Các trường ĐH giảm chỉ tiêu tuyển sinh, học sinh băn khoăn lo lắng
Giáo dục - Ngày đăng : 10:33, 06/01/2022
Các trường giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh theo kỳ thi tốt nghiệp THPT
Trong phương án tuyển sinh ĐH năm 2022 các trường vừa công bố đã cho thấy tỷ lệ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT giảm mạnh. Tại trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến năm 2022, trường sẽ tuyển khoảng 6.100 chỉ tiêu. Trong đó, số chỉ tiêu xét tuyển dựa trên phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 80 - 85%. Phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chiếm 10 - 15%. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường theo phương thức này dự kiến là 20 điểm bao gồm cả điểm ưu tiên.
Còn trường ĐH Giao thông Vận tải thông báo, trường này dự kiến tuyển 40-50% bằng kết quả thi tốt nghiệp - con số khá cao so với các trường khác ở Hà Nội, những cũng đã giảm khoảng 30% so với năm ngoái, do dành chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. Hàng chục trường khác cũng dùng kết quả các kỳ thi riêng của ba trường kể trên.
Tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022 về cơ bản vẫn giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như các năm 2020, 2021. Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm tới là 7.500 thí sinh, trong đó, trường dành khoảng 20-30% số chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, 60-70% chỉ tiêu xét tuyển dưa vào kết quả thi đánh giá tư duy và chỉ còn khoảng 10-20% tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Bách khoa tiếp tục xét tuyển theo phương thức thi THPT với tỷ lệ hạn chế hơn. Căn cứ vào khuyến cáo của Bộ GD-ĐT, việc đánh giá và xu hướng tổ chức kỳ thi, chúng tôi sẽ không bỏ phương án này, bởi đây là phương án giúp cho thí sinh đặc biệt là thí sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận được quá trình xét tuyển của ĐH Bách khoa Hà Nội và một số ngành/nghề”.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học khác như Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Thủy lợi, Công nghệ Giao thông vận tải, Mỏ - Địa chất, Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cũng dự kiến dành khoảng 20-30% chỉ tiêu để xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì trong mùa tuyển sinh năm 2022.
Ngoài tổ chức kỳ thi riêng, nhiều trường đại học tiếp tục đa dạng phương thức tuyển sinh, trong đó các chứng chỉ quốc tế vẫn được ưa chuộng, tương tự kỳ tuyển sinh năm 2020 và 2021 - khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 tác động mạnh đến kế hoạch du học của nhiều học sinh.
Học sinh băn khoăn, giáo viên lo lắng
Việc giảm mạnh chỉ tiêu tại các trường ĐH khiến nhiều học sinh băn khoăn và đặt ra các mục tiêu khác nhau khi năm 2021, 2022 các học sinh chủ yếu học bằng hình thức trực tuyến. Trao đổi với phóng viên, em Nguyễn Mạnh Linh (Thanh Hóa) dự kiến đăng ký vào trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết năm nay không biết đề thi đánh giá năng lực của nhà trường sẽ ra đề theo hướng nào và có hỗ trợ ôn luyện trước đó cho thí sinh hay không. "Thời gian qua chủ yếu chúng em học trực tuyến, tuy nhiên khối lượng kiến thức tiếp thu vào không nhiều mà chủ yếu em tự học và ôn luyện, có theo học tại lớp ôn luyện nhưng cũng có thời gian lại nghỉ khá dài. Năm nay em thấy đa số các trường top đầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh thông qua kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức, đa số các trường chọn phương án tuyển sinh riêng nên em càng phải cố gắng hơn nữa vào kỳ thi lần này".
Đưa ra ý kiến về việc các trường đồng loạt giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh theo kỳ thi tốt nghiệp THPT, đa số các chuyên gia giáo dục đều cho rằng qua suốt 2 năm dịch bệnh, việc học của các học sinh ảnh hưởng không ít chính vì thế các trường ĐH top đầu muốn đảm bảo chất lượng học tập thì chỉ có thể có các phương án tuyển sinh riêng. "Hơn nữa việc các học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp nhưng khi vào trường ĐH lại không đảm bảo năng lực học tập, yêu cầu của trường sẽ khiến giảm chất lượng học tập, dừng cơ hội tuyển sinh đối với các học sinh khác nên năm 2022 đa số các trường sẽ lựa chọn phương án tuyển thẳng hoặc tuyển sinh theo phương án riêng để đảm bảo chỉ tiêu vào trường".
Bên cạnh đấy, nhiều ý kiến của các giáo viên cho rằng hiện nay Bộ GD-ĐT nên đưa ra các định hướng cụ thể cho các trường về tỷ lệ ra đề thi về kiến thức và ngành nghề nếu như các học sinh lựa chọn trường nghề. Tuy nhiên nhiều ý kiến lại tỏ ra lo ngại việc thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đại học có thể sẽ gây ra thiệt thòi cho những học sinh phải học trực tuyến kéo dài, vì theo hướng dẫn giảm tải ứng phó với dịch bệnh mà Bộ GD-ĐT ban hành đầu năm học này thì tất cả các môn học chỉ giữ lại phần nội dung kiến thức cốt lõi.
Trả lời cụ thể hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) khẳng định hướng dẫn tinh giản chương trình nhưng không làm mất đi tính hệ thống và vẫn đảm bảo các nội dung cốt lõi. Qua đó giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực, có được kiến thức và kỹ năng, giúp các em tham gia các kỳ thi do các cấp tổ chức. Ông Thành cũng cho rằng so với cách thi tốt nghiệp THPT thì thi đánh giá năng lực không có sự khác nhau đáng kể nào, ngoài hình thức thi, cấu trúc đề có thể khác nhau. Các bài kiểm tra, đánh giá, thi đối với học sinh đều phải dựa vào kiến thức, kỹ năng của chương trình mà học sinh đã học. Dù được tổ chức theo hình thức nào thì mỗi đề kiểm tra, đánh giá, thi đều bao gồm các câu hỏi, bài tập trong đó yêu cầu học sinh phải huy động được những kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết các vấn đề đặt ra theo các mức độ khác nhau. Nếu học sinh đã nắm vững kiến thức, kỹ năng đã học một cách có hệ thống; có năng lực huy động, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học theo các mức độ yêu cầu của chương trình thì dù đề kiểm tra, đánh giá được cấu trúc thế nào thì cũng sẽ làm được các câu hỏi, bài tập trong đó. Các học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng một cách có hệ thống và có thể tham khảo, luyện tập theo 1 - 2 đề thi minh họa tương ứng với các kỳ thi thì chắc chắn đáp ứng yêu cầu. Ông Thành cũng lưu ý theo hướng dẫn thực hiện chương trình ứng phó với dịch bệnh, đề kiểm tra, đánh giá, thi không bao gồm những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.
Trong phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022, Bộ GD-ĐT cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, không bao gồm các nội dung được tinh giản đi nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch COVID-19 mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Thời gian tổ chức kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.