Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6 - 6,5%
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:48, 05/01/2022
Theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.
Theo đó, cần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, biến thách thức thành cơ hội; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; xác định vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong phòng chống dịch.
Nghị quyết cũng yêu cầu tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước; tập trung thực hiện 3 trọng tâm: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.
Đồng thời, dự thảo cũng nhấn mạnh việc kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm.
Ngoài ra, ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; chú trọng nguồn lực con người, phát triển văn hóa, giáo dục; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; bảo đảm an sinh xã hội, an dân; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh…
Dự thảo cũng nêu mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; đẩy nhanh tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm khoa học, hiệu quả; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị trong nước…
Ngoài ra, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7 - 8%; phấn đấu tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 35% GDP; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…
Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả; phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông; dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đẩy nhanh và đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM…
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học, hoàn thiện hình thức tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đưa học sinh trở lại trường gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67 - 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 27 - 27,5%; phấn đấu cơ bản hoàn thành phê duyệt trong năm 2022 các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Nghị quyết cũng nêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; chú trọng truyên truyền về khát vọng phát triển quốc gia, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt; kịp thời đấu tranh phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái…
Dự thảo nghị quyết giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của bộ ngành, địa phương mình.