Điểm lại những vụ án lớn đã xét xử trong năm 2021 tại Hà Nội

Sự kiện - Ngày đăng : 11:44, 06/01/2022

Trong năm 2021, TAND TP.Hà Nội đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn, trong đó có việc xét xử đối với cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Trong năm qua, TAND TP.Hà Nội đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn, với những bị cáo nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm. Một Thế Giới điểm lại 5 vụ án lớn đã được đưa ra xét xử trong năm 2021.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung 

Tháng 12.2021, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên tiếp hầu tòa trong 2 vụ án liên quan đến việc mua chế phẩm xử lý nước Redoxy-3C và vụ can thiệp trái pháp luật, giúp Công ty Nhật Cường trúng gói thầu số hóa dữ liệu doanh nghiệp.

Cụ thể, ngày 10.12.2021, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C.

chung-2-.jpg
Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên xét xử - Ảnh: N.A

Trong vụ án này, HĐXX đã tuyên án phạt Nguyễn Đức Chung 8 năm tù, Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic - Công ty Arktic) 4 năm 6 tháng tù, Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tuy nhiên, bản án này vẫn chưa có hiệu lực pháp luật bởi cả 3 bị cáo đều có đơn kháng cáo.

Theo nhận định của HĐXX, bị cáo Nguyễn Đức Chung với chức trách, nhiệm vụ là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức), tổ chức đoàn tham quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại thành phố.

Nhưng sau đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung lại chỉ đạo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic (công ty trung gian do Nguyễn Trường Giang làm giám đốc) là công ty gia đình, với động cơ vụ lợi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước với tổng giá trị hơn 36 tỉ đồng.

vu-so-hoa.jpg
Các bị cáo trong vụ án gói thầu số hóa - Ảnh: N.A

Ngày 27.12, bị cáo Nguyễn Đức Chung tiếp tục hầu tòa vì tội can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu gói thầu số hóa năm 2016. Cùng hầu tòa với cựu Chủ tịch trong vụ án này có 6 bị cáo khác là nguyên lãnh đạo, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh.

Trong lần xét xử này, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và bị tuyên phạt mức án 3 năm tù.

Theo HĐXX, mặc dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội làm chủ đầu tư và người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở, nhưng Nguyễn Đức Chung (với vai trò là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của pháp luật.

Sau khi dừng thầu, bị cáo Chung đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố (trong khi tới thời điểm hiện nay, thành phố chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung) và cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa, để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Theo nhận định của HĐXX, việc bị cáo Chung gọi điện thoại yêu cầu Giám đốc Sở cho dừng thầu là can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.

vu-huy-hoang-5-.jpg
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: N.A

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kháng cáo

Sau 2 lần hoãn phiên tòa, ngày 22.4.2021, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng hầu tòa trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và những đơn vị liên quan.

Đáng chú ý, trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Hoàng khẳng định sau khi miễn nhiệm, bị cáo không tham gia vào bất kỳ khâu nào của quá trình Sabeco thoái vốn.

Tuy nhiên, theo nhận định của HĐXX TAND TP.Hà Nội, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng là những người giữ vị trí quan trọng của ngành Công Thương nhưng các bị cáo đã thực hiện hành vi sai phạm nghiêm trọng trong thời gian dài.

HĐXX nhận định bị cáo Vũ Huy Hoàng là người đã trải qua nhiều vị trí công tác, với tư cách Bộ trưởng Bộ Công Thương, bị cáo có trách nhiệm quản lý, bao quát những vấn đề liên quan đến ngành Công Thương nhưng đã chấp thuận để Sabeco thoái toàn bộ vốn góp của công ty trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh…

Sau khi nhận phán quyết 11 năm tù của Tòa cấp sơ thẩm, cựu Bộ trưởng có đơn kháng cáo. Cùng kháng cáo còn có 3 bị cáo khác. Tuy nhiên, vào ngày 27.12.2021, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm do bị cáo Vũ Huy Hoàng và Lê Quang Minh vắng mặt có lý do. Thời gian mở phiên tòa phúc thẩm sẽ được TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ thông báo sau.

vu-nhom.jpg
3 bị cáo trong vụ án Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ 5 tỉ đồng - Ảnh: N.A

Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ 5 tỉ đồng cho Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo

Ngày 5.11.2021, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ (biệt danh Vũ nhôm - cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên The Sunrise Bay Đà Nẵng, CTHĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Đà Nẵng) đưa hối lộ 5 tỉ đồng cho cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh.

