Nhiều nước thay đổi cách xét nghiệm, cách ly vì sợ Omicron làm tê liệt nền kinh tế
Quốc tế - Ngày đăng : 06:22, 06/01/2022
Vào thời điểm này năm ngoái, vắc xin COVID-19 mang lại hy vọng rằng đại dịch có thể chấm dứt. Thế nhưng, Omicron đã mang đến những thách thức mới, bao gồm cả quá tải hệ thống y tế công cộng, ngay cả khi nó gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta.
Nhu cầu tăng cao về kit xét nghiệm làm giảm nguồn cung. Tuần trước, dòng người xếp hàng dài bên ngoài các hiệu thuốc ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, cảnh phổ biến kể từ khi Omicron gây gia tăng ca COVID-19.
Nhu cầu xét nghiệm tăng vọt đã dẫn đến các vấn đề ở Ý và Anh. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết hơn 100.000 chỗ đặt xét nghiệm PCR mỗi ngày đã được cung cấp từ giữa tháng 12. Dung lượng đó đã tăng lên 900.000 xét nghiệm PCR và nhanh kháng nguyên mỗi ngày.
UKHSA nói những người ở Anh có kết quả dương tính với COVID-19 trong các xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ không cần xác nhận kết quả bằng PCR nếu họ không xuất hiện các triệu chứng.
Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết tỷ lệ hiện mắc COVID-19 ở Anh ước tính là 1 trên 15 (15 người thì có 1 F0) trong tuần kết thúc vào ngày 31.12.2021, tăng so với ước tính là 1 trên 25 vào tuần trước.
“Trong khi số ca bệnh tiếp tục gia tăng, cách tiếp cận mới là xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể được sử dụng để chỉ ra mắc COVID-19 mà không cần xác nhận bằng PCR”, Giám đốc điều hành Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, Tiến sĩ Jenny Harries, cho hay.
Các xét nghiệm PCR được xử lý trong phòng thí nghiệm và có thể xác định một người nhiễm biến thể nào. Trong khi xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể dùng tại nhà và đưa ra dấu hiệu về khả năng mắc COVID-19 trong vòng 30 phút.
Israel đã thay đổi chính sách cách ly, xét nghiệm như một phần trong nỗ lực tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo tiếp tục bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Bộ Y tế Israrel cho biết các xét nghiệm PCR sẽ được dành riêng cho những người từ 60 tuổi trở lên hoặc có hệ miễn dịch kém. Trong khi những người có nguy cơ thấp hơn sẽ được xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
"Đây là một sự thay đổi quan trọng nhằm xác định các quần thể có nguy cơ sớm hơn, can thiệp và ngăn ngừa dịch bệnh nặng", Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel - Nachman Ash nói trong cuộc họp báo.
Đến nay những người ở Israel tiếp xúc với F0 phải thực hiện các xét nghiệm chính thức. Nếu nhận kết quả dương tính với COVID-19, họ phải tuân theo các quy tắc cách ly do cảnh sát thực thi.
Hôm 5.1.2022, Israel đã báo cáo kỷ lục trong đại dịch với 11.978 ca COVID-19 mới trong 24 giờ. Điều này vượt qua mức cao nhất trước đó là 11.345 ca COVID-19 vào ngày 2.9.2021 trong làn sóng dịch Delta.
Hôm 3.1.2022, Mỹ đã báo cáo gần 1 triệu ca COVID-19 mới, con số hàng ngày cao nhất trên thế giới và gần gấp đôi so với mức đỉnh được thiết lập một tuần trước đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 4.1 đã ủng hộ hướng dẫn cách đây một tuần cho những người đang tìm cách chấm dứt cách ly sau 5 ngày, lưu ý rằng họ có thể xét nghiệm nhanh kháng nguyên nếu muốn nhưng không phải là yêu cầu.
CDC bị các chuyên gia y tế gây áp lực buộc phải đưa ra yêu cầu xét nghiệm sau khi đưa ra hướng dẫn rút ngắn thời gian cách ly bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng từ 10 ngày xuống còn 5 ngày vào tuần trước.
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh cũng giảm thời gian cách ly bắt buộc với những ca COVID-19 trong bối cảnh lo ngại rằng các đợt cách ly kéo dài có thể làm tê liệt các nền kinh tế.
Thủ tướng Ireland - Micheál Martin cho biết nước này sẽ bỏ yêu cầu với những người đã tiêm vắc xin phải có bằng chứng về xét nghiệm âm tính và hoặc khỏi bệnh COVID-19 gần đây khi nhập cảnh.
Một sự gia tăng "siêu âm" về số ca mắc COVID-19 ở Pháp sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới và không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng sẽ đảo ngược, phát ngôn viên của chính phủ cho biết hôm 5.1.2022.
Hôm 4.1.2022, Thụy Điển lập kỷ lục hàng ngày về số ca COVID-19 mới (17.320), với biến thể Omicron thống trị.
Theo thống kê của Reuters, hiện có gần 294 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu với hơn 5,8 triệu người chết.
Người mắc COVID-19 có ở hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi những trường hợp đầu tiên được xác định ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12.2019.