Đài Loan. Đây sẽ là một đòn tàn phá đối với kinh tế lẫn với quân đội Mỹ”.

Ngày 8.12.2021, quan chức cấp cao Lầu Năm Góc Ely Ratner nói với Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ rằng ngành chip Đài Loan là lý do chính khiến an ninh của đảo tự trị lại cực kỳ quan trọng với Mỹ.

Khi được hỏi về vấn đề trên, Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng không bình luận gì về tình trạng phụ thuộc sản xuất chip, nhưng khẳng định Washington xem bất cứ nỗ lực quyết định tương lai Đài Loan không phải nỗ lực hòa bình đều là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh phía tây Thái Bình Dương.

g7ikafjskbmtrgf6sjwhhfs264.jpg
Mỹ cố gắng giảm phụ thuộc chip bằng cách khuyến khích xây xưởng sản xuất nội địa - Ảnh: The New York Post

Một số người cảnh báo vị thế quan trọng trong ngành chip của Đài Loan dù rõ ràng là ưu thế chiến lược. Ông Wallace Gregson - cựu quan chức quốc phòng dưới thời Tổng thống Barack Obama - chỉ ra rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sâu sắc giữa các quốc gia châu Âu đã không thể ngăn Thế chiến thứ nhất nổ ra.

Ngoài bài học từ lịch sử, ông Gregson còn lưu ý Chủ tịch Tập Cận Bình rất quyết tâm thống nhất Đài Loan. Nhà lãnh đạo Trung Quốc kiên định giữ mục tiêu này nên sẽ không lùi bước.

Với Mỹ và Trung Quốc, bất cứ bên nào tiếp cận được những con chip ứng dụng cho cả hầu hết công nghệ quân sự lẫn dân sự đều mang đến mối nguy lớn.

Chip được xếp vào hàng tiên tiến nhất là sản phẩm có kích thước từ 10 nanomet trở xuống. Trong báo cáo trình Quốc hội Mỹ tháng 3 trước, Ủy ban An ninh quốc gia về Trí tuệ nhân tạo cảnh báo: “Nếu một đối thủ tiềm năng vượt qua Mỹ ở lĩnh vực bán dẫn trong thời gian dài hoặc đột ngột cắt đứt hoàn toàn quyền truy cập của Mỹ với sản phẩm chip tiên tiến, họ có thể chiếm ưu thế trong mọi phương diện chiến đấu”.

Thách thức với Trung Quốc

Rủi ro với Trung Quốc còn cao hơn. Mất nguồn cung chip từ Đài Loan sẽ khiến nền công nghiệp Trung Quốc sụp đổ.

Theo báo cáo công bố vào tháng 10.2020 của Vụ Khảo cứu thuộc Quốc hội Mỹ, Trung Quốc chiếm 60% nhu cầu sản phẩm bán dẫn toàn thế giới, hơn 90% sản phẩm bán dẫn được sử dụng tại Trung Quốc là hàng nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước nhưng bởi đơn vị nước ngoài.

Quý đầu tiên của năm 2021, gần 50% hàng xuất sang Trung Quốc của Đài Loan là sản phẩm bán dẫn – tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối những năm 1990, nhà lãnh đạo Đài Loan lúc đó là ông Lý Đăng Huy từng áp đặt hạn chế nhằm đảm bảo công ty công nghệ Đài Loan hoạt động tại Trung Quốc không đem công nghệ tốt nhất của họ sang đại lục.

Hạn chế đã dần được nới lỏng, nhưng TSMC cùng một số đối tác vẫn bị cấm xây dựng xưởng sản xuất tiên tiến nhất tại Trung Quốc.

Dưới thời Chủ tịch Tập cầm quyền, Trung Quốc đặt mục tiêu tự chủ về chip. Nhưng hạn chế từ phía Đài Loan lẫn nỗ lực ngăn chặn từ Mỹ, cộng thêm mức độ phức tạp trong sản xuất đặt ra thách thức lớn.

ng2021-09-30t050422z_1480043859_rc210q9j8x10_rtrmadp_3_china-anniversary.jpg
Chủ tịch Tập kiên địch giữ mục tiêu thống nhất Đài Loan - Ảnh: Reuters

Đến nay, SMIC - công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc - chỉ mới làm được chip cấp thấp dùng cho thiết bị điện tử tiêu dùng.

Theo một báo cáo đánh giá do Mỹ thực hiện công bố vào tháng 6, giới chức Trung Quốc chỉ đạo hỗ trợ đến 100 tỷ USD cho ngành chip. Tuy nhiên phần lớn hỗ trợ dẫn đến tổn thất lớn với hàng loạt vụ phá sản, vỡ nợ hay dự án bị bỏ dở.

Một số chuyên gia ngành cho biết thậm chí khi Trung Quốc sở hữu công nghệ và hỗ trợ trực tiếp cho dự án tốt, vẫn không có gì đảm bảo nước này sản xuất thành công chip tiên tiến.

Quy trình sản xuất chip tiên tiến rất phức tạp với hàng nghìn bước, mất khoảng 3 - 4 tháng, đòi hỏi cao về môi trường làm việc, cần thiết bị chính xác để thao tác ở cấp độ hạ nguyên tử.

Ngoài ra, Trung Quốc còn khoảng cách về nhân tài chưa thể rút ngắn. Nước này tuyển dụng được kỹ sư và kỹ thuật viên từ Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ nhưng chưa có đột phá gì.

Đơn vị mạnh như TSMC sở hữu đội ngũ chuyên gia khổng lồ cho nhiều quy trình sản xuất. “Săn đầu người” chỉ mang lại lợi ích ít ỏi mà thôi.

Trong bối cảnh cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều cố giảm phụ thuộc, Đài Loan cũng không khoanh tay đứng nhìn. TSMC đã bắt đầu thử nghiệm sản xuất chip 3 nanomet, đồng thời khởi động nghiên cứu - phát triển chip 2 nanomet. Từ 2021 đến 2025, các công ty có kế hoạch đầu tư hơn 108 tỷ USD vào ngành chip của đảo tự trị.

Cẩm Bình