Trong ngày tuyên án (6.11.2021), HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 7 năm 6 tháng tù về tội “Đưa hối lộ”; Nguyễn Duy Linh 14 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Hồ Hữu Hòa 2 năm 7 tháng 25 ngày tù về tội “Môi giới hối lộ”. 

Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo Linh phải nộp lại 5 tỉ đồng. HĐXX ghi nhận bị cáo Linh đã nộp số tiền này vào ngày 5.11.

HĐXX nhấn mạnh hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây bất bình trong dư luận nhân dân nên cần phải có mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.

Theo nội dung vụ án, giữa năm 2017, Phan Văn Anh Vũ bị Cơ quan ANĐT của Bộ Công an điều tra về những sai phạm trong vụ án Cố ý làm lộ bí mật nhà nước và những hành vi vi phạm pháp luật khác. Lo sợ bị pháp luật xử lý, Phan Văn Anh Vũ nhờ Hồ Hữu Hòa tiếp cận với ông Nguyễn Duy Linh để nhờ giúp đỡ, tìm hiểu thông tin.

Sau khi tiếp cận và nhờ ông Linh “giúp đỡ”, Phan Văn Anh Vũ đã bỏ trốn sang Singapore. Việc bỏ trốn xuất phát từ việc Nguyễn Duy Linh có thông tin cho Vũ biết rằng Vũ có thể bị khởi tố, bắt giam.

Trong quá trình cơ quan chức năng điều tra, Phan Văn Anh Vũ thay đổi lời khai, Nguyễn Duy Linh không nhận tội. Tuy nhiên, CQĐT đã thu thập các tài liệu chứng cứ hoàn toàn khách quan, phù hợp diễn biến sự việc, phù hợp với động cơ, mục đích của người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ và người nhận hối lộ.

cao-toc.jpg
Xét xử vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi diễn ra trong nhiều ngày - Ảnh: N.A

36 bị cáo hầu tòa trong vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi

Các bị cáo trong vụ án này được đưa ra xét xử vào ngày 23.11.2021 tại TAND TP.Hà Nội. Sau thời gian xét xử, chiều 6.12.2021, HĐXX cấp sơ thẩm nhận định hành vi sai phạm của các bị cáo đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hành vi phạm tội của các bị cáo gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình, gây hư hỏng trong quá trình khai thác. Trong vụ án này, theo HĐXX, các bị cáo đã không tuân thủ những quy định của nhà nước nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Về hình phạt, HĐXX quyết định xử phạt 2 cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC là Nguyễn Mạnh Hùng 7 năm tù, Lê Quang Hào 6 năm tù. Đối với các bị cáo còn lại, HĐXX đã tuyên mức án tương xứng với hành vi phạm tội, trong đó có một số bị cáo được hưởng án treo.

nguyen-manh-hung.jpg
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó tổng giám đốc VEC) - Ảnh: N.A

Theo HĐXX, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139 km, từ TP.Đà Nẵng đến TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).

Dự án được khởi công năm 2013, đến năm 2017 thì hoàn thành thông xe, được đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn I - 65km từ TP.Đà Nẵng đến TP. Tam Kỳ; ngày 2.9.2018 hoàn thành thông xe, được đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn II - 74,2km từ TP.Tam Kỳ - TP.Quảng Ngãi.

Mặc dù mới đưa vào khai thác, đoạn đường 65km đã xảy ra rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.

Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.

Quá trình thi công, nghiệm thu, các bên liên quan đã không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, không đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng.

VEC, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa các loại.

Mặc dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỉ đồng cho các đơn vị thi công dự án.

Nhã Thanh