Đại dịch có thể ảnh hưởng đến não trẻ sơ sinh, giảm cân để giảm nguy cơ bị COVID-19 nặng
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 08:39, 06/01/2022
Đại dịch có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh
Phụ nữ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong thai kỳ dường như không ảnh hưởng đến chức năng não của trẻ sơ sinh, nhưng bản thân đại dịch có thể có tác động đến chúng, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí JAMA Pediatrics.
Các nhà nghiên cứu ở thành phố New York (Mỹ) đã theo dõi 255 trẻ sinh đủ tháng trong đại dịch, với 114 bé có mẹ mắc COVID-19 vào thời kỳ mang thai. Tiến sĩ Dani Dumitriu thuộc Đại học Columbia và Viện Tâm thần bang New York cho biết: "Khi các bé được 6 tháng tuổi, các nhà nghiên cứu nhận thấy hoàn toàn không có ảnh hưởng của việc mẹ nhiễm SARS-CoV-2 với sự phát triển thần kinh".
Song nhìn chung, so với 62 trẻ sinh ra trước khi SARS-CoV-2 xuất hiện, những đứa trẻ ra đời trong đại dịch có điểm số thấp hơn một chút ở các hoạt động liên quan đếncơ lớn, các tác vụ đòi hỏi cử động của cơ nhỏ và tương tác cá nhân.
Tiến sĩ Dani Dumitriu nói phát hiện này không có nghĩa là những đứa trẻ đó sẽ phải chịu hậu quả lâu dài. Bà cho biết thêm, đánh giá sau 6 tháng là những yếu tố dự báo kém về kết quả dài hạn.
Nếu nghiên cứu bổ sung xác nhận rằng việc sinh ra trong đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thần kinh thì vẫn có rất nhiều cơ hội để can thiệp và đưa những đứa trẻ này đi đúng quỹ đạo phát triển, theo Dani Dumitriu.
SARS-CoV-2 có thể gây sẹo thận
Theo nghiên cứu mới trong phòng thí nghiệm, vi rút SARS-CoV-2 có thể gây hại trực tiếp cho thận bằng cách gây ra sẹo.
Một báo cáo được công bố trên Tạp chí Cell Stem Cell cho thấy mô sẹo hình thành có thể ảnh hưởng lâu dài đến chức năng thận của những người khỏi COVID-19.
Các nhà nghiên cứu đã cho các bản sao thận nhỏ bé tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 trong ống nghiệm. Họ phát hiện ra vi rút có thể lây nhiễm sang nhiều loại tế bào thận và kích hoạt "công tắc phân tử" bắt đầu quá trình tạo sẹo.
Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ suy giảm chức năng thận cao được thấy trong một nghiên cứu riêng biệt với hơn 90.000 người khỏi COVID-19 có thể do SARS-CoV-2 gây ra sẹo thận.
Jitske Jansen thuộc Trung tâm Y tế Đại học Radboud (Hà Lan) nói rằng nhóm của bà đã tìm thấy một "mảnh ghép khác cho thấy những tác động có hại mà vi rút SARS-CoV-2 có thể gây ra trong cơ thể".
Giảm cân để giảm nguy cơ bị COVID-19 nặng
Giảm cân có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng ngay cả khi người mắc bệnh vẫn béo phì sau đó, theo một báo cáo trên Tạp chí JAMA Surgery.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu 20.212 người trưởng thành béo phì, trong đó có 5.053 người trải qua cuộc phẫu thuật giảm cân trước đại dịch và giảm được một lượng kg đáng kể.
Trung bình những người thuộc nhóm phẫu thuật giảm cân (dù vẫn béo phì về mặt lý thuyết) nhẹ hơn khoảng 20 kg so với những người tham gia nghiên cứu không trải qua phẫu thuật. Dù hai nhóm có tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 tương đương nhau vào khoảng 9%, những F0 đã được phẫu thuật giảm cân trước đó có nguy cơ nhập viện thấp hơn 49%, nguy cơ cần bổ sung oxy thấp hơn 63% và giảm 60 % nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong so với nhóm không phẫu thuật.
Béo phì được biết đến là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh COVID-19 nặng, nhưng vì nghiên cứu không phải là một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng nên không thể chứng minh chắc chắn phẫu thuật giảm cân mang lại kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, các tác giả cho biết những người trải qua phẫu thuật giảm cân có thể khỏe mạnh hơn khi mắc COVID-19.
“Kết quả này hỗ trợ việc đảo ngược các hậu quả sức khỏe của bệnh béo phì với bệnh nhân COVID-19”, đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Steven Nissen của Cleveland Clinic (trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận Mỹ), cho biết.
"Nghiên cứu này cho thấy rằng việc chú trọng giảm cân như một chiến lược sức khỏe cộng đồng có thể cải thiện kết quả trong đại dịch COVID-19... Đó là phát hiện rất quan trọng khi xem xét rằng 40% người Mỹ bị béo phì", ông chia sẻ thêm.